Điểm du lịch tâm linh
Núi Cậu có độ cao khoảng 300 m so với mực nước biển. Con đường mòn độc đạo dẫn khách lên núi vẫn còn hoang sơ, quanh co uốn lượn. Gạt mồ hôi trán, ông Nguyễn Văn Đương, một du khách đến từ Bạc Liêu, hồ hởi: “Khoảng 8 giờ sáng là đoàn chúng tôi gồm 25 người đã đặt chân đến chùa Phật Nằm, rồi thả bộ lên núi để ngắm “cảnh tiên”. Năm nào cũng vậy, hễ tới mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là tụi tui bao xe lên cúng Bà rồi chạy thẳng vào núi Cậu. Thường chúng tôi lên núi Cậu vào ngày rằm, ngủ qua đêm để cúng trăng”.
Tuyến đường mòn lên núi toàn đá cỡ lớn, xếp thành từng nấc. Những “cốc chủ” ẩn dật trên núi cho biết lúc mới về đây lập nghiệp đã có những hòn đá to hình thành như thế. Trong lúc lên rừng đốn củi, hái trái cây, người dân đi riết thành đường mòn. Vừa leo qua khúc cua núi đá trập trùng, đặt chân đến Sân Tiên, ông Đương và cả đoàn khách đi cùng thở phào nhẹ nhõm. Sân Tiên trên núi Cậu rộng khoảng 2.000 m2, cạnh đó có một quán nước giải khát cho du khách. “Năm nào cũng vậy, từ ngày 16 tháng giêng kéo dài cho đến dịp lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (cuối tháng 4 âm lịch), du khách lại rủ nhau hành hương đến đây. Những ngày này, quán tôi không còn chỗ để ngồi. Nhiều đoàn ở Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu còn mang heo quay, bánh trái đến đây cúng trăng nữa”, ông Võ Văn Tuấn - chủ quán, cho biết.
|
Những điều kỳ bí
Cư dân trên núi Cậu kể rằng hồi trước, bà Bảy ở Châu Đốc lên đây cúng vái ông Cậu. Sau về làm ăn khấm khá, bà thuê người khuân vác gạch, xi măng lên xây ngôi miếu thờ ông Cậu, chứ trước ở đây chỉ có một cái miếu nhỏ, với chiếc lư hương đặt cạnh cây bồ đề rất đìu hiu, hoang vắng. Từ đó, sự linh thiêng được truyền tai nhau, khiến khách thập phương kéo về ngày càng đông và ai đặt chân đến Sân Tiên cũng đều đến cúng miếu ông Cậu để cầu mong làm ăn thuận buồm xuôi gió cả năm.
Điều độc đáo và huyền bí hơn nữa là ở giữa Sân Tiên có một chiếc bàn thạch lớn (ngang khoảng 1,5 m, dài hơn 2 m) được kê kích bởi 5 chân bằng những tảng đá nhỏ, khiến du khách đến đây đều nhìn quanh rồi tự hỏi không biết họ dùng cách nào để chẻ đá thành một mảng lớn và kê kích được như vậy? Phía trước bàn thạch là dấu bàn chân phải “khủng”, được mọi người cho rằng là “bàn chân Tiên”, to gấp 10 lần chân người bình thường vẫn còn hằn sâu trên mặt đá. Đồng thời cạnh bàn thờ ông Cậu và quanh Sân Tiên còn có 11 hang nước nhỏ tích trữ quanh năm…
Cụ Trần Văn Mẹo (85 tuổi, nhà dưới chân núi Cậu) nói: “Ông nội tôi kể lại theo truyền thuyết, vào những ngày rằm sáng trăng, Sân Tiên trên núi ngày xưa là nơi để các vị tiên trên trời giáng trần xuống vui chơi, trong đó có trò chơi chọi gà. Cạnh Sân Tiên có nhiều giếng nước tự nhiên dùng để tắm gà, vỗ gà… Hồi trước, tui mới về đây ở, đồi núi còn hoang vắng lắm! Sáng sớm, sương còn giăng giăng thì đã nghe tiếng gà rừng gáy le te trên đỉnh núi Cậu, như là chốn “bồng lai tiên cảnh” vậy”. Ông Mẹo chậm rãi nói thêm: “Còn bàn thờ ở giữa Sân Tiên, ngày trước chính là bàn cờ để các tiên ông giải trí. Còn bàn chân Tiên phía trước là do hồi xưa ông Cậu bước qua “năm non, bảy núi” nên hằn dấu chân trên đá. Vào những ngày rằm lớn trong năm, du khách đến đây cúng vái, rồi dùng chai nhựa múc nước mưa đọng lại tại bàn chân ông Cậu và các hang nước tiên đem về uống.
Ông Trần Văn Sinh, một chủ quán nước dưới chân núi Cậu, kể rằng khoảng 20 năm trước, vào mùa khô những người đi lên rừng đốn củi, trồng rẫy, hái trái cây cũng nhờ những cái “hang nước tiên” mát lạnh trên núi mới khỏi bị khát nước. “Năm nào cũng có hàng ngàn người đem chai nhựa đến múc uống mà nước trong các miệng giếng vẫn không cạn. Tuy nhiên gần đây, một số du khách vô ý thức xả rác bừa bãi, khiến nước ở nhiều hang đá bị bẩn, người dân nơi đây phải đến vét, súc rửa hang nước mới trở lại trong vắt như vầy”, ông Sinh nói.
TRƯỜNG AN
Bình luận (0)