|
“Sàn” bò biên giới
Sáng tinh mơ. Trong khói sương se lạnh vùng biên, từng đàn bò lừng lững vượt sông qua biên giới. Khi chúng tôi tìm đến chợ bò ở xã Tân Khánh Hòa, Giang Thành, Kiên Giang thì những cuộc mặc cả đã bắt đầu tăng nhiệt. Hôm nay nhằm ngày lái bò từ Campuchia dẫn qua những đàn bò “được mắt”. Tuy nhiên, sự chê khen vẫn diễn ra như mọi ngày. Đến khi chủ bò từ bên kia biên giới không thèm nhìn đến cánh bạn hàng đẩy đưa giá cả, thì những cuộc mua bán “tiền trao cháo múc” mới bắt đầu. Ngôn ngữ giao dịch ở đây không chỉ tiếng Việt, tiếng Campuchia mà cả những tiếng lóng đặc trưng của dân lái bò biên giới, kiểu như “Con này 3 triệu riel là đứt giá...”, “Con này già quá, chỉ có nước đem về cho nó ăn trầu...”. Tiền giao dịch ở đây cả tiền đồng lẫn tiền riel (tiền Campuchia).
Quanh bãi đất chen chúc trâu, bò neo cọc chờ bán, người ta thấy không chỉ có dân buôn bò bản địa, mà còn có những lái bò nhẵn mặt đến từ Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ... và những nông dân chất phác tìm đến với hy vọng có được con giống tốt cho vụ mùa tới. Người tới sớm, kẻ tới muộn, nhưng trong một ngày mà các cao bồi Campuchia liên tiếp xuất hiện với những đàn bò mới, thì chợ nhộn hẳn lên. Từ bậc đại gia cho đến những tay buôn nhỏ lẻ đều hài lòng với món hàng mua được.
Gần 20 năm nay, bãi đất trống nhà anh Dương Hoàng Phong (ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa) sáng nào cũng như mở hội. Xen giữa tiếng xe nổ, tiếng bò rống, là tiếng trao đổi giá cả, bàn bạc làm ăn đầy căng thẳng và đôi khi cả những tràng cười ran góc chợ. Chợ bò này đã ràng buộc sự nghiệp của không ít người. Từ đây, có những người đã nhà cao cửa rộng, nhưng vẫn có những người quanh năm chân trần lội bùn, vượt sông dẫn bò mướn kiếm cơm.
Mặt trời lên, là lúc người ta bắt gặp những cọc tiền dày cộm được trao tay. Số phận của những con bò cũng được định đoạt khi chúng được quẹt nước sơn vào mông, đánh dấu chủ sở hữu mới. Giao dịch thành, bò được kéo lên xe tải, nhường cọc cho đàn bò khác vừa vượt sông đến nơi, cả người và bò đều lấm lem bùn. Những màn làm giá lại bắt đầu... cho đến khi “sàn” chỉ còn lại những con bò già nua, yếu ớt hoặc chủ bò và người mua không thỏa thuận được giá.
|
“Chỉ người mua bò là sướng”
Một lái bò tên Hiền (Vĩnh Điều, Giang Thành, Kiên Giang) nói rằng, so với trước đây những cuộc mua bán bò đã không “dễ ăn” đối với các lái bò VN. Nếu như cách đây vài năm, bỏ ra 4 triệu riel (trên dưới 20 triệu đồng) mua được con bò ưng ý, có khi anh lãi cả triệu đồng, thì giờ chuyện đó “mơ mới có”. Tuy vậy, dân buôn khắp các tỉnh vẫn tìm về đây vì bò Campuchia luôn rẻ hơn bò nuôi ở các tỉnh. Nguồn cung bò lại phong phú, “mua bao nhiêu cũng có”. “Nói thế, nhưng cũng tùy ngày. Có hôm bò từ bên kia biên giới qua nhiều, người mua tha hồ mà chọn. Cũng có ngày vì nhiều lý do, bò về thưa thớt những đàn già giơ xương, dân buôn bên đây đành ngậm ngùi buồn ngóng”, anh Hiền nói.
|
Trừ những thương lái từ các tỉnh ra biên giới mua bò về mổ bán thịt hoặc bán lại làm sức kéo, các xã dọc theo tuyến biên giới như Khánh An (An Phú), Tịnh Biên (An Giang), Vĩnh Điều (Kiên Giang) đều có những trại bò quy mô vài chục đến vài trăm con. Từ các trại này, bò Campuchia được mua về chăm sóc, vỗ béo cho đầy đặn để chờ xe chở vào các lò mổ khắp khu vực, thậm chí ra tận miền Trung.
Cách nhà anh Phong chưa đầy 1 cây số là một chợ bò khác nằm sát bên bờ kinh Vĩnh Tế. Khi bãi bò bên kia đã thưa thớt thì nơi đây hầu như vẫn còn đủ các chủ trại bò bản địa. Một lái bò nói nhỏ: “Có một bầy rất “êm”, mấy ổng đang đợi chủ bò Campuchia xuống giá”. Vấn đề ở đây là giá. Nhưng tại bãi này, ít khi nghe tiếng mặc cả. Thay vào đó là những tràng bông đùa của cánh chăn bò, bằng cả hai thứ tiếng. Với mớ tiếng Việt lơ lớ, anh cao bồi tên Pô nói rằng ở đây chỉ có những người mua bò là sướng, có thể vắt vẻo nhìn bò được giá thì trả tiền, không được thì về. Còn những người chăn bò như anh luôn vất vả. Họ mong sớm bán được đàn bò này để về bên kia dắt qua đàn khác. Ba Giao, một cao bồi Việt kiều than thở rằng để dẫn đàn bò đi trên 5 cây số, băng đồng, vượt 3 con sông, từ bên kia tỉnh Cam Pốt qua, ông phải bắt đầu đi từ khuya. Ba Giao nói muỗi mòng, đỉa vắt ông không sợ, mà chỉ ngại rắn độc. Đó cũng là nỗi ám ảnh thường trực của những người dắt bò vượt biên như ông. Bởi từng có tiền lệ rắn độc gieo rắc kinh hoàng cho cao bồi biên giới.
Một cao bồi kể mấy năm trước có người tên Bườl cùng một nhóm dẫn bò từ Campuchia sang. Dọc đường, bỗng dưng đàn bò dậy lên chạy tán loạn. Bườl đuổi theo kéo mũi cặp bò của mình vì sợ lạc mất trong đêm. Khi khống chế được bò thì anh thấy người lạnh toát. Những người trong nhóm biết “có chuyện”, liền cử người đưa Bườl đến gặp thầy chữa rắn cắn. “Thằng Bườl nó may, chứ không phải ai cũng cứu kịp thời giữa vùng biên giới này”, Ba Giao xuýt xoa.
Trong mỗi chuyến đưa bò vượt biên, mọi chi phí ăn uống của cao bồi đều do lái bao. Bán được bò, cao bồi được trả thù lao 5.000 riel mỗi con. Nếu hôm nào bán được giá, chủ bò phóng khoáng “boa” thêm, còn không thì chỉ bấy nhiều. Thu nhập ít ỏi nhưng họ vẫn phải bám lấy mưu sinh.
|
Thương trường khốc liệt
So với nhiều chợ bò ở dọc tuyến biên giới Tây Nam, chợ bò Tà Ngáo (Tịnh Biên, An Giang) có quy mô và được tổ chức quy củ từ khi khu giao dịch bò bề thế được xây dựng. Cùng với đó, các chế độ kiểm soát, kiểm dịch được thiết lập. Một lái bò kể: Trước, người ta mua bì “xí” nhiều. Nghĩa là lái “chấm” bò từ khi bò chưa... lội qua sông, nên việc tranh mua, tranh bán, thậm chí phá giá và... choảng nhau là khó tránh. Nhưng giờ người ta làm ăn có uy tín hơn nên cũng đỡ.
Được sự giới thiệu của một sĩ quan biên phòng, chúng tôi tìm đến một chủ trại bò có cơ ngơi quy mô tại Tà Ngáo. Bảy Đúng (Hà Văn Đúng) kể: “Tới mùa nước nổi, vùng thượng nguồn Campuchia còn ít đất cho bò nên bò thường lội qua tới đây là đã gầy nhom. Nhiều lái bò có vốn, mua vỗ cho tròn lại chờ được giá bán. Nhờ vậy, nhiều lái bò biên giới quanh năm ăn nên làm ra”.
Trong khi đó, lái bò tên Lành ở Vĩnh Điều khẳng định “Kiếm được tiền ở biên giới, coi vậy chứ không dễ đâu”, dù thừa nhận gia đình anh có được cơ ngơi như ngày nay cũng nhờ mua bán bò vùng biên. Theo Lành, mua được bò đẹp đem về chưa hẳn chắc ăn, bởi có khi thất mùa lúa, bò bán không được, chết vốn là chuyện thường. Còn những năm bò hút hàng, gia đình anh phải đặt tiền cọc trước cho bạn hàng Campuchia, lại bị “bẻ kèo”, bò không thấy mà bạn hàng cũng chẳng qua. Ngay cả khi mua bán êm xuôi cũng chưa chắc thắng. Bởi tiền giao dịch phần lớn bằng tiền riel, nên lời lỗ lại tùy vào tỷ giá.
Bất luận thế nào, các chợ bò mỗi sáng vẫn đông nghẹt. Dọc theo triền sông chảy dài theo biên giới, những đàn bò vẫn nườm nượp vượt sông tìm tới chợ.
Tiến Trình
>> Lái bò… mù
>> Ông mù lái bò
Bình luận (0)