"Cao thủ cô đơn" trên đỉnh A Dương - Kỳ 2: Ngậm ngải tìm... ba kích

14/09/2007 22:29 GMT+7

Cây của trời" Duyên nợ với ba kích đến với ông cũng rất tình cờ vào năm 2004, trong một lần dẫn đoàn nghiên cứu của tiến sĩ Ngô Trại từ Hà Nội vào để tìm kiếm các cây thuốc Nam trên địa bàn huyện Tây Giang.

Nhắc lại chuyện cũ, Bhiríu Pố nhớ như in: "Xế chiều hôm đó, mình cùng TS Ngô Trại đi tham khảo đất, nước, rừng ở xã Lăng lần cuối cùng để sáng sớm mai đoàn về lại Hà Nội thì phát hiện ra cây ba kích ở trong một hốc núi. Nghe TS Ngô Trại bảo đây là giống cây quý lắm, có củ ở dưới. Lúc đầu, mình không tin vì trước đến giờ vẫn thấy nó mọc hoang, người dân gọi là cây ruột gà. Bán tin bán nghi nhưng vị nể lời TS Ngô Trại, mình đào lên thì thấy có củ thật". Đến lúc này, ông mới tin sái cổ lời TS Ngô Trại giới thiệu về ba kích. Chạy về nhà, Bhiríu Pố tra cứu lại "bửu bối" là quyển sách trị giá bằng cả gia tài thì đúng thật. Hóa ra đất Tây Giang có loại cây thuốc quý như vậy mà không ai biết.

Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của NXB Khoa học và Kỹ thuật của giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng như một số tài liệu tham khảo khác, Ba kích có tên khoa học Morinda officinalis How, thuộc họ cà phê, là cây loại thảo, sống lâu năm (dân gian còn có tên gọi khác là cây ruột gà). Ba kích mọc hoang ở ven rừng, trên đồi rậm, giữa các bụi bờ bãi hoang. Ở Việt Nam, trước đây người ta tìm thấy ba kích có nhiều ở các vùng Quảng Ninh, Vĩnh Phú... Đây là loại cây lấy rễ, có thể đào quanh năm nhưng thường đào tốt nhất là vào thu đông. Còn theo các tài liệu cổ, ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ôn, có tác dụng bổ thận, cường dương, mạch gân cốt khử phong thấp. Trong nhân dân, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Các tài liệu của Viện Thông tin thư viện y học Trung ương cũng đồng quan điểm về tính năng bổ thận, cường dương trừ phong, điều huyết mạch, ích khí của ba kích. Hiện nay, nhiều người ưa chuộng và rỉ tai nhau về rượu ba kích với tư cách là loại rượu "ông uống bà khen hay" thuộc hàng top ten, có công dụng tương đương các loại thuốc quý như đông trùng hạ thảo, dâm dương hoắc...

 "Bảo vật"

Một số bài thuốc của ba kích:

 - Dùng phối hợp ba kích, thục địa, nhân sâm (hoặc đảng sâm), thỏ ty tử, bổ cốt toái, tiểu hồi hương dùng cho người già yếu chân gối tê mỏi.

- Dùng phối hợp ba kích với nhân sâm, nhục thung dung và thỏ ty tử để trị bất lực và vô sinh.

- Dùng phối hợp ba kích với nhục quế, cao lương khương và ngô phù du để chữa rối loạn kinh nguyệt.

 - Dùng phối hợp ba kích với tục đoạn, tang ký sinh và tỳ giải để trị cảm giác lạnh và đau ở vùng thắt lưng và đầu gối hoặc suy yếu vận động.

- Gần đây ở Trung Quốc có dùng ba kích trong đơn thuốc "Nhị tiên thang" để chữa bệnh cao huyết áp có kết quả. Đặc biệt đối với phụ nữ bị cao huyết áp ở thời kỳ hết kinh, kết quả rất rõ rệt chỉ sau 3 tháng. Đại chúng y học xuất bản tháng 9.1959 cho rằng có đến 74% trường hợp chữa trị đạt kết quả. Bài thuốc gồm: ba kích, tiên mao, dâm dương hoắc, tri mẫu, hoàng bá, đương quy mỗi vị 12gr. Ngoài ra, nhân dân ở một số nơi có loại cây này thường đào củ về nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe.

Sáng sáng, sau khi nuốt vội nắm xôi vợ nấu, Bhiríu Pố lại một mình vác rựa, đùm cơm vào rẫy chăm lo cho gần 1.800 gốc ba kích - công trình vĩ đại sau những tháng ngày vất vả vào rừng ngậm ngải tìm... ba kích. Hồi ấy, khi đã biết loại cây vẫn hay mọc hoang trên núi là loại thuốc quý, Bhiríu Pố đem chuyện kể với bà con. Nghe nói đã có một số nơi áp dụng trồng loại cây thuốc quý này nhưng rất ít. "Nhà nước còn trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh, tại sao mình không trồng ba kích để nhân rộng loại cây quý hiếm này?", nghĩ là làm, Bhiríu Pố bàn với dân làng. Mọi người ai cũng gàn, một mực khuyên nhủ Bhiríu Pố "đây là cây của trời, của đất chứ không phải của người. Không trồng được đâu!". Chỉ có trực quan sinh động, mọi người mới tin và làm theo, Bhiríu Pố liều một phen, quyết trồng cho được giống cây quý để chứng minh cho dân làng.

Cả một thời gian dài, người dân trong làng thấy hai vợ chồng Bhiríu Pố xách bao tải, lầm lũi đi vào rừng để tìm ba kích. Đây là khoảng thời gian khổ cực nhất của vợ chồng Bhiríu Pố khi đối diện với kiến cắn, vắt bu... Hái được chừng nào, Bhiríu Pố mang về trồng dần ở khu đồi trên rẫy. Chờ đến lúc ba kích lên tươi tốt, thân mọc dài nhô khỏi đất, Bhiríu Pố mới gọi bà con đến xem. Đến lúc này, mọi người mới tin rằng "cây của trời có thể trồng được". Đến bây giờ, số gốc ba kích ở trên rẫy của Bhiríu Pố đã xấp xỉ 2.000, các sườn đồi những bụi sâm ba kích đang mọc phủ gần kín đất. Sau khi trồng khoảng 14 tháng thì đã thu hoạch được ba kích. Khẽ hớp một bát chè xanh, Bhiríu Pố gật gù nhẩm tính: "Trung bình ít nhất, mỗi gốc thu hoạch được 1 ký. Nếu theo giá thành bây giờ, 1 ký ba kích bán được 80.000 thì  một năm, gia đình có ít nhất cũng phải 180 triệu. Hai vợ chồng đang cố gắng sẽ tăng lên 3.000 gốc trong năm sau". Và theo tính toán, chỉ vài năm nữa những vườn ba kích sẽ đưa ông lên hàng đại gia nơi đất rừng Trường Sơn này.  

Nhận thấy được khả năng phát triển và lợi ích của loại cây này, UBND huyện Tây Giang đang khuyến khích bà con đẩy rộng mô hình trồng ba kích. Ngoài việc trồng thử nghiệm tại HTX Thanh niên xung phong huyện, nếu nhà nào trồng được 1 ha, huyện sẽ ủng hộ 5 triệu đồng. Đến Tây Giang giờ đây, đi đâu cũng nghe mọi người nói về ba kích. Ai có lần đặt chân lên Tây Giang cũng cố tìm cho bằng được một hớp rượu ba kích màu tim tím để xác minh thực hư theo như lời sách vở, đồn đại. Từ giá ban đầu 10.000 đồng/kg ba kích tươi, giờ đây đã tăng lên 80.000 đồng, có thời điểm giá cao hơn nhiều nhưng vẫn không có ba kích để bán.

Kỳ 1: Gác kiếm về vườn, đổi vàng lấy sách

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.