Anh cao bồi số một
Những trận đua bò của các cao bồi vùng Bảy Núi luôn diễn ra khốc liệt. Các chàng trai không chỉ muốn chứng tỏ sự lão luyện, bản lĩnh và đôi khi là sự liều lĩnh của mình với đôi bò chiến. Những "người hùng" luôn được sự chú ý đặc biệt không chỉ trong giới đua bò vốn đã quá biết nhau, mà lòng ngưỡng mộ của người dân gần xa, của bà con phum, sóc đối với người chiến thắng đã đẩy tinh thần quyết đấu trong các giải đua bò Bảy Núi đỉnh điểm. Những anh cao bồi dữ tợn, những đôi bò hay được lùng ráo riết trên khắp đồng cỏ, từ các chợ bò biên giới đến tận trên đất Campuchia cho khát vọng trở thành người hùng của những cao bồi. Trong số họ, có người cả đời cũng chưa một lần thực hiện được ước muốn đó. Ngược lại, có một anh chàng từ lâu "thống lĩnh" giải đấu với 11 chức vô địch trong lịch sử 19 lần tổ chức giải. Là người duy nhất được tôn trọng tuyệt đối và cũng chẳng ai bàn cãi khi có người nói rằng Chao Pi là tay đua bò số một vùng Bảy Núi, là "siêu cao bồi", và là thần tượng của những chàng trai trẻ tập tành khống chế đôi bò chứng để nuôi ước mơ bước lên bục người hùng.
Khi mặt trời núp dần sau lưng núi Cấm (H.Tịnh Biên, An Giang), con đường ngoằn ngoèo dẫn vào sóc Tà Lọt (xã An Cư, H.Tịnh Biên) càng trở nên âm u. Chỉ có con đường rừng bên sườn núi này làm khó người mới đến, còn ngôi nhà núp bên vạt rừng lại là địa chỉ khá quen thuộc của người xa kẻ gần. Có thể thấy sự nổi tiếng của anh chàng “cao bồi số một” này khi hỏi nhà, từ cô thôn nữ trên đồng, cậu bé lững thững dắt bò về muộn, cho đến gã thanh niên phì phò khói thuốc trong quán cà phê ven đường… đều chỉ dẫn một cách nằm lòng. Thậm chí, có ông lão nhà trên đường vào Tà Lọt còn kịp bình luận một câu bí ẩn khi nghe hỏi Chao Pi "dân đó chơi bùa không hà" (!?).
Qua suối Cây Sung cạn nước, qua con đường đá, đi thẳng về phía núi Cấm, tới căn nhà cuối cùng bên chân núi, nơi người ta chở rau rừng đến bán…tôi bắt gặp người đàn ông vẻ mặt hiền lành ngồi bên ông lão chột. Chao Pi trông rất khác với hình ảnh anh cao bồi điều khiển bò phóng như bay trên đường đua. Một Chao Pi nhiều lần khuất phục những cao thủ lão luyện trong giới cao bồi, một Chao Pi để tóc "xoáy ngựa" như một dân chơi thứ thiệt, ở trước mặt tôi là anh nông dân chất phác, khiến bất giác tôi phải hỏi gặng "anh là Chao Pi? Chao Pi đua bò?".
Những chiến thắng "vô lý"
Bóng tối đắp dần xuống chân núi. Một người đàn ông để râu bỗng bật khóc tấm tức khi tôi bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi nhà vô địch về những… thất bại. Tư Đệ (Đào Văn Đệ) - nhà ở biên giới Tịnh Biên- vào thăm "sư phụ" Pi không giấu cảm xúc khi nhớ lại một lần thất bại của thầy. Anh nói dù chuyện đã khá lâu rồi, nhưng anh vẫn còn "thấy tủi" khi chứng kiến hình ảnh Chao Pi bị nock out ngay trước vòng chung kết, phải bỏ cuộc. Đệ bảo đua bò không chỉ khốc liệt ngoài trường đua, mà phía sau đó là cả những câu chuyện cười ra nước mắt. Và rồi Đệ lại tiếp tục khóc khi chúng tôi nhắc về những trận thắng của Pi. Từ những chiến thắng đầu tiên đến khi bước lên ngôi vô địch gần nhất (Chao Pi - Nguyễn Thành Tài là đương kim vô địch giải bò Bảy Núi), bao giờ cũng mang lại cảm xúc bất tận cho không chỉ người chiến thắng, mà còn là vợ con và cả xứ, những người ủng hộ anh ta.
|
Ông Nguyễn Văn Tấn, cha Chao Pi, nói ông cũng là người say mê bò đua. Đã 50 năm với những trận đua nhớ đời, năm nào vào mùa này ông cũng đếm ngược từng ngày đợi đưa bò xuất trận. Ngay cả khi bị tai nạn trong một lần luyện bò đã lấy đi mắt trái của ông, nhưng niềm đam mê ấy cũng chưa hề dứt. Ngày trước, khi giải đua bò chưa được tổ chức thành lễ hội Quốc gia như ngày nay, những nông dân có bò tốt thường hay đem bò đi "bừa chùa". Việc đua bò thường được các chùa tổ chức với giải thưởng là dây "cà tha" và một bữa… nhậu, chỉ có vậy. Nhưng ai cũng hăng hái đem bò đi đua khi được nhà sư gọi. Ông Tấn nói cốt lõi trong những cuộc đua này là khoe bò khỏe để bán giá cao. Về sau giải thưởng được nâng lên có đồng hồ, dây vàm (dây cương), và một ít tiền làm tiệc mừng. Lần nào chiến thắng khách cũng kéo đến nhà nườm nượp, cả người quen lẫn người chưa quen đều muốn đến chia vui. Như năm rồi, nhà ông phải đãi hết một bầy gà và cả trăm lít rượu mới ngơi khách.
Giải thưởng lớn nhất trong những cuộc đua bò là danh dự. Khẳng định bản lĩnh trong giới đua bò là chuyện vô cùng khó. Dù rất nổi tiếng là "chịu chơi", dám bỏ tiền lớn để mua bò hay, nhưng ông Tấn thừa nhận chưa bao giờ ông đạt tới đẳng cấp của con ông. Khi Chao Pi xuất ngũ trở về, ban đầu cũng tham gia các trận "bừa chùa". Nhưng chỉ được một hai mùa thì bị không cho đua nữa vì lý do không cùng đẳng cấp. Đến khi anh cầm bò đại diện cho xóm làng, cho ấp xã, đi đua giành giải, tên tuổi được chú ý nhiều hơn. Để thỏa lòng đam mê của đông đảo người dân, chính quyền địa phương bắt đầu tổ chức những giải đua bò với quy mô ngày càng lớn, có năm mời các cao thủ của tỉnh bạn, của Campuchia qua đua…
|
Những trận đua bò quyết liệt ở Bảy Núi dần trở thành sự kiện trông đợi của không chỉ người dân trong vùng mà còn thu hút người hâm mộ cả miền. Khi quy mô tổ chức càng lớn, người hâm mộ càng đông, giải thưởng càng cao thì các trận đua càng trở nên quyết liệt, tính ăn thua được đẩy đến mức cao trào. Trong rất nhiều cao thủ hội tụ về Bảy Núi hàng năm, Chao Pi đến giờ vẫn là số một, được liệt vào dạng "siêu sao". Khi vào giải, anh luôn được nhiều người bạn đi theo "bảo vệ", bò của anh cũng được bốn, năm người giữ để phòng bị người lạ "phá" què giò hay đui mắt. Những chiến thắng liên tiếp trong những trận đua khốc liệt của Chao Pi khiến có người coi đó là chuyện … "vô lý". Rồi người ta giải thích nguyên nhân chiến thắng bằng những chuyện ly kỳ, đại loại như cha con anh đã dùng râu cọp treo trước mũi để bò chạy chối chết, không dám nghỉ. Nhắc đến chuyện này, Hai Tấn cười xòa: "Tui mà có bùa thì dại gì cực khổ, bỏ tiền đi kiếm bò hay. Tại tui biết coi bò, thằng Pi có bản lãnh nên mới ăn người ta vậy thôi".
Mệnh lệnh của lòng tốt
Nghe Hai Tấn kể về cái sự "coi bò" cũng đủ để người nghe mường tượng ra việc đua bò lắm nhiêu khê thế nào. Nào là một con bò hay phải có chân thanh thoát, rỏng rảnh như chân con nai, con ngựa; khóe mắt xéo, mí dầy, mi to, điều này quyết định sự gan dạ và trung thành của bò; phải có xoáy ngay ngắn ở cả mặt, 2 tai, lưng, ót, thiếu một xoáy trong các chỗ này cũng đều không hợp lệ; rồi mặt bò phải xương, thẳng , sừng cân đối; rồi nào đuôi phải một màu, bụng thon, lưng "mo" không thẳng, không oằn… để tìm được con bò như thế, có khi phải tần tảo ngàn cây số cũng kiếm không ra. Đến khi gặp được rồi thì giá nào cũng không bán. Hai Tấn nói ông tới giờ còn tiếc vì đã bán đôi bò "hỏa tiễn" với giá 7 cây vàng, sau này không tìm được bò như thế nữa.
Nhưng bò hay phải gặp được người giỏi mới có thể mang lại chiến thắng. Gan dạ, khôn lanh là một chuyện, nhưng chưa chắc đã có thể làm nên đẳng cấp của một "siêu cao bồi" Chao Pi. Có người vào đua đã dùng gậy thúc bò đến chảy máu đỏ thân, nhưng bò cũng không thể chạy theo ý. Chao Pi nói con vật nào cũng có tình. Đôi khi lòng tốt là một mệnh lệnh có uy lực hơn cả sự đe dọa. Cha con ông Tấn "cưng" bò đến mức cho ở cùng nhà với người. Ông Tấn tâm sự: "Tui từng tuổi này còn chưa từng uống hột gà, nhưng bò của tôi gần ngày ra trận là chỉ uống sô đa sữa hột gà, hết sô đa thì cho uống nước dừa hột gà, hết dừa cho uống nước tăng lực…mình đối xử như vậy chắc nó cũng biết”.
Ngày đám gả con gái của Chao Pi, đôi bò cũng là thành viên góp mặt trong ngày vui nhất. Thay cho xe hoa đưa dâu, người ta thấy đôi cô dâu chú rể hạnh phúc trên đôi bò. Một hình ảnh ai nhìn thấy cũng vui, đặc biệt là người cha lẫy lừng danh tiếng từ…bò.
Tiến Trình
Bình luận (0)