Tăng tốc trên công trường
Để đẩy nhanh thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, thời điểm này, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị trúng thầu) đã huy động 1.800 nhân công, 700 xe cơ giới, chia 2 - 3 ca/ngày (từ 6 giờ đến 22 giờ), tiến hành 46 mũi thi công để kịp tiến độ.
Công việc chính đang triển khai là dọn dẹp mặt bằng, đào bỏ vật liệu không thích hợp, đào nền thông thường, đắp nền đường và đường công vụ nội tuyến.
Tập đoàn Đèo Cả cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng thông hầm số 2 và tăng sản lượng thi công, tăng ca làm xuyên đêm trước mùa mưa, phấn đấu giá trị giải ngân đạt 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, nhà thầu cùng các ngành, địa phương liên quan ở Quảng Ngãi đã giải phóng mặt bằng được 37/51 vị trí.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (Bình Định) dài 88 km, với tổng kinh phí 20.469 tỉ đồng, trong đó đoạn thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3 km, chia làm hai gói thầu: XL01 và XL02.
Gói thầu XL01 đi qua các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và một phần Mộ Đức, có tổng giá trị xây lắp hơn 3.680 tỉ đồng (dài 30 km, với 26 km đường, 208 cống, 31 cầu, 27 hầm chui). Gói thầu XL02 đi qua địa bàn H.Mộ Đức và TX.Đức Phổ, tổng giá trị xây lắp 4.130 tỉ đồng (dài hơn 27 km, có 22,8 km đường, 125 cống, 21 hầm chui, 29 cầu và 2 hầm).
Đến nay, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) đã ký hợp đồng với nhà thầu thi công, trong đó, thi công cầu đường có thời gian 34 tháng, từ tháng 1.2023 đến tháng 10.2025; còn thi công hầm là 42 tháng, từ tháng 3.2023 đến tháng 8.2026. Hiện tại tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao mặt bằng 52,51/60,3 km, trong đó mặt bằng liên tục có thể thi công được là 38,91/60,3 km.
Vướng mắc trong đền bù mỏ đất
Theo Tập đoàn Đèo Cả, với hai gói thầu nói trên, phải cần 8,5 triệu m3 đất, 0,88 triệu m3 cát và 1,15 triệu m3 đá. Tuy nhiên, hiện nay lượng đất đắp đang thiếu vì chờ phê duyệt khai thác mỏ.
Trước đó, tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch hàng loạt mỏ đất phục vụ dự án cao tốc, nhưng khi nhà thầu khảo sát lại thì nhiều mỏ đất không đảm bảo chất lượng, đất lẫn đá nhiều, đường tiếp cận khó khăn và một phần do người dân không đồng ý cho sử dụng đường tiếp cận mỏ.
Vì vậy, để đảm bảo lượng đất đắp, nhà thầu và ngành chức năng địa phương đã tiếp tục khảo sát các mỏ đất khác trên địa bàn. Tuy nhiên, theo quy định, việc cấp phép mỏ đất có thời gian 4,5 tháng. Như vậy là khá dài, nên nhà thầu đã đề nghị áp dụng các quy định hiện hành để rút ngắn thời gian.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu các quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ để rút ngắn thời gian, tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác các mỏ đất xuống còn khoảng 38 ngày.
Khi thời gian cấp phép khai thác mỏ đất được rút ngắn thì lại gặp trở ngại trong việc đền bù cho người dân để giải phóng mặt bằng các mỏ đất. Đó là do không có khung pháp lý áp giá đền bù nên khi thỏa thuận, người dân yêu cầu đền bù cao hơn giá của nhà nước. Hoặc khi người dân đã thỏa thuận, thì việc thẩm định, phê duyệt các chi phí cấu thành giá đất thấp hơn so với chi phí thực tế mà nhà thầu đã chi trả.
Chưa kể, do nhà thầu tự tổ chức đàm phán đền bù, giải phóng mặt bằng mỏ đất nên giá bị đẩy cao hơn với đơn giá đền bù của địa phương. Vì vậy, đến nay chỉ có 3/11 mỏ đất được cấp phép.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Ngãi đang chờ tháo gỡ các vướng mắc này.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 12.8
Ngày 12.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc cấp phép mỏ đất phục vụ cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh Quảng Ngãi phải thực hiện đúng theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ để việc thi công dự án cao tốc Bắc - Nam kịp tiến độ. “Nếu đơn vị khai thác mỏ hoàn thành đủ thủ tục sớm chừng nào, thì đơn vị sẽ xem xét cấp phép sớm chừng đó”, ông Trung nói.
Bình luận (0)