Nguy cơ chậm tiến độ vẫn do cát, đá
Chiều 15.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, làm việc, đôn đốc 2 dự án (DA) cao tốc trục ngang và trục dọc tại ĐBSCL, gồm tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Tại tuyến cao tốc trục dọc, Thủ tướng đi thị sát hiện trường tại 3 nút giao IC3, IC4 và IC5 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thuộc dự án Cần Thơ - Cà Mau; trong đó, IC4 là nút giao giữa 2 tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết DA đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Đến giữa tháng 12, dù đã huy động 234 mũi thi công, 3.000 nhân lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp, song tiến độ thi công DA cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn đang chậm tiến độ so với kế hoạch.
Cụ thể, được khởi công ngày 1.1.2023 và dự kiến hoàn thành vào 31.12.2025, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay, DA mới chỉ đạt khoảng 94% tiến độ so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là khó khăn về nguồn vật liệu san lấp và đá dăm, cùng với đó là còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù đã đạt 100% GPMB tuyến chính, song DA vẫn còn vướng mắc 200 m phạm vi bãi rác thuộc tuyến nối IC2-QL1 (thuộc TP.Cần Thơ), chậm 2 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác thi công, tiến độ tổng thể vẫn đang chậm 6% so với kế hoạch, thậm chí một số nhà thầu chậm tiến độ 12 - 14,7%.
Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (đại diện liên danh nhà thầu) cho rằng khó khăn lớn nhất là nguồn cung cấp vật liệu san lấp vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng; đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang xem xét lại việc công bố giá cát quá cao, gấp 1,4 lần so với mặt bằng chung các địa phương khác để tránh vượt tổng mức đầu tư dự án.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Định An, nhà thầu đoạn Hậu Giang - Bạc Liêu dài 39 km, cho biết bên cạnh cát thì đá dăm cũng rất đáng lo ngại. "Vấn đề cốt tử vẫn là vật liệu, sau cuộc họp này mà Đồng Nai không cấp đá dăm cho trục dọc Cần Thơ - Cà Mau thì 100% vật liệu đá sẽ thiếu, không đủ cho giai đoạn sau gia tải triển khai phần móng mặt. Bên cạnh đó là mỏ đá Antraco ở An Giang kết thúc năm nay không hoạt động thì cũng sẽ gây ra tình trạng thiếu trầm trọng ảnh hưởng cả cao tốc trục dọc Cần Thơ - Cà Mau và trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng", đại diện Tập đoàn Định An nói.
Hiện tại, dù xác định được nguồn cung, nhưng công suất khai thác cát, đá ở các địa phương vẫn còn hạn chế do vướng mắc về thủ tục cấp phép. Trong đó, cát còn thiếu 3,39 triệu m³ để hoàn thành gia tải và công suất mới chỉ đáp ứng 30%; đá dăm còn thiếu 1,8 triệu m³ trong khi cần hoàn thành gia tải vào tháng 12.2024. Riêng việc khai thác cát biển hiện cũng gặp nhiều khó khăn do biển động.
Giải pháp nào để về đích kịp thời ?
Để đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT đề nghị các địa phương, các đơn vị liên quan tập trung, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh thủ tục cấp mỏ cung ứng cho DA.
Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp cần hoàn thành thủ tục tăng trữ lượng khai thác cho các mỏ đã hết hạn, đảm bảo cung ứng 0,476 triệu m³ cát. An Giang nhanh chóng điều chỉnh công suất nạo vét sông Vàm Nao và hoàn thành thủ tục cho phép khai thác trở lại trong tháng 12.2024, cung ứng 0,63 triệu m³ cát. Cùng với đó là sớm khởi động lại mỏ đá Antraco trong tháng 12 này. Tỉnh Tiền Giang khẩn trương hoàn thành thủ tục cấp phép mỏ Bình Đức với trữ lượng 0,6 triệu m³. Tỉnh Vĩnh Long cần tăng công suất 3 mỏ cát từ 1.250 m³/ngày lên 1.660 m³/ngày trong tháng 12.2024. Cuối cùng là Bến Tre hiện đã hoàn thành thủ tục cấp phép 2 mỏ cát với trữ lượng 2 triệu m³.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu tận dụng thời tiết thuận lợi, huy động thiết bị để khai thác cát biển. Riêng về vật liệu đá dăm, hiện mỏ Antraco (An Giang) có trữ lượng, chất lượng tốt nhưng dừng khai thác từ tháng 6.2024. Đến nay, lãnh đạo tỉnh An Giang cho biết đã rà soát để khởi động lại mỏ, trong cuối tháng 12 này sẽ báo cáo Bộ
TN-MT để triển khai thực hiện. Đối với nguồn đá dăm khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, các địa phương cũng cần xem xét hỗ trợ nguồn đá cho DA trọng điểm ở miền Tây.
Linh hoạt, thi công chủ động, tích cực hơn
Cho ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mặc dù hiện nay có những khó khăn nhưng nhất quyết không thay đổi tiến độ. Nhiệm kỳ này phải phấn đấu, quyết tâm hoàn thành khoảng 600 km cao tốc tại ĐBSCL. Tới ngày 31.12.2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến Cà Mau). Theo Thủ tướng, đây là yêu cầu của đất nước, trông đợi của nhân dân. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai đoạn tuyến cao tốc từ TP. Cà Mau tới Đất Mũi (khoảng 80 km); giao Cà Mau triển khai với sự hỗ trợ, bố trí vốn của T.Ư, cố gắng khởi công trong năm tới.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm "chỉ bàn làm, không bàn lùi", tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, nỗ lực làm xuyên tết, xuyên ngày nghỉ, "3 ca 4 kíp". Các địa phương, đoàn thể, cơ quan cần tích cực hưởng ứng đợt cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc".
Các nhà thầu phải chia sẻ với nhà thầu địa phương trên tinh thần hỗ trợ và hợp tác, cùng chiến thắng và cùng phát triển, để thực hiện nhanh cao tốc. Bên cạnh máy móc, những gì làm thủ công, có thể phát huy vai trò thanh niên, các lực lượng vũ trang, quân đội thì huy động hỗ trợ.
Thủ tướng cho biết so với hồi tháng 10, đến nay việc triển khai cao tốc Cà Mau - Cần Thơ đã có nhiều điểm tích cực, tiến độ trên công trường tốt hơn, đặc biệt là các tỉnh đã nỗ lực giải quyết khó khăn về nguyên vật liệu. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về việc khai thác cát, giá cát ở Tiền Giang, An Giang, Đồng Nai. Lãnh đạo các địa phương này phải tập trung giải quyết sớm, đặc biệt là kiểm tra lại việc giao các mỏ cát cho doanh nghiệp tư nhân, không để xảy ra tình trạng đội giá, găm giá, thao túng thị trường.
Riêng với tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng yêu cầu kiểm tra lại ngay việc cấp phép các mỏ và giá cả nguyên vật liệu san lấp, xử lý nghiêm các cá nhân làm chậm và nhất là nếu có tiêu cực.
Bộ TN-MT khẩn trương hướng dẫn luật Địa chất và khoáng sản mới, cùng các bộ hướng dẫn cụ thể, phối hợp chặt chẽ, các địa phương liên quan phải hoàn thành thủ tục cấp phép cát, sỏi, đá trong tháng 12.2024. Thủ tướng yêu cầu không thể chủ quan, lơ là, phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công DA, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
So với kế hoạch năm 2024, tiến độ thực hiện cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang chậm tiến độ, điều này sẽ ảnh đến toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc - Nam. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần thay đổi phương pháp thi công. Thay vì chờ gia tải như bình thường, thụ động chờ lún, thì khi thời tiết thuận lợi cần phải tìm biện pháp chủ động, tích cực hơn bằng tác động của con người, như tăng cường dùng xe lăn, xe lu, đóng cọc…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, địa phương sớm hoàn thiện thủ tục để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bảo đảm đủ trữ lượng, công suất và tăng cường hơn nữa lực lượng nhân công, thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung thi công bù lại phần chậm tiến độ. Về phần địa phương, thiếu gì cần gì để đạt được mục tiêu thì giải quyết ngay, vượt thẩm quyền thì báo cáo các bộ, ngành có liên quan, không được "im lặng" như vừa qua. Đặc biệt, các địa phương cần phải đặc biệt quan tâm đội ngũ kỹ sư, công nhân, người lao động trên công trường, nhất là trong dịp tết đến, xuân về.
Cần Thơ phải có giải pháp thu hút khách du lịch
Sáng 15.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ có buổi tiếp xúc với hơn 200 cử tri tại H.Cờ Đỏ sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ có nhiều điểm sáng hơn năm 2023 và kỳ vọng sẽ tăng trưởng hơn nữa trong năm 2025. Muốn vậy, thành phố phải có chính sách tiền tệ tài khóa linh hoạt, tăng cường sự đầu tư toàn xã hội, đa dạng hóa xuất khẩu, có giải pháp thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó là tăng cường chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo.
Cần Thơ phải quan tâm đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược ở cả 5 phương thức giao thông là đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển. Nay mai, thành phố phải tính tới việc quy hoạch tàu điện ngầm để hoàn thiện hạ tầng giao thông, chuẩn bị trước cho nhu cầu phát triển xã hội.
Về vấn đề chống sạt lở, ngập úng, Chính phủ đã có những chủ trương, đề án lớn dành cho vùng ĐBSCL. T.Ư rất quan tâm hỗ trợ, nhưng Cần Thơ phải có sự chủ động, linh hoạt, tận dụng thêm những nguồn lực khác để thực hiện.
Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ có một số hỗ trợ cho Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám chữa bệnh và hỗ trợ cho các trung tâm đào tạo nghề. Thủ tướng đề nghị Cần Thơ cùng các tỉnh ĐBSCL phải nghiên cứu lại, sớm đào tạo nghề ở tất cả các loại hình, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... Bởi một trong điểm nghẽn lớn của ĐBSCL là nguồn nhân lực - đây là nút thắt, không thể không giải quyết được.
Nhân buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng 20 phần quà và 20 căn nhà đại đoàn kết cho người dân H.Cờ Đỏ.
Thanh Duy
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn từ Cần Thơ có chiều dài tuyến chính 110,85 km. Trong đó đi qua địa bàn TP.Cần Thơ 0,6 km, tỉnh Hậu Giang 63,65 km, tỉnh Bạc Liêu 7,7 km, tỉnh Kiên Giang 17 km, tỉnh Cà Mau 21,9 km. Cùng với đó là 25,85 km tuyến nối.
Dự án này được chia làm 2 dự án thành phần gồm đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (dài 37,65 km) và đoạn Hậu Giang - Cà Mau (dài 73,20 km) do Ban Quản lý DA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 27.523 tỉ đồng.
Cú hích cho kinh tế ĐBSCL
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các dự án cao tốc ở ĐBSCL hứa hẹn sẽ tạo ra xung lực phát triển mạnh mẽ cho khu vực, cả về kinh tế và xã hội.
Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế tại ĐBSCL, cho rằng trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi công bố Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, Chính phủ đã có chương trình hành động thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành triển khai dự án giao thông đường bộ cho khu vực. Thủ tướng và các Phó thủ tướng liên tục có các chuyến khảo sát, làm việc với địa phương, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các dự án.
"Chính hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra chuyển động cho cả hệ thống chính trị và các địa phương. Đây có thể nói là một điểm sáng trong hoạt động chỉ đạo điều hành. Điều đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư, cho doanh nghiệp và cho người dân", TS Hiệp nói.
Cũng theo chuyên gia này, các tuyến cao tốc với ĐBSCL hình thành không chỉ giúp giao thông, vận chuyển thuận tiện, giảm chi phí, thời gian, giúp khu vực thoát khỏi vùng trũng về giao thông mà còn tạo lập không gian phát triển mới.
Ba tuyến trục ngang, 3 tuyến trục dọc với hơn 1.200 km cao tốc rồi đây sẽ là trục xương sống giúp các địa phương nơi cao tốc đi qua hình thành những trục đường "xương cá", kết nối công trình giao thông địa phương. Từ đây, sẽ thúc đẩy hình thành các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp và là cơ sở để các địa phương thu hút đầu tư tốt hơn.
Lâu nay, thu hút đầu tư của ĐBSCL cũng là một "vùng trũng" và khi hạ tầng giao thông phát triển sẽ giúp logistics của vùng tăng tính cạnh tranh, giảm chi phí, tăng cường thu hút đầu tư và kéo theo đó là mảng du lịch, hạ tầng du lịch gắn kết về lượng khách đi lại, giao lưu, kết nối.
"Hoàn thiện mạng lưới giao thông, tạo ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL sẽ là thành tựu đáng kể của nhiệm kỳ này. Bởi chúng ta biết năm 2025 là kết thúc nhiệm kỳ, một chu kỳ kế hoạch 5 năm và tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới", ông Hiệp nói thêm.
Cũng theo chuyên gia này, từ câu chuyện triển khai cao tốc tại ĐBSCL cho thấy rõ tầm quan trọng của sự quyết liệt vào cuộc trong chỉ đạo, điều hành. Ở đó, không chỉ là vai trò đốc thúc mà quan trọng là tìm ra cơ chế để tháo gỡ vấn đề, thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương một cách hiệu quả nhất.
Đình Tuyển
Bình luận (0)