Cao ủy đối ngoại EU: Serbia và Kosovo đồng ý bình thường hóa quan hệ

28/02/2023 09:31 GMT+7

Lãnh đạo của Serbia và Kosovo đã đồng ý về một thỏa thuận được phương Tây hậu thuẫn nhằm bình thường hóa quan hệ nhưng cần tiếp tục đàm phán về việc triển khai thỏa thuận này, theo Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell.

Phát biểu sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Albin Kurti tại Brussels (Bỉ) ngày 27.2, ông Borrell cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí "không cần thảo luận thêm" về thỏa thuận giữa hai bên.

"Hôm nay đã có tiến triển và tôi biểu dương các bên vì sự tham gia của họ... Đồng thời, cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đảm bảo rằng những gì đã được các bên chấp nhận hôm nay sẽ được thực hiện. Đạt được nhất trí là chuyện quan trọng nhưng quan trọng hơn nữa là thực hiện những gì đã được nhất trí", Reuters dẫn lời ông Borrell nói với các phóng viên.

Cao ủy đối ngoại EU: Serbia và Kosovo đồng ý bình thường hóa quan hệ - Ảnh 1.

(Từ trái qua) Ông Vucic, ông Borrell, Đại diện đặc biệt của EU Miroslav Lajcak và ông Kurti trong cuộc gặp tại Brussels hôm 27.2

REUTERS

Kosovo tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia vào năm 2008. Song Serbia vẫn coi Kosovo là một tỉnh ly khai và căng thẳng giữa hai bên đã làm dấy lên lo ngại rằng xung đột sẽ quay trở lại.

Theo thỏa thuận mới, Serbia không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập nhưng đồng ý công nhận các loại giấy tờ chính thức như hộ chiếu, bằng cấp và biển số xe, cũng như không ngăn cản Kosovo gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào.

Cho đến nay, Serbia đã dựa vào đồng minh Nga, một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và các quốc gia khác không công nhận Kosovo để ngăn cản Kosovo gia nhập Liên Hiệp Quốc.

Theo nội dung thỏa thuận do EU làm trung gian được công bố vào tối 27.2, Kosovo - nơi cư dân chủ yếu là người Albania - đồng ý "đảm bảo mức độ tự quản phù hợp" cho cộng đồng người Serb tại đây.

Song các chi tiết của thỏa thuận đó và các vấn đề gây tranh cãi khác dự kiến sẽ là một phần của phụ lục về việc thực hiện thỏa thuận và các cam kết trước đó. Ông Borrell cho biết phụ lục là một "phần không thể thiếu" của thỏa thuận mới nhưng nó vẫn chưa được thống nhất. Ông cũng tiết lộ lãnh đạo của Kosovo và Serbia có kế hoạch gặp nhau vào tháng tới để hoàn thiện phụ lục này.

Ông Kurti cho biết ông đã sẵn sàng ký vào thỏa thuận trong cuộc gặp hôm 27.2. "Thật đáng tiếc là chúng tôi đã không ký thỏa thuận tối nay mặc dù thực tế là tất cả chúng tôi đều đồng ý", ông nói với các phóng viên.

Song ông Vucic nói đó là một kỳ vọng không thực tế, vì cần phải thảo luận thêm. "Đó là một quá trình nghiêm túc, lâu dài, khó khăn và mệt mỏi", ông nói. Ông bày tỏ hy vọng rằng "chúng tôi sẽ có thể làm việc để ... triển khai và trên hết là thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trước đó".

Tổng thống Serbia đã yêu cầu Kosovo thành lập một hiệp hội bao gồm các đô thị có đa số cư dân là người Serb, theo thỏa thuận mà trước kia chính quyền ở Pristina đã đồng ý.

Tổng thống Serbia: Vũ khí đắt hàng vì "ai cũng chuẩn bị cho chiến tranh"

Một số lãnh đạo trong cộng đồng người Albania chiếm đa số ở Kosovo lo ngại một cơ quan như vậy sẽ mang lại cho Belgrade ảnh hưởng lớn ở vùng lãnh thổ này, trong khi người Serb cho rằng điều đây là điều cần thiết để bảo vệ các quyền của họ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã viết một lá thư chung cho cả ông Vucic và ông Kurti, kêu gọi họ ký kết thỏa thuận.

Song ngay cả khi hai nhà lãnh đạo hoàn tất thỏa thuận hiện tại, mang tên "Thỏa thuận về con đường bình thường hóa giữa Kosovo và Serbia", đó vẫn chưa phải là kết thúc của câu chuyện. Như nội dung văn kiện đã nêu rõ, mục đích cuối cùng là đạt được "một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý về việc bình thường hóa toàn diện quan hệ của họ" trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.