Theo các bác sĩ, để việc cấp cứu hiệu quả không chỉ là chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất mà còn cần có sự phối hợp tốt của các cơ sở, bác sĩ chuyên môn...
Đó là thông tin được tham luận tại hội thảo "Cấp cứu ngoại viện, cấp cứu chấn thương" diễn ra tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, ngày 8.7.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia đầu ngành cập nhật những kiến thức mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện và cấp cứu chấn thương; nâng cao chất lượng điều trị...
Nâng khả năng cấp cứu ngoại viện
Tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM, chia sẻ về những bài học thực tiễn trong tổ chức Trung tâm cấp cứu 115, công tác điều phối hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện, sơ cấp cứu tại cộng đồng và vận chuyển cấp cứu đến các cơ sở y tế phù hợp nhất.
Mạng lưới cấp cứu tại TP.HCM |
TRung tâm cấp cứu 115 |
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, định hướng phát triển cấp cứu ngoại viện của ngành y tế TP.HCM từ nay đến những năm sau sẽ tập trung vào các yếu tố chính, đó là: nâng cao năng lực y tế cơ sở đến các bệnh viện quận, huyện, thành phố và mạng lưới cấp cứu ngoại viện. Nếu cấp cứu ngoại viện tốt sẽ giảm tử vong cho người bệnh. Do đó cần đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, ứng dụng công nghệ, việc thực hành cấp cứu... Tới đây Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tập huấn cho cả tài xế lái xe cứu thương cũng phải biết hỗ trợ cho công tác cấp cứu.
Bên cạnh đó trung tâm sẽ bổ sung một số khoa phòng chuyên môn, như: cấp cứu ngoài bệnh viện; kiểm soát nhiễm khuẩn... Bác sĩ Nguyễn Duy Long cho biết thêm, Trung tâm cấp cứu 115 vừa được chấp thuận cho bổ sung nâng số biên chế tại đây lên 357 người (lâu nay chỉ có 153 biên chế, chưa đảm bảo cho công tác cấp cứu ngoại viện).
Hàng triệu tế bào não sẽ chết nếu cấp cứu, điều trị chậm
Tham luận tại hội thảo với chủ đề Những lưu ý để nhận biết sớm và xử trí đúng cách trong đột qụy não, bác sĩ Hoàng Thị Tố Uyên - chuyên khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, nhấn mạnh việc quan trọng trong xử trí đột quỵ đúng cách, bởi mỗi phút kéo dài điều trị là gần 2 triệu tế bào não mất đi, một người bệnh đáng lẽ được cứu sống nhưng lại chết hoặc tàn phế bởi vì họ được đưa vào điều trị tại bệnh viện không phù hợp.
Cấp cứu nhanh, kịp thời giúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, nhất là tình huống đột quỵ |
h.q |
Còn bác sĩ Đặng Văn Đạt - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức - cho rằng những cách sơ cứu không đúng ở người bị tai nạn giao thông sẽ làm nặng thêm thương tích cho họ, có khi đe dọa tính mạng. Cụ thể, có những trường hợp người bị tai nạn bị tổn thương đốt sống cổ hoặc xương chậu ở tình trạng nhẹ, nhưng người xung quanh lại bế xốc họ lên (để đưa đi cấp cứu) khiến họ bị gãy cột sống cổ hoặc gãy khung chậu, dẫn đến bị liệt toàn thân, thậm chí tử vong.
Theo TS-BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mỹ Thủ Đức, từ thực tiễn cho thấy, việc tổ chức và vận hành cấp cứu hiệu quả không chỉ yêu cầu trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị và cơ sở vật chất đầy đủ mà cần có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm cả quy trình và quy chế phối hợp...
Bình luận (0)