Cấp phép khai thác khoáng sản tràn lan

16/10/2010 00:42 GMT+7

Nhiều tỉnh thành vì lợi ích cục bộ, trước mắt, với tư duy nhiệm kỳ đã cấp phép một cách ồ ạt cho các doanh nghiệp khai khoáng, để lại những hệ lụy không nhỏ.

Tại hội thảo “Các lựa chọn chính sách quản trị tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam”, ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn và phát triển (CODE), đã nêu thực trạng đáng báo động: sau khi có chủ trương phân cấp cho các địa phương trong việc cấp phép khai thác khoáng sản, nhiều tỉnh thành vì lợi ích cục bộ, trước mắt, với tư duy nhiệm kỳ đã cấp phép một cách ồ ạt cho các doanh nghiệp khai khoáng, để lại những hệ lụy không nhỏ.

Cấp phép không theo quy hoạch

Theo khảo sát của CODE, trong vòng 12 năm, từ 1996 - 2008, các bộ ngành chức năng chỉ cấp tổng cộng 928 giấy phép hoạt động khoáng sản (có 353 giấy phép khai thác), nhưng chỉ trong 3 năm (2005 - 2008), UBND các tỉnh, thành phố đã cấp tới 4.213 giấy phép hoạt động khoáng sản (trong đó có 3.882 giấy phép khai thác). Như vậy, chỉ trong 3 năm, số lượng giấy phép khai thác khoáng sản mà các địa phương cấp đã cao gấp 10 lần so với số lượng giấy phép mà các bộ cấp trong 12 năm. 

Điều đáng lo ngại hơn là tình trạng cấp phép không theo quy hoạch, cấp phép tràn lan, chia nhỏ khu vực khoáng sản, cấp phép cho các tổ chức cá nhân không đủ năng lực theo quy định, hay khai thác khi chưa có hồ sơ thiết kế mỏ... vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Không ít các địa phương cấp phép trên các diện tích chưa có báo cáo kết quả thăm dò và trữ lượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chưa có ý kiến thỏa thuận giữa các bộ ngành liên quan theo quy định...

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Tú, là do công tác thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản đối với hồ sơ xin cấp phép của doanh nghiệp là không đầy đủ, chưa kỹ càng. Gần đây, khi nhận thấy nguồn lợi to lớn từ khai mỏ đem lại, các doanh nghiệp đã đổ xô đi làm khoáng sản mặc dù không có kinh nghiệm, không có kiến thức về lĩnh vực này.  “Theo tôi, không loại trừ yếu tố tiêu cực như "lót tay", "bôi trơn" trong quá trình cấp phép mỏ”, ông Tú nói.                                                        

Nguy cơ mất mỏ

Những bất cập trên, theo CODE chính là các yếu tố góp phần làm cho tổn thất tài nguyên trong khai thác rất cao, đặc biệt là ở các mỏ hầm lò, các mỏ do địa phương quản lý.

Dẫn kết quả một số cuộc điều tra, CODE cho biết, tổn thất khai thác than hầm lò lên tới 40 - 60%, khai thác apatit là 26 - 43%, quặng kim loại 15 - 30%, vật liệu xây dựng từ 15 - 20%... Đối với các mỏ vừa và nhỏ, sự thất thoát không chỉ dừng lại ở một vài chục phần trăm mà nguy cơ mất mỏ là rất nghiêm trọng. Do năng lực có hạn, khai thác phần lớn là thủ công nên phần lớn các mỏ này chỉ lấy được những phần giàu nhất, bỏ đi toàn bộ quặng nghèo và các sản phẩm đi cùng, dẫn đến không thể tận thu được. Điều này dễ thấy nhất trong khai thác vàng, khi mà độ thu hồi quặng vàng hiện chỉ đạt khoảng 30 - 40%, số còn lại thải ra bãi thải, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.

Đấu giá quyền khai thác mỏ

Ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi đã đưa ra nhiều quy định được kỳ vọng sẽ khắc phục được các bất cập nêu trên. Hiện Ban soạn thảo đã thực hiện xong bản dự thảo lần 7 và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp tới và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011.

 Theo ông Dung, Nhà nước sẽ phải xây dựng chiến lược khai thác sử dụng 10 - 20 năm, nêu rõ sẽ khai thác bao nhiêu, khai thác khoáng sản nào, khu vực khoáng sản nào bảo vệ để dự trữ cho tương lai để các bộ ngành căn cứ vào đó triển khai trên thực tế một cách nghiêm túc và đạt hiệu quả nhất. Dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi cũng thu hẹp quyền của các địa phương khi quy định, các tỉnh, thành phố chỉ được cấp phép khai thác tại những khu vực nhỏ lẻ, khai thác than bùn, vật liệu xây dựng, khai thác tận thu... Đặc biệt, ông Dung cho biết, dự thảo đã đề cập đến một điểm mới là sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác mỏ theo nguyên tắc doanh nghiệp nào trả cao cho mức phân chia lợi ích của Nhà nước đối với việc khai thác khoáng sản ở mỏ đấy thì được quyền khai thác. Mỏ nào không đấu giá quyền khai thác thì Nhà nước dựa trên một mức sàn thích hợp để thu một khoản tiền cấp giấy phép khai thác tương ứng. “Đấu giá mỏ không chỉ làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn làm cho công tác cấp phép, khai thác khoáng sản trở nên công khai, minh bạch hơn, hạn chế cơ chế xin - cho”, ông Dung nói.

Tuy nhiên, ông Tú cảnh báo, nếu chưa xác định được tổng thể và chính xác trữ lượng khoáng sản mà tiến hành đấu giá mỏ, không cẩn thận tài nguyên sẽ chảy ra bên ngoài. “Cần phải có cơ chế để loại bỏ hiện tượng “quân xanh”, “quân đỏ” tràn ngập làm cho việc đấu giá chỉ mang tính hình thức”, ông Tú lưu ý.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.