Lãi suất của các món nợ cũ cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần các khoản vay mới đang khiến doanh nghiệp phải nai lưng ra trả, không còn cơ hội mở rộng hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nợ cũ lãi cao đang đè nặng lên các doanh nghiệp - Ảnh: Ngọc Thắng |
Trao đổi với Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra uể oải với tình trạng kinh doanh thua lỗ, bết bát thời gian qua. Việc phải gánh thêm chi phí trả lãi suất (LS) các món vay cũ càng khiến “sức khỏe” nhiều DN trở nên kiệt quệ.
“Có được đồng nào cũng trả lãi hết”
|
Ông N.T.Đ, Giám đốc DN khai thác đá và khoáng sản tại Ninh Bình đang khổ sở với khoản vay hơn 20 tỉ đồng tại chi nhánh một ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước ở địa phương này. Khoản vay từ năm 2011 để đầu tư máy móc, dây chuyền khai thác đá với LS trên 20%/năm vẫn ám ảnh và kéo dài đến tận ngày hôm nay do hoạt động của công ty gặp khó khăn. “Chúng tôi cũng không muốn nợ làm gì, chỉ vì quá khó khăn thôi. Suốt thời gian qua tôi thấy họ nói giảm LS nhưng cũng không đáng là bao, chính vì vậy mà công ty hoạt động cầm chừng, có được đồng nào cũng trả lãi hết”, ông Đ. buồn rầu nói.
Từng làm mưa làm gió trên thị trường, nhưng đến nay Tập đoàn Việt Á và các đơn vị thành viên của nữ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan cũng gặp rất nhiều khó khăn. Khi được hỏi: “DN của bà có phải chịu các khoản nợ cũ lãi vay cao hay không?”, bà Loan thằng thắn: “Tôi đã nói khản cổ rồi nhưng cũng đâu có ăn thua. Họ nói một đằng nhưng làm một kiểu, DN không tiếp cận được vốn, còn trước đó có vay được thì LS cũng cao đâu có giảm được”. Vị lãnh đạo tập đoàn này bi quan: “Nói vào hư vô thì nói làm gì, giờ tôi cũng buông thôi, nếu không được thì cho khai tử DN”.
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các DN vừa và nhỏ cho biết, các thành viên của hiệp hội chiếm tới 90% số DN cả nước này suốt thời gian qua vẫn đang vô cùng “đói” vốn. Dù không rơi vào bi kịch phải gánh nặng lãi vay cũ như các DN lớn, nhưng nhiều DN do giai đoạn trước phải vay với LS cao nên giờ làm mãi không trả được. “DN nhỏ thì họ vay cũng ít thôi, nhưng phải gánh lãi cao thì rất khó làm ăn”, ông Nam nói.
|
Chi phí lãi vay cao thực sự đã trở thành cơn ác mộng của không ít DN và hậu quả nó để lại rất khó lường đối với một nền kinh tế mà các DN chủ yếu sử dụng đòn bẩy tài chính, vốn kinh doanh chủ yếu từ đi vay NH. Đơn cử như trường hợp của “đại gia” một thời trên sàn chứng khoán là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN PVX (thành viên của Tập đoàn dầu khí VN). Trong cả năm 2013, PVX đã phải trả lãi vay lên tới 500 tỉ đồng và trở thành DN lỗ nặng nhất trên sàn chứng khoán (khoảng 2.632 tỉ đồng). Tổng nợ vay ngắn và dài hạn lên tới 3.500 tỉ đồng, nhiều khoản vay quá hạn nên ngoài LS theo hợp đồng, PVX còn phải gánh chịu lãi quá hạn cao. Chỉ riêng khoản vay quá hạn 964 tỉ đồng từ Oceanbank, PVX đã phải chịu thêm lãi quá hạn dao động từ 7,35 - 8,25%/năm.
Một nạn nhân khác là Công ty CP vận tải biển Vinaship cũng chịu lỗ nặng gần 108 tỉ đồng trong năm 2013. Nguyên nhân đầu tiên là do phải chịu chi phí lãi vay cao hơn 58 tỉ đồng.
Nói giảm “chung chung” thì rất khó
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn khẳng định, nợ vay cũ đã giảm hết xuống 13%/năm, nhưng thực tế các NHTM đang “chặt” DN bao nhiêu? Câu hỏi này khi đặt ra phần lớn các NHTM đều ngần ngại trả lời. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý rằng có nghe phản ánh từ DN lãi vay mới giảm, nhưng lãi vay cũ vẫn còn 13%/năm, thậm chí 19%/năm.
Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, các khoản vay cũ có mức LS từ 13 - 15%/năm của các NH trên địa bàn hiện nay chiếm khoảng 10% tổng dư nợ, 90% tổng dư nợ có mức LS vay dưới 13%/năm. Trước đây những khoản vay này có mức lãi từ 18 - 20%/năm, qua năm 2012 giảm xuống ở mức 15%/năm và 2013 xuống 13%/năm. Vẫn theo ông Minh, những khoản vay có mức LS này phổ biến ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng, vay chứng khoán và các dự án bất động sản còn dang dở. Một số khoản vay chưa điều chỉnh giảm LS được do DN không có dự án sản xuất kinh doanh mới.
|
Một số khoản vay và tỷ lệ thống kê ít ỏi trên có lẽ chỉ với riêng địa bàn TP.HCM, còn số liệu thống kê mà Bộ KH-ĐT vừa công bố ngày 31.3 rất đáng lo ngại. Cụ thể, tính đến gần cuối tháng 3.2014, dư nợ cho vay bằng VND có mức LS dưới 10% chiếm tỷ trọng 33,03%, LS từ 10 - 13%/năm chiếm 48,75%; LS từ 13 - 15% chiếm 12,33% và mức LS trên 15%/năm chiếm 5,89%. Với tỷ trọng này rõ ràng mức LS cho vay mà các NH công bố chỉ khoảng 8 - 9%/năm, thậm chí 6 - 7%/năm rất thiếu thực chất và nặng về mục đích làm thương hiệu. Đây cũng là một trong các lý do khiến cho tổng số DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động trong quý 3 đạt 16.750 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình cảnh này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN khẳng định: “Trong những tháng tiếp theo, NHNN tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm LS cho vay kể cả khoản vay cũ về mức dưới 13%/năm”. Nhưng theo một giám đốc NH cổ phần, nếu nói giảm chung chung thì rất khó bởi thời điểm NH cho DN vay, các NH phải huy động vốn với chi phí cao. Ngoài ra, do gánh nặng nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng rủi ro lớn nên chưa thể giảm LS cho vay cũ đối với nhiều DN được.
Vấn đề là “thiện chí” của ngân hàng
Bình luận về thực trạng này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc giảm LS cho vay đối với khoản vay cũ, như vậy về mặt chủ trương đã có, vấn đề ở đây là thiện chí của các NH. Các khoản vay cũ thường có nhiều loại, nhưng những hợp đồng vay cũ có mức LS vay cao thường rơi vào những hợp đồng trung và dài hạn. Thông thường LS cho vay của những hợp đồng trung và dài hạn so với hợp đồng vay ngắn hạn thường cao hơn bởi tính rủi ro cao. Thế nhưng với những điều kiện kinh tế như hiện nay, mức LS cho vay của những hợp đồng trung và dài hạn ở mức 13%/năm cũng đã là quá cao. Vì vậy, cần phải hạ xuống hơn nữa.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, trong bối cảnh hiện nay nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này rất đáng lo ngại. Nó sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN có biểu hiện giảm sâu hơn, dẫn đến hệ quả là nhiều DN hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Để tránh thiệt thòi cho người vay vốn giai đoạn trước, TS Kiêm đề nghị, hiện nay LS cho vay mới đã giảm khá sâu thì lãi vay cũ phải nhanh chóng giảm xuống theo. “Trong lúc khó khăn này, các NH cũng phải chia sẻ với DN chứ”, TS Kiêm nói.
“Trong tầm tay của NHNN” Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành phân tích: “Để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng là NHNN xem xét cơ cấu lại các khoản nợ cũ cho DN bằng cách giảm lãi cao xuống thấp, kỳ hạn ngắn sang trung hạn... theo tôi nghĩ việc này là hoàn toàn đúng và trong tầm tay của NHNN. NHNN nên gấp rút coi đây là sứ mệnh cần thiết cho nền kinh tế đang được dự báo có dấu hiệu suy giảm... Thực tế, NHNN chưa thực hiện hết chức năng và quyền hạn của mình được quy định tại điều 10 và điều 11 luật NHNN Việt Nam. Đó là Thống đốc có quyền cho NHTM vay và định mức LS phù hợp với tình hình kinh tế đất nước. Ở đây, lâu nay NHNN chưa sử dụng hết quyền và trách nhiệm này. Đó là vai trò điều tiết, hạ LS chiết khấu cho các NHTM ở mức thấp nhất như Mỹ và một số nước châu u áp dụng trong khủng hoảng kinh tế. Ở Mỹ, từ năm 2008 đến nay, chính sách tiền tệ của họ đưa ra đã cứu DN khó khăn rất tốt. Ngân hàng Trung ương Mỹ cho các NHTM vay với mức LS từ 0 - 0,25% và sau đó là từ 0 - 0,1%. Từ đó, NHTM mới cho các DN vay với LS thấp được. Ở châu u, mức NHNN cho NHTM vay khoảng 0,5%, cũng quá thấp hơn so với mức NHNN Việt Nam đang áp dụng hiện tại. Để thực thi yêu cầu của Thủ tướng một cách linh hoạt và nhanh chóng nhất, theo tôi, một mặt NHNN áp dụng chính sách chiết khấu LS ở mức thấp nhất có thể cho các NHTM. Từ đó, các NHTM mới cho DN vay lại với mức thấp phải dưới 5% để trả cho khoản nợ cũ. Cách thứ hai là xem xét những DN vẫn đang có dấu hiệu phục hồi tốt, nếu được bơm đồng vốn vào. Giảm ngay LS ở mức thấp nhất, theo tôi cũng dưới 5%, khoanh để đó, cho vay mới để tiếp tục sản xuất cũng ở mức thấp. Tạo mọi điều kiện cho DN có dấu hiệu phục hồi sống sót là điều nên làm lúc này”. N.Nga |
Anh Vũ - Thanh Xuân
>> Các ngân hàng ở Hà Nội sẽ hạ hết nợ cũ xuống 15% trong tháng 7
>> Hạ lãi suất nợ cũ
>> Hạ lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
>> Yêu cầu các NH giảm lãi suất nợ cũ xuống 15%/năm
Bình luận (0)