Thông tin từ hai năm nay đều cho thấy tình trạng sạt lở đã xuất hiện ở bờ biển Cửa Đại và ngày càng trầm trọng. Tại các vị trí xây dựng dự án du lịch sinh thái, khách sạn ven biển, sóng biển đã tiến vào sát công trình, phải điều chỉnh diện tích nhiều lần và doanh nghiệp phải tự bỏ ra chi phí hàng tỉ đồng để chống chọi với tình trạng biển xâm thực.
Thông tin đáng lưu ý ở đây lại là việc Công ty TNHH MTV Toàn Cầu (Hà Tĩnh), đơn vị trúng thầu công trình kè biển Cửa Đại khi vừa mới triển khai thi công thì cơn bão số 4 đã ập vào làm sạt lở tuyến này với chiều dài hơn 1 km.
Nguyên nhân đến mùa mưa, các công trình xây dựng mới triển khai được vẫn là chuyện vốn!
Còn nhớ trong năm 2009, cũng tại Hội An, đến gần cuối tháng 9, khi mùa mưa đã đến, khoản kinh phí 32 tỉ đồng bảo tồn và tu bổ cấp thiết 8 di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu vực 1 mới được chính thức phê duyệt. Trong việc chống mối mọt các di tích kiến trúc bằng gỗ trong đô thị cổ, vào tháng 9.2010, Bộ VH-TT-DL mới có công văn hỗ trợ một phần kinh phí và đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam triển khai chương trình bằng kinh phí của địa phương.
Việc phê duyệt kinh phí cho các công trình kè sông, đê biển để phòng, chống lũ, bão và nước biển dâng của khu vực duyên hải miền Trung cũng trong tình trạng tương tự. Theo phản ánh từ các địa phương, nhiều năm qua, ngân sách Trung ương thường đến tháng 5 mới được thông báo phê duyệt. Đến khi có vốn để các địa phương thi công thì đã vào mùa mưa to gió lớn, gây lãng phí không nhỏ. Mà trường hợp xây kè trên sông Quảng Huế kéo dài và bị nước lũ cuốn trôi mấy lần là một ví dụ.
Điệp khúc cấp vốn xây dựng cơ bản khi mùa mưa đến được biết không chỉ xảy ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung mà còn phổ biến trên cả nước. Do thủ tục và quy trình từ lập dự án đến xét duyệt, cấp vốn chậm chạp chỉ là một lẽ, nhưng theo chúng tôi, nghịch lý còn ở chỗ xác định “năm tài chính” đồng thời với năm dương lịch (từ 1.1 đến 31.12) ở nước ta là một bất cập cần xem xét lại và nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước.
Năm tài chính, hay tài khóa thường bắt đầu từ 1.4, 1.7 hoặc 1.10 để lệch với năm lịch ở nhiều nước là nhằm tránh đi sự bận rộn kinh doanh cho những tháng cuối năm vốn nhiều ngày lễ, dịp nghỉ ngơi theo truyền thống. Ở nước ta, ngoài các lý do trên, còn là do đặc điểm thời tiết khắc nghiệt, tác động tiêu cực với nhiều hoạt động ngoài trời như xây dựng cơ bản, vận tải... nên nếu lấy năm tài chính bắt đầu từ 1.1, điệp khúc đến mùa mưa các công trình xây dựng mới có vốn sẽ là điều khó tránh khỏi.
Trương Điện Thắng
Bình luận (0)