Cascadeur phá án - Bài 4: Những pha độc diễn của Hải “Long An”

12/01/2006 00:19 GMT+7

Nguyễn Quốc Thịnh giới thiệu với chúng tôi thêm một người, cũng nằm trong nhóm 8 cascadeur VN từng “đại náo” phim trường Bollywood với anh và Trần Như Thục ở Ấn Độ trong phim Người hai mặt, là Bùi Văn Hải, mà anh em cascadeur thường gọi bằng một nick thân mật là Hải “Long An”. Trong trí nhớ của mình, Hải “Long An” từng ít nhất 6 lần một mình truy bắt cướp trên các tuyến đường của TP.HCM.

Hải "Long An" sinh năm 1977, còn quá trẻ so với những thông tin về anh mà chúng tôi được biết qua các tài liệu điện ảnh và giới cascadeur truyền miệng. Gặp nhau ở quán cà phê Napoli, Hải cười như muốn rớt hết hàm răng trắng và đều như con gái ra ngoài khi chúng tôi đề nghị được nghe chính anh kể lại những "giai thoại bắt cướp" mà hầu như giới cascadeur đều biết. Hải nói: "Cũng không biết kể gì với anh... em là con nhà võ, ba em là võ sư nhưng khi em lớn lên thì gia đình làm ăn thất bại, phá sản. năm 1994, khi em rời quê Long An lên Sài Gòn luyện thi đại học, ba mẹ em vay được một triệu rưỡi, nói đấy là khả năng cuối cùng, từ đây con phải tự lo...". Trái ngược với nụ cười và ánh mắt hồn nhiên, câu chuyện của Hải "Long An" khiến chúng tôi như bị hẫng theo những năm tháng vất vả lăn lộn mưu sinh của anh, từ chân bồi bàn, dạy kèm, bán hàng tiếp thị, nhân viên tiệm giặt ủi ... cho đến khi được chọn vào câu lạc bộ cascadeur của Hội điện ảnh TP.HCM, được chủ nhiệm Lê Tiến Dũng và cascadeur đàn anh Lê Quốc Hùng cưu mang...


Một pha “đá bay” - thế đánh sở trường của Hải “Long An”. ảnh: Lữ Đắc Long

Hải kể, một lần khi vào một cơ quan trên đường Trần Hưng Đạo thăm một người bạn, lúc ra, Hải thấy một thanh niên loay hoay trước một chiếc Spacy trông có vẻ khả nghi nên nán lại quan sát. Y  như rằng, gã thanh niên vừa nổ máy chiếc Spacy lao ra cổng thì những tiếng la: “cướp, cướp” cũng dậy lên. Hải leo lên một chiếc Dream Trung Quốc của người bạn đang đứng sớ rớ và nổ máy phóng theo. Kéo hết ga mà vẫn thấy chậm, đã vậy chiếc xe còn thêm "bệnh" thắng không ăn nữa. Nhưng may sao, tên cướp sau khi cua qua đường Nguyễn Văn Cừ thì tiếp tục bám lề phải và chui vào hẻm. Hải xuôi luôn theo đường Nguyễn Văn Cừ rồi rẽ vào Nguyễn Trãi và... leo lên lề chạy. Một lúc sau, tên cướp cũng từ hẻm chui ra đường Nguyễn Trãi và đổ về Nguyễn Cư Trinh, vừa chạy vừa dáo dác nhìn sau lưng. Lúc ấy, Hải từ trong lề bung ra. Tên cướp bị đạp ngã chỏng chèo liền lồm cồm bò dậy móc dao tấn công. Nhưng hắn không chịu nổi cú đá bay sở trường của một cascadeur chuyên nghiệp. Ngoài con dao bấm, Hải còn thu thêm được trong người tên cướp 2 cây đoản, anh đưa tất cả đến giao cho công an phường Nguyễn Cư Trinh rồi rút lui.


Nhóm cascadeur VN (đứng) tại Bollywood tháng 9/2004. ảnh: T.L

Trong một sự cố kinh hoàng ở Bollywood tháng 9.2004, 25 cascadeur tham gia trong một pha chạy vượt tường thì chỉ có 3 cascadeur VN và 1 cascadeur Ấn Độ chạy thoát, lành lặn; 21 người còn lại đều bị thương tích và 16 người trong số đó phải vào viện cấp cứu. riêng Hải bị hôn mê suốt 10 tiếng đồng hồ nhưng khi tỉnh lại, Hải nằng nặc xin trở lại trường quay. "Họ không cho, em trốn viện 3 lần nhưng đều bị bắt lại. Họ bảo khỏe rồi thì chứng minh đi? Em chống hai tay lộn đầu đi vòng khắp bệnh viện cho họ xem nhưng họ cũng không đồng ý. đến khi đoàn làm phim bảo lãnh, họ mới cho ra. Em nghĩ đơn giản thôi, cascadeur VN mình sang đó đóng phim mà nằm bệnh viện thì kỳ lắm" - Hải nói.

Sau khi loạt bài Cascadeur phá án khởi đăng được 3 kỳ, hôm qua 11.1, Hội điện ảnh TP.HCM đã triệu tập cuộc họp để bàn về những vấn đề liên quan. Trao đổi với Thanh Niên sau cuộc họp này, Chủ tịch Hội - NSND Huy Thành nói: "Thay mặt Hội điện ảnh TP.HCM tôi xin bày tỏ sự cám ơn đối với Báo Thanh Niên. Chính từ những phát hiện của Báo Thanh Niên về vấn đề cascadeur, chúng tôi thấy phải xúc tiến ngay hai việc. Thứ nhất là tập hợp anh em cascadeur để ghi lại những hình ảnh, tư liệu nhằm kịp thời biểu dương những đóng góp của anh em bên ngoài xã hội trong thời gian qua. Thứ hai, qua phản ánh của báo, chúng tôi phát hiện hoạt động cascadeur của thành phố hiện nay bị phân tán, chia nhiều nhóm. Chúng tôi sẽ tiến hành ngay việc soạn thảo quy chế và sẽ xúc tiến một đại hội cascadeur trong thời gian sớm nhất để qua đó bảo đảm được các quyền lợi về bảo hiểm, chế độ... cho anh em phấn khởi và yên tâm gắn bó với nghề".

Trở lại với những pha hành động không hề có ống kính camera trên đường phố Sài Gòn, Hải kể: "Một lần, em đi tập về trên xe Viva, áo thun ba lỗ, đi giày quân đội, vừa từ đường Cách mạng Tháng tám vòng bùng binh vào 3 tháng 2 thì thấy một tên giựt túi xách của một cô gái đang chạy cùng chiều, rồi cô gái la lên, em lao tới". Cuộc rượt đuổi có lúc chui vào một hẻm nhỏ, Hải cán phăng một chiếc xe đạp dựng bên lề để lướt qua nhưng bị những người dân trong hẻm giữ lại bắt bồi thường. Hải la lớn rằng mình là cảnh sát hình sự đang bắt cướp và hứa sẽ quay lại bồi thường họ mới cho đi. Tiếp tục bám theo tên cướp xuyên qua đường Hùng Vương với những tiếng la dậy trời "cướp, cướp", đến đường Trần Phú thì Hải đuổi kịp. Tên cướp một tay cầm lái một tay móc dao. Nhanh trí, Hải cũng thọc một tay vào túi quần còn miệng thì hét lớn: "ném giỏ xách lại không tao bắn mày". Chẳng biết vì đã quá mệt mỏi với "cuộc chạy đua" hay do nghĩ rằng đã gặp phải cảnh sát hình sự mà tên cướp đã ném trả lại chiếc túi xách để thoát thân. Hải nhặt túi xách quay lại tìm cô gái nhưng có lẽ nghĩ rằng việc truy đuổi là vô vọng nên cũng đã bỏ đi. Hải mang túi xách về nhà mở ra thì thấy có 5 triệu đồng, 500 USD, 1 hộ chiếu và 1 điện thoại di động Nokia trị giá lúc đó hơn 10 triệu đồng. Hải mở điện thoại bấm đại một số đầu tiên trong danh bạ gọi thử thì gặp một giọng đàn ông. Sau khi nghe Hải trình bày câu chuyện, người đàn ông đó cúp máy và hẹn lúc sau gọi lại. Chừng 30 phút sau thì có một giọng phụ nữ gọi đến, nói là chủ nhân bị mất và đặt vấn đề xin chuộc lại túi xách. Hải nói rõ là sẽ trả lại đầy đủ và hẹn gặp ở một địa điểm gần công an phường nhưng sáng hôm sau cô gái cũng không dám đến mà nhờ bạn trai đến. Sau khi nhận lại đầy đủ tài sản, họ đề nghị bồi dưỡng tiền nhưng Hải đã từ chối, chỉ xin họ đến bồi thường 200 ngàn đồng cho chiếc xe đạp của người dân trong hẻm bị Hải cán hư.

Hải chưa từng là cảnh sát hình sự nhưng trong 6 lần truy bắt cướp ngoạn mục mà anh còn nhớ được trong cuộc đời cascadeur của mình và kể lại cho chúng tôi nghe thì có không dưới 4 lần anh đã... giả danh cảnh sát hình sự như vậy. Gần đây nhất, một buổi tối sau SEA Games 23, Hải dừng xe ở góc đường Nguyễn Gia Thiều đứng nghe điện thoại thì thấy một nhóm 6 - 7 đối tượng dàn cảnh tai nạn giao thông để cướp xe gắn máy. Hải cũng xông vào giải vây cho bị hại và la toáng lên “cảnh sát hình sự đây!...”. Nhưng hôm đó thì không ngờ là có cảnh sát hình sự thật và sau khi bắt gọn mấy tên cướp dẫn đi, họ đã ném lại cho Hải những cái nhìn chằm chằm.

(còn tiếp)

Võ Khối 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.