Cascadeur phá án - Bài 6: Xả thân

13/01/2006 22:56 GMT+7

Lao thẳng vào xe hai tên cướp đang phóng bạt mạng với tốc độ 80 km/giờ trên đường phố Sài Gòn; tay không xông vào phá vòng vây của đám côn đồ cả chục tên đang say máu để giải cứu một nạn nhân bị đâm chém... chỉ là những "cảnh nhỏ" mà chúng tôi ghi nhận được trong vô số những pha nghĩa hiệp quên mình của dân cascadeur trên sàn diễn đời thường.

Cùng ngồi với chúng tôi ở một quán cà phê tại hồ Con Rùa (TP.HCM), nghe Hải "Long An" nhắc một chuyện "hành hiệp" của Lê Duy Hoàng, người lâu nay được dân cascadeur gọi thân mật là Hoàng "mô tô", Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cascadeur TP.HCM Lữ Đắc Long quay sang chúng tôi nói ngay: "Tụi tôi gọi nó là cascadeur quái, pha nào dữ dội nó mới nhận. Những pha thường thường nó bảo thôi ,thầy Long để cho người khác làm đi, em bận lắm !".

Nhiều năm đã trôi qua, Phó chủ nhiệm Long vẫn nhớ không sót một tình tiết nào và kể lại với chúng tôi chuyện quay cảnh xe tông cửa kính, một trong những pha dữ dội trong bộ phim của Xuân Cường dành riêng nói về giới cascadeur TP.HCM. Đó là một bộ phim "rặt" hành động, với 10 pha "đặc biệt nguy hiểm", 70 người tham gia đóng. Pha tông cửa kính do Hoàng "mô tô" thực hiện, Phó chủ nhiệm Long kể: "Cánh cửa sắt sau lưng Nhà văn hóa Thanh niên hôm đó được tháo ra, thay bằng một tấm kính thật ngang 2m, cao 1,6m. Chúng tôi lo vì địa hình quá chật hẹp, bục gỗ để cho xe bay cũng quá ngắn, nhưng khi đạo diễn hô "máy, diễn" thì choang, tấm kính vỡ tan bay tứ tán. Hoàng vẫn bình tĩnh chặt cua cho chiếc mô tô quay một vòng rồi dừng lại, hàng trăm người hiếu kỳ nín thở đứng xem trước đó bỗng ào lên vỗ tay". Sau này tiếp xúc với chúng tôi, Hoàng "mô tô" nhớ lại: "Lúc đó nói bay xuống nước thì ai cũng giành, còn bay vô kính thì ai cũng né, em nhận. Em còn nhớ, nó nổ một cái ầm như bom vậy. Lúc em rơi xuống, kính còn bay rào rào theo".


Lê Duy Hoàng trong một pha diễn trong phim. ảnh: T.L

Sinh năm 1970, Hoàng "mô tô" thuộc thế hệ của Nguyễn Quốc Thịnh và Huỳnh Phú, mà Phó chủ nhiệm Long gọi là "lứa 1". Ngoài hai lần độc diễn pha "bay mô tô" bắt cướp ngoài đời ở đường 3 Tháng 2 và Lê Thị Riêng, tiếp xúc với chúng tôi Hoàng "mô tô" còn kể một pha nguy hiểm khiến chúng tôi thấy lạnh gáy: "Hôm ấy, em không nhớ là đi đâu về,  em cưỡi chiếc mô tô của anh Lê Tiến Dũng trên đường Nguyễn Đình Chiểu thì thấy một đám đông chừng chục tên, thằng thì cầm mã tấu, thằng cầm cây gỗ, ống tuýp nước bao vây xung quanh, ở giữa là một thanh niên tay cầm chiếc ghế nhựa chống đỡ. Tụi nó đánh như phim kiếm hiệp. Em thấy không thể chậm hơn được nữa nên la lên: "Công an đây !" rồi ủi thẳng chiếc mô tô của anh Dũng vô giữa vòng vây của bọn nó. Tụi nó chém trúng càng xe kêu choang choang nhưng cũng có mấy thằng bị em ủi té nhào, tản ra, tưởng công an thật nên bỏ chạy. Em móc điện thoại gọi công an đến rồi cùng mấy ảnh chở người thanh niên bị chém đó vô bệnh viện, anh ấy bị thương rất nặng". Lần khác, khi đang tập võ tại Câu lạc bộ Nguyễn Du thì nghe la "cướp, cướp", Hoàng mặc nguyên đồ võ lao ra đường, cả Chủ nhiệm Lê Tiến Dũng cũng lao ra. Hoàng tung một cú đá khiến tên cướp bay thẳng vào hàng rào rồi bắt trói đưa đến Công an quận 1. Lúc ấy mới "lòi" ra đó là một đối tượng có tiền án, vừa ra tù được 3 tháng.

Quay lại với sàn diễn, Hoàng kể rằng khi tham gia đóng bộ phim ca nhạc có tên Võ đài đẫm máu của điện ảnh Mỹ, cả anh và Hải "Long An" ra về cũng... "đẫm máu" luôn. Những tình tiết này, Hải "Long An" còn nhớ: "Đánh thật không hà, mà đâu phải chỉ đánh trên võ đài không đâu, đánh trong quán xá, nền xi măng, đồ đạc...". Đánh võ, bay mô tô, đu dây tử thần, "món" nào Hoàng cũng "chơi" tuốt. Không biết có phải do cái cá tính "cascadeur quái" của anh lọt vào mắt xanh các đạo diễn phim hành động nước ngoài hay không mà hầu như phim nào đến VN anh cũng đều được chọn. Và khi thế vai lính Mỹ, anh phải đứng ra chịu cảnh bom nổ, đạn cày, lửa cháy giữa cái rét 12 độ ở Hà Nội trong  phim Người Mỹ trầm lặng.


Lê Duy Hoàng (giữa) ra đòn trong 1 cảnh diễn tập. ảnh: T.L

Nhắc lại những pha nghĩa hiệp đời thường, thực ra trong nhiều trường hợp, chúng tôi cũng đã ghi nhận không ít những tấm gương thanh niên dũng cảm, thậm chí có người đã phải hy sinh cả thân mình khi lao vào truy đuổi bọn cướp giật trên đường phố. Nhưng khi nghe giới cascadeur nói về "giai thoại phá án" của Ngô Quốc Tuấn, người mà họ hay gọi thân mật là Tuấn "tàu", chúng tôi vẫn thấy hấp dẫn. Hôm gặp chúng tôi, Tuấn kể: "Tối đó, khoảng 9 giờ, em đi chơi về, đến gần nhà máy bia ở đường Nguyễn Chí Thanh thì nghe la cướp. Em xoay người lại thì thấy hai thằng trên một chiếc xe su "xì po" chạy bạt mạng, có hai xe khác đuổi theo nhưng bị nó bỏ khá xa. Em bám theo, khi thấy nó lạng vào đường Đào Duy Từ, hai xe kia cũng đeo bám theo thì em linh tính là nó sẽ chui ra đường dưới rồi lộn ngược trở lại Nguyễn Chí Thanh nên em tách riêng, xuống đó phục sẵn ngay ngã ba. Đúng như vậy, một lát sau thì nó từ bên trong lao ra với tốc độ rất nhanh, không dưới 80 km/giờ. Em sợ nó chạy mất nên cũng kéo hết ga đâm thẳng vào xe nó, nghe cái rầm thì thấy hai thằng nó nằm ngã lăn. Em cũng lộn mất mấy vòng mới đứng lại được. Em bỏ xe đó xách cổ cả hai thằng giao cho công an. Lúc đó trong người nó còn nguyên chiếc dây chuyền vừa mới giựt". Khi được hỏi: "Lỡ có bề gì...?", Tuấn trả lời dứt khoát: "Nếu sợ thì em đã tránh xa nghề cascadeur này".

Hưởng thù lao rẻ bèo trong khi rủi ro, sự cố, tai nạn hầu như lúc nào cũng rình rập sẵn, thậm chí mỗi pha nguy hiểm trên sàn diễn và cả ngoài đời thường của họ đều có thể "đo" bằng cả tính mạng. Song khi tiếp xúc với giới cascadeur để thực hiện loạt bài này, chúng tôi không hề nghe thấy một lời ca thán nào mà chỉ cảm nhận trước mắt mình lồng lộng "cả một trời" nghĩa hiệp. Chúng tôi hiểu đó không chỉ là một sự xả thân vì nền điện ảnh VN nói riêng mà còn vì nghĩa khí không chấp nhận những cái xấu, cái ác, cái bất bình bên ngoài xã hội mà họ bắt gặp trên đường. Đặc biệt với những thế hệ cascadeur đi trước, những bậc đàn anh, những người thầy trong làng cascadeur VN hiện nay mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong những bài tới, "nghĩa khí cascadeur" còn là một sự xả thân cho khát vọng to tát hơn là làm sao để cùng lúc cứu được nhiều người thoát nạn; truy bắt được nhiều kẻ ác, giúp đỡ được nhiều kẻ yếu...

(còn tiếp)

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.