Cascadeur phá án - Bài 8: Hào khí SBC

15/01/2006 23:51 GMT+7

Chủ nhiệm Lê Tiến Dũng, người biên soạn giáo trình và trực tiếp tham gia huấn luyện tại Câu lạc bộ cascadeur Hội điện ảnh TP.HCM liên tục gần 15 năm qua nguyên là một chiến sĩ trong đội SBC (săn bắt cướp) của Công an TP.HCM. Điều đó cũng đã phần nào lý giải vì sao các thế hệ học trò của ông và Phó chủ nhiệm Lê Công Thế luôn "hừng hừng lửa săn bắt cướp" và liên tục xông pha vào những cảnh truy bắt tội phạm, xả thân cứu người...

Phó chủ nhiệm Lữ Đắc Long ngoài đời là nhà báo, đang công tác tại Báo Tiếp thị Việt Nam nên những sự kiện liên quan trong giới cascadeur anh đều biết, thậm chí biết đầy đủ như một "tự điển sống". Ở lần gặp đầu, khi chúng tôi hỏi về Lê Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm Long nói: "Phim Lệnh truy nã 1 của Lê Hoàng Hoa có cảnh một thằng chạy Honda 67 với tốc độ cao, lái bằng hai chân, ngả người ra phía sau móc súng bắn. Thằng đó là Lê Tiến Dũng còn người bị bắn là Hoàng Triều, trưởng nhóm đầu tiên của cascadeur. Lúc đó, dân đua xe kéo nhau đi coi rất đông vì không biết sao nó làm được như vậy".

Không giống như nhiều người khác, Lê Tiến Dũng bước vào nghề cascadeur khi đang là một chiến sĩ trong đội săn bắt cướp của Công an TP.HCM. Tiếp xúc với chúng tôi, anh nhớ lại: "Những năm đó, tôi được mời hỗ trợ một số vai phụ trong Vụ án viên đạn lạc, rồi xem Thương Tín cùng một số người khác tham gia phim nói về SBC thì thấy hình ảnh lúc đó làm cũng được, nhưng chưa hiệu quả, chưa thể hiện được cuộc đời của những chiến sĩ SBC. Kỹ năng, đặc biệt là tố chất của chiến sĩ SBC chưa đạt. Sau đó tôi có tham gia hai bộ phim của đạo diễn Lưu Hoàng Hoa có tên Tây Sơn hiệp khách, Ngọc Trản thần công với Lê Công Thế. Ở đó, tôi tham gia đóng thế những cảnh đánh kiếm, võ thuật và dạy võ thuật cho toàn bộ diễn viên. Sau bộ phim đó, thấy hiệu quả nên đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời tôi tham gia tiếp bộ phim SBC, thực hiện công việc như một chiến sĩ SBC thực sự,


Lê Tiến Dũng (ngồi hàng đầu) trong thời gian chỉ đạo hành động và võ thuật cho phim Miền Nam xa xăm

làm những cảnh  bắt cướp, bay xe, ngả người bắn súng trên yên xe, chạy tốc độ cao. Lúc đó tôi cũng đang là SBC nên tôi nghĩ đây là nơi mình chứng minh năng lực SBC, để người ta hiểu rằng lực lượng SBC là những người có thật chứ không phải trên điện ảnh".

Và đến tháng 11/1992, tại Câu lạc bộ thể dục thể thao Trần Hưng Đạo, quận 1, Hội điện ảnh TP.HCM đã chính thức cho ra mắt câu lạc bộ cascadeur do Hoàng Triều, Lê Tiến Dũng, Lê Công Thế và một số thành viên khác sáng lập. Từ bước chuyển hướng này, cuộc đời "binh nghiệp" của Lê Tiến Dũng cũng bắt đầu trôi theo hướng khác. Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi ở ghế đá công viên Thống Nhất tối thứ sáu vừa rồi, anh tâm sự: "Khi bắt cướp, không ai nghĩ tính mạng mình bị đe dọa. Mình không nghĩ là bắt thằng này thì sẽ té xuống xe đập đầu vô cột đèn chết, chỉ nghĩ rằng thằng này là một người đang gây nguy hại đến xã hội, hành vi cướp của nó là đê hèn, chỉ vì một cái đồng hồ mà nó giựt cho người ta té xuống đất đập đầu, chấn thương sọ não... Mình nghĩ, tại sao xã hội mình đẹp như vầy lại có những đối tượng gây nguy hại đến hạnh phúc người khác, cướp đi hạnh phúc của người khác. Cái đó là hành trang cho chúng tôi sẵn sàng lao vào nguy hiểm".

Lê Tiến Dũng có cách nói chuyện như chém vào không khí. Một học trò của anh kể, mỗi khi thầy Dũng giảng bài thì mọi người phải lo đi đóng hết các cửa sổ và cửa chính lại để bảo đảm không ảnh hưởng đến các phòng bên. Anh "quát" những học trò chậm tiến cũng rất dữ nhưng nói như Lữ Đắc Long thì "hầu như lúc nào trong nhà Dũng cũng cưu mang vài ba đứa học trò". Thậm chí gặp những học trò nghèo nhưng có triển vọng như Bùi Văn Hải (tức Hải "Long An"), thầy Dũng chẳng những cho ở nhờ, nuôi ăn học mà còn nuôi đến thành tài, trở thành kỹ sư xây dựng rồi làm giám đốc doanh nghiệp... Cùng với các thành viên trong Ban chủ nhiệm, Lê Tiến Dũng đã tự mày mò nghiên cứu, đem bản thân mình ra thử nghiệm hầu hết những pha nguy hiểm rồi đúc kết thành giáo trình đào tạo lớp cascadeur kế tục.

Bước sang tuổi 40, dường như cũng đã thấp thoáng một chút "già" trong suy nghĩ của Lê Tiến Dũng khi tiếp xúc với chúng tôi, đặc biệt là mỗi khi nghe hỏi về chuyện truy bắt tội phạm. "Cái thời SBC là như thế. Lực lượng SBC bây giờ thì ra đi hết rồi. Có người chịu khổ không nổi bỏ về làm nghề khác. Có người hy sinh, như anh hùng Nhí chẳng hạn, để lại vợ và 3 đứa con. Có người ngã ngựa... Nhiều lắm, đủ thứ chuyện trên đời. Nhưng truyền thống SBC thì vẫn còn. Bởi vì họ là những chiến sĩ thầm lặng, rong ruổi trên con ngựa sắt, đi trên đường phố bắt cướp. Mà chỉ vì bắt cướp thôi, người ta có thể đổi, trong 3 giây, từ sự sống sang cái chết. Người ta chấp nhận những chuyện đó không phải vì quyền lợi cá nhân, chỉ vì một tâm huyết là muốn đất nước yên bình, xã hội trật tự. Những người dân có thể đi ngoài đường mà không phải lo sợ bị giựt đồ này nọ, không bị trấn lột", Lê Tiến Dũng bùi ngùi.

(Còn tiếp)
Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.