Hướng vốn vào sản xuất
|
Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn có thấp hơn mức bình quân của cả nước nhưng dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đặc biệt một số ngân hàng (NH) đã triển khai tín dụng hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và cho vay theo Nghị định 67. Tuy nhiên, đại diện nhiều NH cho biết tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay cũng là vấn đề khó mặc dù các tổ chức tín dụng có chủ trương chủ động tìm kiếm khách hàng; việc cho vay thế chấp phương tiện giao thông cũng vướng mắc do quy định về giữ giấy tờ hoặc cần có hướng dẫn cụ thể hơn để triển khai Nghị quyết về xử lý nợ xấu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đánh giá trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều áp lực tác động lên lãi suất đầu vào nhưng mặt bằng lãi suất cho vay, các lĩnh vực ưu tiên, các thời hạn đều giảm để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,7%; tín dụng tăng trưởng hơn 9%, không có tình trạng dồn vào những tháng cuối năm; dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên và rủi ro được kiểm soát; thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dẫn dắt được thị trường; Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đang được triển khai quyết liệt với mục tiêu phát triển hệ thống an toàn và lành mạnh.
Có cơ sở để giảm lãi suất
Từ nhận định trên, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo, các NH trên địa bàn cần triển khai chính sách tiền tệ và hoạt động NH để góp phần đạt mục tiêu lạm phát cơ bản ở mức 1,8 - 1,9 %; để có dư địa cho các lĩnh vực khác nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4 % năm 2017. Toàn bộ hệ thống cần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Hệ thống NH có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô. NHNN giảm lãi suất điều hành kể cả trên thị trường mở, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các NH để tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn.
Về tín dụng, theo Thống đốc, phải tập trung đưa tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%. Tuy nhiên, không cứng nhắc mà linh hoạt điều hành để đưa thêm tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các NH thương mại trên địa bàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường chương trình kết nối NH với doanh nghiệp, đẩy vốn vào nền kinh tế. Đồng thời, các NH có trách nhiệm chính trị để triển khai chương trình Nghị định 55 và Nghị định 67 của Chính phủ để chia sẻ khó khăn với bà con, không gây phiền hà cho bà con trong việc tiếp cận vốn.
Thống đốc cũng yêu cầu các NH thương mại triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua. “Chúng ta cần nhìn nhận và có biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng như minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra giám sát, quản trị điều hành, hệ thống công nghệ thông tin, đưa ra tiêu chuẩn, quy định, chuẩn mực đạo đức cán bộ. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức phải tự xây dựng đề án tái cơ cấu của chính tổ chức tín dụng để trình NHNN. Việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đảm bảo kỷ cương, công khai, minh bạch và xử lý nghiêm hành vi vi phạm”, Thống đốc nói.
Các tổ chức phải tự xây dựng đề án tái cơ cấu
của chính tổ chức tín dụng để trình Ngân hàng Nhà nước. Việc thực hiện tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đảm bảo kỷ cương, công khai, minh bạch và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
|
Bình luận (0)