Hút trộm công khai
Gần trưa 13.8, trên sông Lam đoạn giáp ranh giữa xã Thanh Đồng (thị trấn Dùng) và xã Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương), 5 chiếc thuyền của “cát tặc” ngang nhiên hoạt động trên sông. Ngoài 1 tàu hút gần bờ, 4 tàu còn lại dàn hàng ngang, thò "vòi rồng" xuống đáy sông để hút cát. Hai bên bờ, nước sông Lam rút thấp, lộ ra những mảng sạt lở, xâm thực vào diện tích trồng ngô của người dân.
Ông Trần Võ Hùng (xóm 2, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) bức xúc: “Họ ngang nhiên hút cát bất kể vị trí. Tiện đâu hút đó khiến bờ sông bị sạt lở. Chúng tôi rất lo lắng vì nếu các ngành chức năng không quyết liệt ngăn chặn tình trạng này, dân sẽ mất hết đất canh tác”.
Không những gây sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất, nạn hút cát còn tạo ra những hố sâu, nước xoáy vào sát chân ruộng, gây mất an toàn cho người và vật nuôi. “Tôi đi làm đồng, thấy các hố sâu gần bờ không dám rửa nông sản và dụng cụ, vì cứ sợ rơi xuống, gặp nguy hiểm”, bà Nguyễn Thị Thủy (ngụ xã Thanh Đồng) than thở.
Tại cầu Rạng bắc qua sông Lam đoạn chảy qua xóm 2, xã Thanh Hưng, lúc 9 giờ sáng ngày 14.8, cách chân cầu chừng vài trăm mét về phía bắc, 6 chiếc tàu hút cát tập trung thành đội hình cánh cung cũng ngang nhiên hút cát. Trên tàu, các "vòi rồng" hút nước phun trắng xóa, những khoang tàu cát được chất ngọn màu nâu thẫm. Nước sông Lam sủi bọt đục ngầu chảy cuộn về xuôi. Dưới chân cầu, những sà lan no ự cát vội vã rẽ nước tỏa các hướng đưa cát về các điểm tập kết ven bờ.
Ông Trần Trọng Tuất (ở xóm 2, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương) cho biết các tàu này khai thác cả ngày lẫn đêm. Xe chở cát còn để cát rơi vãi, gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Đá ném ao bèo
Người dân địa phương cũng cho biết, lợi dụng khu vực giáp ranh giữa các xã, các tàu của “cát tặc” ở xã này sang địa phận xã khác là chuyện cơm bữa. Thời gian qua, chính quyền xã Thanh Hưng đã tiến hành nhiều biện pháp khá quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác cát lậu trên sông, nhưng cũng chỉ là “đá ném ao bèo”.
tin liên quan
Dân thức trắng đêm chống “cát tặc”Bức xúc trước việc đất đai, nhà cửa... thường xuyên bị nước cuốn
trôi do tình trạng "cát tặc", người dân ở ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, H.Châu
Thành (Bến Tre) hùn nhau mua ghe, thành lập tổ tuần tra chống “cát
tặc”.
Ông Phan Đình Dương, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, cho biết hiện chưa có bến nào trên địa bàn xã được cấp phép. Sau khi có sự chỉ đạo của huyện, UBND xã đã lập biên bản, giao trách nhiệm cho các chủ bến cát. Đối với các tàu khai thác trái phép, xã đã tháo máy, cấm khai thác, nhưng tàu nơi khác vẫn đến hút trộm.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, sông Lam đoạn chảy qua các xã Thanh Hà, Thanh Long, Xuân Tường… (huyện Thanh Chương), đều có các tàu ngang nhiên khai thác cát trái phép. Trên địa bàn huyện Thanh Chương có tới 25/26 bến tập kết cát chưa có đủ các thủ tục cần thiết. Hiện, mới chỉ có 4 điểm mỏ được cấp phép khai thác ở các xã Võ Liệt, Cát Văn và Thanh Yên.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết để dẹp nạn hút trộm cát trên sông Lam, huyện đã thành lập đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra, xử lý, nhưng do địa hình trên sông rất phức tạp, bắt chỗ này họ sang chỗ khác, bắt ban ngày họ lại khai thác ban đêm, trong khi phương tiện thiếu, lực lượng mỏng, nên không xuể.
“Chúng tôi đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, đình chỉ và niêm phong 21 bến cát và giao cho địa phương quản lý. Từ đầu năm đến nay, huyện cũng đã kiểm tra và xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các xã tăng cường quản lý. Chủ tịch xã nào để các bến hoạt động trái phép thì phải chịu trách nhiệm”, ông Hiền nói.
Bình luận (0)