Cách đây 1 năm, Báo Thanh Niên nhiều lần phản ánh vào ban ngày, mỗi khi thủy triều xuống, hàng chục tàu hút cát lậu, hay còn gọi là “bạch tuộc” xuất phát từ TP.HCM, Long An đua nhau ra khu vực Cồn Ngựa (khu vực biển Cần Giờ) và phao số 0 trên biển giáp ranh giữa TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu khai thác cát. UBND TP.HCM, Công an TP, Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP đã họp bàn, đưa ra những phương án nhằm xử lý tình trạng này. Sau thời gian ngắn im ắng, hoạt động khai thác cát lậu lại rầm rộ.
Ngủ ngày, “cày” đêm
Đội tàu “bạch tuộc” khoảng 50 chiếc chủ yếu mang số hiệu từ các tỉnh phía bắc; hoạt động tinh vi hơn để hút cát trái phép từ biển Cần Giờ san lấp rất nhiều công trình lớn tại TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An...
Địa điểm neo đậu trước đây của “đội quân bạch tuộc” cũng có sự thay đổi. Thay vì đậu ở những khúc sông lớn, nay đội quân bạch tuộc nép mình kín đáo ở các khúc sông nhỏ; thời gian hoạt động chuyển từ ngày sang đêm. Để đối phó với cơ quan chức năng, tàu “bạch tuộc” (sau khi hút trộm cát từ biển Cần Giờ) đi vào các cửa sông Soài Rạp, sông Gò Gia, Đồng Tranh, chuyển qua sà làn chở cát rồi mới đi vào TP.HCM, Long An để bán. Các tàu “bạch tuộc” khi đi khai thác cát thì che số hiệu hoặc dùng số hiệu giả để đối phó với cơ quan quản lý.
|
|
Đêm 10.1.2019, PV Thanh Niên có mặt tại bãi biển Sao Mai (TP.Vũng Tàu), cùng ngư dân H. ra biển ghi hình “cát tặc”. Trên đường đi ông H. cho biết: “Hiện nay, các tàu “bạch tuộc” ngủ ngày; đêm mới ra hút trộm cát đi bán. Mùa này gió chướng, thời tiết xấu nhưng là điều kiện thuận lợi cho cát tặc lộng hành vì tàu hút trộm cát lớn; gió chướng, sóng biển cấp 3, 4 không khiến cát tặc chùn bước”.
tin liên quan
Bắt giữ 5 sà lan khai thác cát trái phép trên biển Cần GiờKhi tàu cá chở chúng tôi tiến gần hơn, tiếng máy bơm hút cát vang vọng cả một vùng biển. Tại thời điểm này, khoảng 10 chiếc tàu “bạch tuộc” đang khai thác cát.
Càng về khuya, gió càng mạnh. Ông H. quay đầu tàu cá hướng vào bờ. “Thời tiết trên biển xấu đã đành, những người làm trên tàu hút cát rất manh động. Nếu phát hiện bị theo dõi, ghi hình, họ không ngại truy đuổi, ép chúng ta giữa biển”, ông H. giải thích.
Trước đó, trong nhiều đêm tháng 8, 10, 11 năm 2018, PV Thanh Niên lên tàu ngư dân tại TP.Vũng Tàu để ghi hình “bạch tuộc” hút cát trộm trên biển Cần Giờ, sau đó theo nhiều tàu “bạch tuộc” sang và bơm cát lên công trình cảng lớn tại khu vực gần cửa biển trên sông Soài Rạp.
Manh động, sẵn sàng chống trả
Liên quan đến việc “cát tặc” hoạt động trên biển Cần Giờ, trao đổi với PV Thanh Niên, Công an TP.HCM và BĐBP (hai đơn vị giám sát quản lý vùng biển, trên các tuyến sông) đều thừa nhận thực trạng này đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát; “đội quân tàu bạch tuộc”rất manh động, sẵn sàng chống trả lại cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
Từ năm 2018 đến nay, Phòng CSGT đường thủy (PC08B) Công an TP.HCM phát hiện hàng chục vụ vận chuyển khai thác cát trái phép trên địa bàn TP, đề xuất tịch thu nhiều tàu “bạch tuộc” của “cát tặc”.
Điển hình, ngày 22.8.2018, PC08B bắt giữ tàu “bạch tuộc” số hiệu HP 4247 khi đang vận chuyển khoảng 1.000 m3 cát không rõ nguồn gốc trên sông Đồng Tranh (H.Cần Giờ). Lúc 2 giờ ngày 14.9.2018, PC08B bắt giữ tàu “bạch tuộc” số hiệu HP 4291 chở khoảng 1.000 m3 cát không có hóa đơn chứng từ trên sông Đồng Tranh. Khoảng 23 giờ ngày 19.9.2018, PC08B tuần tra trên tuyến sông Nhà Bè phát hiện và bắt giữ 3 tàu “bạch tuộc” lần lượt có số hiệu: HP 4799, HP 4528 và NĐ 3456 (mỗi tàu chở khoảng 700 m3 cát) có gắn thiết bị bơm hút cát đang di chuyển từ hướng biển Cần Giờ vào TP.HCM. Qua kiểm tra, các tàu này không xuất trình được hóa đơn chứng từ cho khối lượng cát nói trên. Vụ việc đang được PC08B chuyển lên Công an TP xử phạt và đề nghị tịch thu phương tiện.
Theo PC08B, “cát tặc” dùng nhiều phương thức - kể cả hợp thức hóa đơn chứng từ - để đối phó khi bị kiểm tra. Cũng theo đơn vị này, qua công tác nghiệp vụ, hầu hết “đội quân tàu bạch tuộc” đa phần từ các tỉnh phía bắc vào hoạt động khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ. Khi bị bắt giữ, thuyền trưởng các tàu “bạch tuộc” thường rất ngoan cố, né tránh, không thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép. Còn theo BĐBP, các hoạt động khai thác cát trên biển chủ yếu ban đêm vào lúc thời tiết xấu; các tàu “bạch tuộc” rất liều lĩnh, sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện; việc phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh với TP.HCM trong công tác chống “cát tặc” không hiệu quả…(còn tiếp)
“Đội quân tàu bạch tuộc” neo đậu gần đồn biên phòng
Nhiều lần có mặt tại khu vực bến Sao Mai (đối diện Đồn biên phòng Bến Đá, P.5, TP.Vũng Tàu), PV Thanh Niên ghi hình hơn 30 tàu “bạch tuộc” đang neo đậu tại đây; nằm cách Đồn biên phòng Bến Đá chưa đầy 1 km. Từ trong bờ nhìn ra thấy rõ, những tàu “bạch tuộc” này được trang bị nhiều máy bơm. Chiều tối, những chiếc tàu này nhổ neo đi thẳng ra vùng biển Cần Giờ.
Để kiểm soát việc khai thác cát trên biển Cần Giờ, mới đây, BĐBP TP.HCM đã đề nghị lãnh đạo TP chấp thuận chủ trương cho đơn vị này xây dựng chốt kiểm soát trên biển và trang bị các phương tiện, kỹ thuật hiện đại để làm nhiệm vụ.
“Có chốt kiểm soát trên biển, chúng tôi mới chủ động khắc phục khoảng cách địa lý, thời gian và chủ động trong công tác bảo vệ chủ quyền, chống xâm nhập đường biển, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác tài nguyên khoáng sản, thủy sản trái phép”, một lãnh đạo BĐBP TP nói.
Mã Phong
|
Tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2019, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nguồn gốc phần lớn cát san lấp tại TP đều bất hợp pháp; kể cả cát san lấp ở những công trình sử dụng vốn ngân sách... Riêng cát xây dựng, các mỏ tại khu vực phía nam chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu thị trường, còn lại 60 - 70% đều bất hợp pháp.
Theo PC08B, năm 2017, đơn vị này đã tuần tra, phát hiện, bắt giữ 10 vụ vận chuyển khai thác cát trái phép trên địa bàn TP; năm 2018 phát hiện, bắt giữ 13 vụ vận chuyển, khai thác cát trái phép. Năm 2018, Công an TP đã tham mưu cho UBND TP ra quyết định tịch thu 4 tàu “bạch tuộc” vận chuyển cát trái phép.
Tương tự, năm 2017, BĐBP bắt giữ 37 vụ, 91 đương sự, 89 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt gần 1,9 tỉ đồng và tịch thu hơn 15.000 m3 cát. Năm 2018, bắt giữ 46 vụ, 75 đương sự và 75 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt hơn 1,3 tỉ đồng, tịch thu hơn 12.000 m3 cát. Trong số đó, BĐBP phát hiện, bắt giữ nhiều tàu “bạch tuộc” khai thác, vận chuyển cát tại vùng biển Cần Giờ. (Mã Phong)
|
Bình luận (0)