Cậu bé chạy theo bạn tặng bánh chưng cho cô giáo trở thành nhà giáo tiêu biểu

31/01/2022 11:00 GMT+7

Trần Mạnh Hùng, giáo viên ngữ văn Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình là một trong 50 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021.

Trước những thành tích của bản thân, thầy giáo sinh năm 1992 vẫn luôn nhớ về tuổi thơ nghèo với sự giúp đỡ của cô giáo - người truyền lửa cho anh.

Trở thành nhà giáo trẻ tiêu biểu

Ngày 5.8.2014, Hùng nhận quyết định công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa, đây là ngôi trường vùng biên giới, với đa số là học sinh người dân tộc thiểu số như Khùa, Mày và Sách.

Thầy Hùng cùng học sinh vùng cao

NVCC

“Cái khó những ngày đầu của tôi không nằm ở sự thiếu thốn mà là phong tục tập quán, ngôn ngữ. Nhiều lúc phải vượt 70km đường dốc đá khó đi, xung quanh toàn đồi núi, tôi cũng nản lòng. Thế nhưng những đứa trẻ gầy guộc, tóc hoe vàng nhem nhuốc đã giữ chân tôi, bởi nó quá giống tuổi thơ của tôi ngày ấy”, Hùng kể.

Dần dần, anh cố gắng không chỉ trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn gần gũi hơn với các em học sinh. Đồng thời, Hùng còn tham gia công tác thiện nguyện, kết nối, giúp đỡ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường.

Gần 8 năm ở vùng cao, sự nỗ lực đã giúp anh trở thành giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, tỉnh, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trong công tác dạy và học. Đáng nói, anh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và học tập” năm học 2020 - 2021, vinh dự là 1 trong 50 giáo viên tiêu biểu toàn quốc tham gia Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021 do T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Tại chương trình, anh tiếp tục được tặng bằng khen vì những thành tích trong công tác.

Thăm và trao quà cho các em học sinh tại bản

“Được dạy dỗ và tiếp xúc với học trò, phụ huynh đồng bào miền biên giới và chứng kiến sự vất vả, những bữa cơm thiếu thốn, những dáng người co ro giữa mùa đông lạnh, nhưng họ vẫn dành cho chúng tôi tình cảm đáng quý, những món quà từ vườn nhà, nào rau, măng, nào gạo nếp... Đó có lẽ là điều khiến tôi càng thêm yêu quý, muốn gắn bó lâu hơn”, Hùng nói.

Cậu bé chạy theo xe bạn đến nhà cô giáo…

Những đứa trẻ trên vùng cao của tỉnh Quảng Bình đầu những năm 2000 còn phải mặc áo vá, cơm hấp khoai bữa đói bữa no, thế nhưng trước tình thương của thầy cô giáo từ xuôi lên, các bạn luôn trân trọng, dành những món quà giản đơn, ấm áp đến thầy cô của mình.

Thầy Hùng cắt tóc cho học sinh trong chuỗi chương trình tết năm 2020

“Quà tết chúng tôi tặng thầy cô chỉ là cái bánh chưng nhà gói được, vài quả cam ở vườn nhà nhưng đến nhà cô giáo ở chúng tôi lại được cho kẹo, được nghe cô kể chuyện và dặn dò thật ấm áp”, anh nói.

“Năm học lớp 3, bạn tôi trên chiếc xe đạp, còn tôi chạy theo sau, quàng cặp bánh chưng mẹ gửi biếu cô trên cổ, có đoạn đường đất lầy lội, đá dăm bị ngã, tôi lại đứng dậy chạy theo kịp bạn đang đạp xe. Trời lạnh thế mà tôi vẫn đổ mồ hôi nhễ nhãi…”, anh Hùng nhớ lại.

Bố mất lúc anh lên 4 tuổi, hai mẹ con chật vật bữa đói bữa no. Đã có lúc, Hùng muốn từ bỏ ước mơ vì không đủ tiền mua sách vở, có ý định trốn đi kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, đỡ đần cho mẹ. Thế nhưng lần đến thăm nhà cô cùng những bài giảng trên lớp đã thôi thúc Hùng trở thành thầy giáo dạy chữ.

Gặp mặt Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tại Phủ Chủ tịch

NVCC

“Đúng là một cặp bánh chưng mà đổi lấy cả một năm học phí thì chẳng ai có thể ngờ được. Mãi đến sau này tôi mới biết, sau khi luân chuyển, trong một lần trở về Trường tiểu học Tân Lý, cô Đinh Thị Hữu, giáo viên chủ nhiệm cũ đã đóng toàn bộ học phí cho tôi vì cô thương đứa học trò nghèo chăm học. Mấy chục ngàn của cô đã soi sáng cho cả cuộc đời của tôi, tôi càng quyết tâm trở thành giáo viên, cố gắng học tập để có được như ngày hôm này”, anh kể.

Đem tết về trường

Mỗi dịp tết đến, với vai trò là Bí thư Chi đoàn nhà trường, thầy giáo trẻ kết nối với các tổ chức, cơ quan trong và ngoài địa phương, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho học sinh trước khi thầy trò về nghỉ tết. “Ngày bé, tết đến, tôi chỉ mong được mẹ mua quần áo mới nhưng những năm đó, đến tiền để mua một cân thịt heo mẹ còn chẳng đủ nữa là. Tôi phải phụ mẹ nuôi heo, chăm gà để tết hai mẹ con mang ra chợ bán kiếm tiền ăn tết. Do đó, tôi hiểu được sự thèm khát về một cái tết đủ đầy của học trò vùng biên giới và mong muốn đem đến cho các em những cái tết vui vẻ”, anh chia sẻ.

Hằng năm, tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dân Hóa, đều có chương trình tết cho học sinh, các hoạt động được tổ chức từ đầu tháng 1 dương lịch đến Tết âm lịch, như: kết hợp cùng Bộ đội biên phòng gói bánh chưng tặng các em, cắt tóc miễn phí, trao quà tết, áo quần mới cho các em…

Năm nay, trước tình hình dịch bệnh, anh kết nối với Chi đoàn và Chi hội phụ nữ Công an huyện Minh Hóa, trao 60 suất quà tết cho học sinh điểm trường Hà Nông đón tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.