Câu chuyện cần biết về thần kinh thực vật

12/02/2012 10:44 GMT+7

Thường thì ta chỉ để ý đến hệ thần kinh trung ương, thần kinh cao cấp khi nói đến sức khỏe, bệnh tật, trong khi hệ thần kinh thực vật có vai trò cực kỳ quan trọng cho hoạt động của cơ thể, có khi còn là yếu tố quyết định cho thể trạng và sức khỏe của một cá thể.

Được gọi là hệ thần kinh thực vật, thần kinh tự động (tự chủ) vì nó hoạt động độc lập với sự chỉ huy theo ý muốn của ta như khi ta ngủ say không biết trời đất là gì thì hệ thần kinh giao cảm vẫn tự làm việc chăm chỉ và đều đặn để tim đập, phổi thở, dạ dày co bóp tiêu hóa, mồ hôi vẫn tiết ra... Đây là cơ chế tuyệt vời của tạo hóa để cơ thể sống hoạt động hoàn hảo nhất mà tiết kiệm được năng lượng trong khi vẫn thực hiện đầy đủ chức năng hiệu quả gấp vạn lần những máy móc vi tính hiện có.

Ở những người có đời sống tinh thần lành mạnh, “vô tư” và hoạt động thể lực tích cực, nghĩa là sống rất hồn nhiên nhi nhiên, hệ thần kinh thực vật được tự chủ tốt, không bị các áp lực chỉ huy căng thẳng, cưỡng bức từ hệ thần kinh trung ương và thần kinh cao cấp thì cơ thể làm việc rất điều hòa và khỏe khoắn.

Cao hơn một bậc, các cao thủ yoga có thể phần nào dùng “võ công” điều chỉnh được một vài chức năng của hệ thần kinh thực vật khi họ chủ động làm giảm nhịp tim, nhịp thở, giảm huyết áp, điều khiển co bóp của hệ tiêu hóa. Cái này thuộc về “chưởng lực” của các ông cao thủ võ lâm rồi, xin không nói đến.

Ở một số người, vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng bị mắc một vài triệu chứng như ra mồ hôi tay, rối loạn vận mạch ở da, rối loạn giấc ngủ, dễ hồi hộp, đánh trống ngực... có nguyên nhân do rối loạn thần kinh thực vật nguyên phát. Nhiều người khác khi vào độ tuổi chớm về già mới thấy những chứng bệnh như huyết áp lúc cao lúc thấp, ăn chóng “thấy” no, thức đêm ngủ ngày, dễ hoa mắt chóng mặt, hay đi tiểu tiện vặt, nhạy cảm quá mức với ánh sáng, tiếng ồn... Nặng hơn có thể tiêu chảy không do ăn uống nhiễm khuẩn, rối loạn cương dương vật, đau đau nông ngoài da không nguyên cớ...

Tất cả những điều vừa kể có nguyên do từ sự mất thăng bằng của hệ thần kinh thực vật. Hệ này gồm thần kinh giao cảm và thần kinh phó giao cảm, có tác động đối ngược nhau để kiểm soát sự cân bằng hoạt động các cơ quan, ví dụ cường giao cảm gây tăng nhịp tim, giảm co bóp và tiết dịch hệ tiêu hóa, ngược lại khi thần kinh phó giao cảm kích thích mạnh sẽ gây chậm nhịp tim, tăng co thắt và tiết dịch tiêu hóa. Trong một cơ thể khỏe mạnh cả về thể lực và tinh thần, thần kinh giao cảm và phó giao cảm hoạt động cân bằng bên tung bên hứng để điều chỉnh các cơ quan hoạt động điều hòa và phản ứng nhanh nhạy, chính xác với những tác động của bên ngoài và phản ứng bên trong cơ thể.

Ví dụ, đang ở trong nhà ấm, ra ngoài trời gặp lạnh, thần kinh giao cảm sẽ kích thích để mạch máu ngoại vi co lại, nhịp tim, huyết áp tăng lên giúp cơ thể chịu được cái lạnh đột ngột. Ví dụ khác, khi được bữa ăn cỗ ăn tiệc no nê, hệ phó giao cảm sẽ phải “tăng ca làm việc” tiết dịch nhiều hơn, co bóp hệ tiêu hóa nhiều hơn để giải quyết “đầu vào” quá tải. Khi cơ thể khỏe mạnh, phản xạ tăng cái nọ giảm cái kia được kiểm soát tốt, tạo sự cân bằng và sau khi giải quyết xong “vấn đề đột xuất”, nó tự động trở lại nhịp độ thăng bằng giữa thần kinh giao cảm và phó giao cảm giữ cho cơ thể yên ổn.

Mọi chuyện rắc rối của hệ thần kinh tự chủ sẽ xảy ra khi; thứ nhất khả năng đáp ứng với thay đổi bị mất hoặc giảm đi hoặc chậm chạp không kịp giúp cơ thể ứng phó với thay đổi; thứ hai, sự đáp ứng quá mức của giao cảm hoặc phó giao cảm gây phản ứng quá mức cần thiết làm mất cân bằng động giao cảm-phó giao cảm với kết quả là rối loạn điều tiết một cơ quan nào đó. Ví dụ rõ nhất cho điều này là triệu chứng tiêu chảy do “lạnh bụng”, hay gặp vào buổi sáng, khi chưa ăn uống gì hoặc ăn uống sớm quá, bụng dạ chưa được chuẩn bị, đi tiêu chảy kèm đau quặn bụng rồi tự khỏi.

Xử lý thế nào với chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật?

Đầu tiên được coi là cơ địa, nghĩa là cái tạng người dễ bị, hay gặp là các người đẹp kiểu liễu yếu đào tơ, những người được y học gọi là típ thần kinh nghệ sĩ, họ vốn rất nhạy cảm và hoạt động trí não phong phú, dễ mất thăng bằng.

Thứ nữa là những người ở độ tuổi chuyển tiếp: tuổi dậy thì, tuổi tiền mãn kinh, mãn dục khi cơ thể chưa kịp thay đổi “chế độ làm việc”, một vài bộ phận đã về hưu trong khi các cơ quan khác vẫn đương chức nên tổng thể mất đồng bộ.

Một số triệu chứng như ra nhiều mồ hôi tay thì coi như không rõ lý do. Còn lại đa số không biết nguyên nhân trực tiếp nhưng có yếu tố tác động như bệnh lý, chấn thương của hệ thần kinh trung ương, những bệnh tự miễn, những nhiễm độc trường diễn...

Chẩn đoán  thì hơi bị khó vì nó không là bệnh rõ ràng, không siêu âm chiếu chụp gì được. Lại cần chẩn đoán phân biệt với triệu chứng do các bệnh thực thể khác.

Chữa triệu chứng hiện cũng không có thuốc đặc trị, đầu vị thì dùng vitamine B6, acide glutamic (có thể thay bằng mì chính là muối natri glutamate), có thể dùng thuốc an thần nhẹ như Rotunda. Riêng chứng ra mồ hôi tay có thể mổ cắt hạch thần kinh giao cảm.

Nhưng cơ bản nhất là giữ cái tâm yên ổn, sảng khoái, tránh bị stress, tập thở, tập đi bộ, năng làm việc chân tay, tránh bị ô nhiễm môi trường.   

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.