Ngày đầu năm, khởi hành đi hồ thủy điện Trị An, nhân tiện ghé thăm ông anh cùng làng xã. Gần trưa mới tới Trị An. Ghé nhà anh ăn cơm trưa xong mới đi thăm hồ.
Nhóm chúng tôi lên xe. Anh ngồi ghế trên dẫn đường. Lâu rồi tôi mới thấy anh diện quân phục quân đội - trông anh trẻ hơn cái tuổi 72. Do ngày lễ, không gặp người quen trực nên chúng tôi không vào được hồ thủy điện Trị An. Anh đưa chúng tôi qua khu rừng nguyên sinh.
“Khi mới ngăn sông làm cái đập này thú hoang còn nhiều lắm. Có cả đàn voi rủ nhau uống nước. Thanh niên xung phong và dân vùng này thấy cả đàn voi tràn về. Giờ thì không thấy voi ở đây nữa”, anh kể.
Trên đường đi, anh rẽ vào thăm người bạn là bộ đội hải quân, dừng chân vùng đất Trị An đã hơn 40 năm. “Vào đó coi con gấu luôn”, anh nói. Rồi anh dẫn chúng tôi đi xem chú gấu. Một con gấu lớn bị nhốt trong cái chuồng với những song sắt bằng ngón chân cái, bên ngoài chuồng còn được bao bởi lưới chống đạn B40, chắc là để ngăn người ta trêu chọc gấu và cũng là đề phòng khi gấu bực tức quá mà tát người xem.
Anh bảo con gấu này được nuôi khá lâu rồi, gần đây chính quyền muốn ông Ng.Râu (người bạn của anh) chuyển con gấu cho chính quyền nhưng ông chưa chịu. Ng.Râu sống một mình, xung quanh là cây rừng đã hơn 40 năm, không vợ con. Với Ng.Râu, tiếng gió của cây, tiếng sóng hồ, tiếng chim hót và cả tiếng gầm của con gấu cái mỗi mùa động đực là những âm thanh vô cùng gần gũi.
Vừa lúc ấy Ng.Râu về đến nhà. Trái ngược với tưởng tượng, trước mặt tôi là một người đàn ông tầm thước, không một cọng râu, khuôn mặt đỏ au vì nắng rừng cộng thêm men rượu (do Ng.Râu vừa đi ăn cỗ về). Ng.Râu cho biết đã nuôi con gấu hơn 10 năm, khi đó con gấu mới khoảng 30 kg giờ đã cả tạ.
“Muốn biết nó được nuôi từ ngày tháng năm nào thì phải mở sổ ghi chép ra mới nhớ”, anh nói.
Vì mọi người hối thúc phải về nên tôi chưa kịp hỏi anh sao không giao con gấu cho chính quyền. Tôi cũng định kể cho anh nghe về con vật được nuôi trong một trường đại học ở New Zealand mà có lần tôi đã kể cho bạn đọc Báo Thanh Niên. Con vật bị nhốt nhưng nhốt trong môi trường rất giống với thiên nhiên. Các giảng viên và sinh viên của trường tự hào về con Tuatara - hình của nó được in trên quốc kỳ New Zealand.
Tôi hy vọng lần tới đến thăm Trị An, lại được ghé thăm anh, thấy anh khỏe mạnh, còn cái chuồng gấu thì trống không, con gấu đã được tự do. Tôi sẽ được thấy Ng.Râu chống nạnh, ngẩng cao mặt ngắm trời, vươn tầm mắt bao quát hồ Trị An, hưởng cái tự do của con người tự do.
Bình luận (0)