Không chỉ đem đến cho người xem những bức ảnh chân dung giàu cảm xúc, “Humans of Hanoi” (tạm dịch: Con người Hà Nội) do một nhóm thanh niên 9X thực hiện còn mở ra một lát cắt của cuộc sống thủ đô với những chú thích đầy sinh động.
|
“Humans of Hanoi” lấy cảm hứng từ chương trình “Humans of New York” do Brandon Stanton thực hiện vào năm 2010. Sự thành công bất ngờ của những tấm ảnh dễ thương đi kèm với câu chuyện chân thực khai thác từ chính nhân vật trong ảnh đã giúp “Humans of New York” trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất trong năm khi in thành sách. Đó cũng chính là nền tảng để nhóm Freely Team Hà Nội thực hiện “Humans of Hanoi”.
Gợi mở sự chân thành
Trần Quang Tuấn, trưởng nhóm Freely Team, cho biết khi bắt đầu thực hiện “Humans of Hanoi”, nhóm chỉ có hai thành viên. Chính sự thú vị của những câu chuyện bằng hình đã giúp Tuấn “lôi kéo” thêm 5 bạn nữa. Hiện tại, 3 người trong Freely Team đã đi làm, còn lại đều đang đi học.
Dù không chuyên sâu trong nhiếp ảnh hay viết lách, nhưng thành phẩm sau hơn 4 tháng rong ruổi khắp các ngõ ngách Hà thành của nhóm đã thu hút được mười mấy ngàn lượt xem và yêu thích từ cộng đồng mạng. Theo Tuấn, đó là một “thành công ngoài tưởng tượng” sau hơn 2 tháng ra mắt.
Rất nhiều cư dân mạng cho rằng sức hút của những tấm ảnh trong “Humans of Hanoi” đến từ chú thích ảnh, một thứ tưởng chừng như chẳng mấy quan trọng khi bạn chụp hình. Với từng nhân vật, Freely Team có những câu hỏi khác nhau để tạo nên sự đa dạng cho các chú thích, được thực hiện bằng song ngữ Việt - Anh.
|
“Thời gian đầu chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều trong việc tiếp cận mọi người, hơn nữa là làm sao để mọi người có thể chia sẻ câu chuyện của họ. Rất nhiều người đã từ chối khi mình chia sẻ với họ dự án này, ngay từ lúc mình mở đầu câu chuyện. Có những người thì từ chối khi nghe nói là mình sẽ chụp ảnh. Và có cả những người mình đã nói chuyện với họ rất lâu nhưng khi xin ảnh họ thì họ không cho. Tuy nhiên, sau 2 tháng chuẩn bị, nhóm cũng đã có trong tay những kinh nghiệm nhất định, trong đó sự chân thành chính là chìa khóa. Nếu chúng ta chân thành với người khác thì họ cũng sẽ chân thành với ta”, Tuấn khẳng định.
Tài chính và thời gian là hai vấn đề kế tiếp. Tuấn thật thà thừa nhận rằng máy chụp bằng phim không phải là một cách tạo dấu ấn hay cá tính như mọi người vẫn nghĩ, mà đó là “tất cả những dụng cụ nhóm có”. Tiền mua phim, tráng và rửa ảnh đều do các thành viên tự bỏ tiền túi. Vì nhiều khó khăn, Tuấn cũng thừa nhận “không thể biết chính xác dự án này sẽ duy trì trong bao lâu, vì hiện tại nhóm bao gồm cả những người đi làm, đi học, nhưng hy vọng đây sẽ là một dự án dài hơi”.
Soi lại mình
Đối với Freely Team, việc được giới trẻ yêu thích là một niềm vui chứ không phải mục đích khi thực hiện dự án. Ngoài Hà Nội, Sài Gòn cũng hứa hẹn là điểm đến sắp tới của nhóm bạn trẻ.
“Humans of Hanoi đã giúp nhóm hiểu hơn rất nhiều về cuộc sống và văn hóa người Việt Nam. Không có một bức tường nào ngăn cách chúng ta cả, chỉ là chúng ta chưa mở lòng mình với mọi người mà thôi”, Tuấn chia sẻ.
Ngoài chụp ảnh, Freely Team cũng đã và đang chuẩn bị tổ chức những cuộc triển lãm với quy mô nhỏ, cùng một vài kế hoạch khác. “Mục đích cũng là đưa mọi người đến gần nhau hơn và có thể giúp chính những nhân vật của “Humans of Hanoi” có thể nhìn thấy lại câu chuyện của mình. Ngoài ra, nhóm cũng muốn tổ chức một vài cuộc thi ảnh nhỏ để tăng tính tương tác tới các bạn trẻ trong và ngoài nước. Cuối cùng là xuất bản sách, có thể hơi xa vời nhưng nhóm luôn cố gắng một ngày nào đó có thể thực hiện được mục tiêu này”, Tuấn nói.
Kim Nga
>> Người Hà Nội xếp hàng mua bánh chay trên phố
>> Chùm ảnh: Cầu Long Biên và cuộc sống đời thường người Hà Nội
>> Người Hà Nội nô nức đến Văn Miếu xin chữ đầu năm
>> Người Hà Nội xếp hàng mua bánh chưng Tết
>> Người Hà Nội đọc báo
Bình luận (0)