Câu chuyện sách giáo khoa

10/06/2011 23:17 GMT+7

Dự thảo đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) sau năm 2015 đang được dư luận chú ý. Đây cũng là lúc cần nhìn lại một số bất cập của CT-SGK hiện hành với mong mỏi cuộc nâng cấp dự kiến tiêu tốn 70.000 tỉ đồng sắp tới sẽ tránh được những sai lầm cũ.

Kiến thức quá lạc hậu

Trong đợt góp ý CT-SGK hiện hành (do Bộ GD-ĐT tổ chức) vào năm 2009, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đều khẳng định: CT biểu hiện rõ sự quá tải; một số môn học như  ngữ văn, ngoại ngữ, sinh học, vật lý, nghề phổ thông cấp trung học còn nặng nề, hàn lâm. 

 

 CT-SGK hiện hành còn mang tính hàn lâm và nặng về thi cử - Ảnh: Đ.N.T

Các nhà giáo cũng cho rằng nhiều chủ đề ở một số môn học cấp THPT còn rất lạc hậu, chưa cập nhật những kiến thức cần thiết trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chẳng hạn môn vật lý nhấn mạnh quá mức vật lý học cổ điển, môn sinh học chưa thể hiện được khoa học của sự sống, môn lịch sử quá nhấn mạnh đến lịch sử quân sự, lịch sử đấu tranh giữ nước và đấu tranh cách mạng mà xem nhẹ lịch sử kinh tế - văn hóa - xã hội, môn ngữ văn thì chưa cập nhật những đánh giá mới về một số nhân vật và sự kiện.

Bà Hà Thị Nga, chuyên viên Sở GD-ĐT Hải Phòng cho phân tích: “Sở dĩ nhiều học sinh (HS) có tâm lý sợ học môn lịch sử chủ yếu vì kiến thức quá nhiều, khó thuộc, dễ quên. Giáo viên dạy môn học này lúc nào cũng vội vã, nói nhiều, thậm chí hết giờ mà vẫn không dạy hết kiến thức bài học. SGK môn lịch sử được viết theo lối mòn xơ cứng, có sự lặp lại (lớp 4, lớp 6, lớp 10) tạo cho HS cảm giác không cần học cũng biết rồi”.  Một giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng (Hà Nội) cho biết: “Có một số bài yêu cầu kiến thức nặng, dài dòng, ghi nhớ máy móc nhiều, chưa phù hợp với phần đông HS. Ví dụ như yêu cầu tìm các vần khó ngoài bài, chuyển thể đối thoại thành kịch, viết thư làm quen với bạn nước ngoài; hoặc yêu cầu vẽ các thành viên trong gia đình ở SGK môn giáo dục công dân. Hay như môn toán, ngay từ lớp 1, HS đã phải làm những bài toán “tìm x”; môn giáo dục công dân thì yêu cầu HS nam cũng phải học thêu thùa”...

Trao đổi với PV Thanh Niên về điều này, GS Nguyễn Lân Dũng (ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ rõ: “Chính vì CT hiện nay của ta rất bất cập, vừa nặng vừa thiếu kiến thức nên chưa thể làm chỗ dựa cho SGK”. TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cũng nhận định: “Đến thế kỷ 21 rồi, mọi thứ đều đang phát triển như vũ bão mà HS vẫn phải học quá nhiều những bài học khô cứng về kiến thức của thế kỷ 18, 19 là điều phi lý”.

Học chỉ để thi

Một giáo viên dạy trường chuyên ngao ngán nói: “Càng hô hào giảm tải CT thì mỗi lần thay sách càng nặng lên. Nội dung quá hàn lâm, đến mức HS chuyên cũng phải thừa nhận với tôi rằng có lúc em cũng không rõ học kiến thức trong SGK để làm gì, quá nhiều, quá khó".

Phần lớn các chuyên gia giáo dục đều khẳng định cách thiết kế CT và tổ chức thi cử như hiện nay khiến việc học tập chủ yếu nhồi nhét để đi thi. Thi xong là “chữ thầy lại trả cho thầy”. TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích: “Kiến thức mà CT đòi hỏi chủ yếu là ghi nhớ và tái hiện nên chỉ phù hợp với việc đi thi, khó có thể nói đến những “mỹ từ” như vận dụng, sáng tạo được”. TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng: “Nhà trường phổ thông hiện nay đang theo mô hình truyền thống với những đặc điểm cơ bản: dạy hướng tới thi cử, việc đánh giá chỉ nhằm vào kết quả học tập”...

Tại đợt góp ý về CT-SGK, chính  Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, CT hiện hành chưa đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và dạy người, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho HS. Điều này thể hiện ở chỗ chưa nêu rõ nội dung và cách thức đánh giá sự trưởng thành nhân cách HS sau mỗi lớp học, cấp học.

Sách sai mà không sửa

Những nội dung phản khoa học, phi sư phạm trong sách vật lý lớp 6 đầu tiên thí điểm ở 100 trường trong năm 2000 đến nay vẫn không được chỉnh sửa. Sau đó, các tập sách vật lý khác đều có lỗi sai, mô tả thí nghiệm sai, dụng cụ thí nghiệm cũng sai nhưng góp ý nhiều lần vẫn không chỉnh sửa. Theo tôi, Bộ nên nhìn nhận lại, thay vì bỏ hàng trăm tỉ đồng để biên soạn sách mới thì tại sao không cho đính chính, chỉnh sửa những kiến thức sai trong SGK. Số tiền đó để giúp cho người nghèo có điều kiện cho con em họ được đi học và có sách vở miễn phí.

TS vật lý Nguyễn Văn Khải

Bất cập chương trình

Con tôi năm nay lên lớp 4, trong suốt 3 năm qua tôi - một người tốt nghiệp ĐH Bách khoa - nhưng đã nhiều lần lâm vào thế bí khi không thể giải xong một bài toán cho con mình nên đành phải cầu viện vào các sách hướng dẫn kèm theo. Quả thực, CT học của HS bây giờ quá nặng.

Chị Hoàng Thị Tuyết 
(Q.1, TP.HCM)

 Phi Loan (ghi)

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.