Chúng ta đang tiến để đuổi kịp thời gian bị mất

12/02/2007 16:39 GMT+7

Khi viết bài báo cuối năm, tôi bắt đầu bằng chuyến thăm của ông Lý Quang Diệu, Bộ trưởng cố vấn cao cấp của Chính phủ Singapore. Ông Lý Quang Diệu đã gặp hầu hết các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta và thăm nhiều địa phương. Có một phát biểu của ông làm chúng ta phấn khích: "Việt Nam đang đuổi nhanh để bù lại thời gian đã mất". Ông cũng đã đánh giá cao bộ máy lãnh đạo mới của Việt Nam và cho rằng: "Việt Nam đang tiến với tốc độ tốt và đang đuổi kịp thời gian đã mất".

Những gì đã mất, chúng ta đều biết, những thời cơ, những khoảnh khắc và những thời điểm lịch sử khó có thể lặp lại và nếu có lặp lại thì cũng không bao giờ "nguyên đai nguyên kiện". Một nhiếp ảnh gia đôi khi đứng trước một cảnh hoàng hôn trên một dòng sông thật lâu để chờ đợi. Không phải lúc nào khi mặt trời mọc và lặn đều chiếu xuống cảnh vật giống nhau. Người nghệ sĩ biết "chộp" vào những thời khắc lung linh nhất và rung cảm nhất của cảnh vật cùng với con người.

Và đối với một Đảng lãnh đạo như chúng ta hiện nay, mọi quyết định của Đảng cầm quyền đều dựa vào dân, mọi việc đều do dân và chúng ta phải lắng nghe họ. Đến khi tôi viết bài này, trên mặt báo có 2 vấn đề làm tôi chú ý: Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa một bài viết về du lịch Campuchia còn non trẻ và chiến tranh mới chấm dứt chưa lâu nhưng thu hút đến hai triệu khách du lịch. Ngoài những di tích nổi tiếng như Angkor Wat và những đền chùa nổi tiếng, tác giả bài báo nhắc đến sự hấp dẫn khách du lịch bốn phương của chiếc xe lôi mà ở miền Tây Nam Bộ được dùng như một phương tiện giao thông của người dân. Ở Campuchia, chiếc xe lôi được tân tạo trở thành quý phái và phù hợp với không khí hoang sơ và cổ xưa của đất nước Chùa Tháp. Trong khi những chiếc xe lôi ở Cần Thơ cũng đẹp không kém thì được cho vào hàng phế thải vì lệnh cấm vào thành phố. Tôi nghĩ các cấp chính quyền khi ra lệnh "cấm xe lôi vào thành phố" đã không lắng nghe ý kiến công luận và người dân, hoặc là chỉ nên cấm những hoạt động xô bồ, mất trật tự của nó, hướng loại phương tiện này vào phục vụ du lịch cho đồng bằng.

Việc thứ hai, mà gần đây nhất, một Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có phát ngôn không cho bắn pháo hoa trong dịp Tết cổ truyền mà Chính phủ đã cho phép thành phố là một trong những nơi được phép bắn pháo hoa. Và các tầng lớp nhân dân thành phố rất đáng được hưởng thụ món quà chính đáng đó để nhân lên niềm vui thắng lợi chung trong năm 2006.

Ở các cơ quan ngôn luận, nhiều người dân và các giới chức đã lên tiếng về việc này. Nhiều người nghèo được hỏi thì họ cũng rất muốn có pháo hoa trong đêm giao thừa thiêng liêng. Nhiều người không đòi hỏi bắn pháo hoa bằng tiền Nhà nước mà do dân đóng góp. Đó cũng là một thứ tài sản công mà họ cùng cộng hưởng. Có doanh nghiệp điện đến tòa soạn xin được tổ chức một đêm ca nhạc thu tiền để đóng góp vào quỹ bắn pháo hoa, nếu thu tiền còn thiếu, họ sẽ bù vào đủ 3 tỉ để một nửa trao cho dân nghèo, một nửa đóng góp cho chính quyền tổ chức bắn pháo hoa.

Khi tôi viết bài này, thành phố vừa có quyết định cho bắn pháo hoa đêm giao thừa. Quyết định đó thể hiện rằng thành phố rất lắng nghe ý kiến của dân và biết sửa chữa những gì chưa hợp lý. Nhưng riêng tôi thì nhân đây tôi muốn bàn về một vấn đề khác, tức là mọi việc nên hỏi ý kiến dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc và năm nay Bộ Chính trị có phát động phong trào học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh mà tôi cho rằng ý nghĩa của nó rất lớn trong tình hình hiện nay. Tôi nghĩ, cái cốt lõi tư tưởng của Người là việc gì có lợi cho dân thì ta làm, có hại cho dân thì ta tránh và việc gì có quan hệ đến dân thì ta phải hỏi ý kiến dân.

Trên một tờ báo của TP.HCM lúc này có trích một đoạn rất thời sự mà tôi thấy rất xúc động: "Ngày 30.8.1969: Tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xấu... Buổi chiều, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Người. Vừa tỉnh lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: "Các chú chuẩn bị lễ Quốc khánh đến đâu rồi?". Nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo, Người dặn: "Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân". Người hỏi tình hình nước sông Hồng như thế nào và nhắc phải chú ý để phòng lụt. Sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân, Mỹ xuống thang ngừng ném bom miền Bắc và buộc phải bước vào cuộc hòa đàm Paris. Đó là một thắng lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bắn pháo hoa để mừng Quốc khánh".

Tôi nói chuyện pháo hoa mà tôi nghĩ nó không dừng ở chuyện bắn pháo hoa hay không trong đêm giao thừa Âm lịch. Tôi muốn nói rằng hãy hỏi ý kiến dân và lắng nghe dân khi ta quyết định bất cứ một việc gì quan hệ đến đời sống tinh thần hay vật chất của họ.

Đất nước ta vừa trải qua một năm 2006 thật sự hạnh phúc. Chưa bao giờ các chính khách lớn của thế giới như Tổng thống Nga V.Putin, Tổng thống Mỹ George Bush, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Úc John Howard và nhiều chính khách, các doanh nhân hàng đầu của thế giới đến Việt Nam nhiều như năm qua. Tôi đọc ở một tờ báo nước ngoài mà không nhớ được xuất xứ: "Có 2/3 trong số hơn 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất của thế giới đã có mặt ở Việt Nam". Trở lại chuyến đi của ông Lý Quang Diệu đến Việt Nam, ông nói: "Làn gió đổi mới đang thổi. Đó sẽ là cơn gió thay đổi trong khu vực”. Ông dự đoán, Việt Nam trong 5 năm tới sẽ bắt kịp tốc độ của các nước trong khu vực, sẽ tăng trưởng mạnh như Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và New Zealand.

Đài VOA, trong buổi phát thanh sáng 13.1: "Giờ đây Việt Nam đã có thị trường chứng khoán và có kim ngạch xuất khẩu cao gấp 7 lần ban đầu". Tờ Asia Times trong số gần đây với tiêu đề: "Với ước mơ và hy vọng, Việt Nam bước vào WTO" của Katron, Giám đốc Công ty tư vấn ECK tại Hà Nội: "Nhiều nhà kinh tế tiên đoán rằng vào WTO, Việt Nam sẽ thu hút thêm được đầu tư nước ngoài và có thể trong năm 2007 này, tỷ lệ tăng trưởng của Việt Nam sẽ vượt qua Trung Quốc".

Một nhà phân tích kinh tế khác của Hồng Kông còn tiên liệu Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước xuất khẩu dệt may đứng đầu thế giới sau khi gia nhập WTO, tức là khoảng 5,5 tỉ USD, xuất khẩu tăng15% so với năm trước... Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bản tin của Daily Telegraph ngày 11.1 cho biết ông Blankfein, Chủ tịch ngân hàng đầu tư khổng lồ Goldman Sachs đang bay tới Việt Nam để gặp các giới chức Chính phủ và Ngân hàng T.Ư Việt Nam. Những tập đoàn lớn như Citi Group, HSBC, Duch Bank là những tập đoàn rất chuyên nghiệp và họ đã đánh giá là nên bỏ tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam và họ đã làm điều đó rất mạnh mẽ.

Bức tranh toàn cục của chúng ta năm 2006 rất tươi sáng. Có thể nói nhiều và rất nhiều về triển vọng của Việt Nam trong tương lai gần. Vị thế của đất nước đang ở vào một trang mới. Và nói như Tổng thống Mỹ George Bush, sau khi tận mắt nhìn thấy Việt Nam và tiếp xúc với người Việt Nam, từ lãnh đạo cao cấp đến giới dân thường: "Nếu còn trẻ thì tôi sẽ sang kinh doanh ở Việt Nam". Và người phát ngôn của Tổng thống Bush là ông Tony Snow cho biết: "Tổng thống đã bị nơi này cuốn hút, đất nước này thật thú vị".

Việt Nam, một dải đất, một thời điểm, một vận hội...

Có một vị lãnh đạo mà tôi rất ngưỡng mộ. Năm nay ông đã lớn tuổi và trở thành người không còn được minh mẫn nữa. Ở tuổi trên 90, ông từng nói với tôi: "Làm kinh tế khó, rất khó nhưng mọi thứ chúng ta đều tính toán được, nhất là người Việt Nam ta rất thông minh và biết mở lối ra khi tình thế đã hiểm nghèo". Nhưng theo ông, "cái khó nhất trong kháng chiến, trong hòa bình và phát triển và ở mọi thời kỳ có lẽ là công tác Dân vận". Tôi hoàn toàn chia sẻ ý tưởng của ông và ngày càng thấy đúng. Thời điểm chúng ta đang sống: Đầu năm 2007, vị thế Việt Nam đã ở vào điểm rơi rất khác. Một vị lãnh đạo cao cấp của đất nước đã nói với các nhà báo chúng tôi: "Đây là vận nước, lúc này đây trách nhiệm của những người cầm quyền chúng ta thật là nặng nề trước dân, trước Đảng, giữa những cơ hội to lớn và những thử thách cũng không hề nhỏ ở vào thời điểm này của đất nước".

"Việt Nam đang tiến với một tốc độ tốt và đang đuổi kịp thời gian bị mất". Tôi hiểu những mất mát của chúng ta không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế, bỏ lỡ những cơ hội làm ăn phát triển, chúng ta có cả những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại rất phong phú trong các lĩnh vực khác. Chúng ta phải đuổi kịp với mọi thứ đã bị đánh mất để giành lại một vận hội mới cho dân tộc, vị thế mới cho người Việt Nam và đất nước Việt Nam hôm nay.

N.C.K 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.