Câu chuyện 'vi-ta-min-gâu-gâu' sẽ đi về đâu?

03/03/2014 10:10 GMT+7

Tình cờ được biết đến mục Tôi viết của báo Thanh Niên Online , một không gian rất hay, rất thú vị, nơi mà mọi người có thể đặt ra vấn đề và tranh luận đến cùng vấn đề đó.

Tình cờ được biết đến mục Tôi viết của báo Thanh Niên Online, một không gian rất hay, rất thú vị, nơi mà mọi người có thể đặt ra vấn đề và tranh luận đến cùng vấn đề đó. Văn hóa tranh luận, văn hóa phản biện là những tính năng không thể thiếu, rất cần thiết của xã hội hiện đại.

>> Đã đổ máu tức là đau đớn!
>> Tại sao người ta có thể ăn thịt bạn thân của mình?

 
Ăn hay không ăn thịt chó luôn là đề tài thu hút nhiều tranh luận - Ảnh: T.L 

Tôi viết mới ra đời được vài tháng, nhưng đã có nhiều sự việc được đề cập, được tác giả và bạn đọc cùng nhau góp bàn. Người viết bài này là một bạn đọc thường xuyên của chuyên mục, vì thế, xin phép có một nhận xét chủ quan rất riêng của mình rằng, có những tranh luận mở ra những hướng rất sáng, có những tranh luận cho thấy người Việt Nam tự mình “trói mình”, tự mình làm “khổ mình”, cuối cùng chẳng đi về đâu, và câu chuyện “vi-ta-min-gâu-gâu” này cũng thế, chẳng đi về đâu hết cả!

Trước năm 1975, ở các địa phương từ Huế trở vào Nam bộ quán thịt chó hầu như rất hiếm, thế nhưng bây giờ cả nước nở rộ, rất dễ tìm, có nơi còn hình thành cả làng ẩm thực. Già, trẻ, trai, gái đều ăn được, người Bắc, người Trung, người Nam, người đồng bằng, người miền núi đều thưởng thức một cách ngon lành. Điều này chứng tỏ được gì, việc kinh doanh thực phẩm này đem lại lợi nhuận ổn định, là món ăn cực kỳ khoái khẩu và “tín đồ” của nó ngày càng đông, càng đa dạng.

Về quan niệm “ăn thịt chó” này, hãy tạm thời chia thành hai phe, phe ủng hộ và phe phản đối. Không có ý thiên vị phe ủng hộ ăn thịt chó, nhưng thật lòng, xét về phạm trù đạo đức học cũng như yếu tố văn hóa, có vẻ như phe phản đối đuối lý với những luận điểm mơ mơ hồ hồ, khó thuyết phục bằng tư duy duy lý.

Cùng là châu Á, nếu như ở Hồng Kông, Đài Loan thì mọi chuyện thật rõ ràng, luật pháp nơi đó cấm, ai giết chó để bán thịt, làm thực phẩm thì bị phạt tiền, phạt tù. Còn ở Việt Nam luật pháp không cấm, đã thế trong tâm thức người Việt, văn hóa Việt có sự hiện diện của nó, chưa bao giờ bài xích nó, nó có trong văn thơ, nó có trong tranh vẽ. Vì thế, mới nổ ra tranh luận, nhưng rồi tranh luận có gây gắt đến mấy thì cuối cùng ai… xem chó là thú cưng, là bạn thì cứ tiếp tục xem nó là thú cưng, là bạn, ai… “nghiện” thịt chó thì cứ tiếp tục chén cha, chén chú, chén anh, chén chị say sưa, say mê.

Tuy vậy, có một thực tế phải chấp nhận điều này, về phương diện “thương hiệu Việt Nam” nói chung hay “thương hiệu du lịch Việt Nam” nói riêng, chúng ta bị “mất điểm” đối với du khách nước ngoài, nhất là du khách phương Tây về món ăn đặc thù đặc biệt này, nói chính xác hơn là bị mang tiếng xấu. Đơn giản là vì, nền văn minh phương Tây không chấp nhận món “khoái khẩu” này!

Viết đến đây sẽ có bạn đọc lớn tiếng “mặc kệ cái bọn Tây ấy nghĩ gì, họ chẳng là gì hết”, nếu có ai đó “mặc kệ” như vậy thì cũng tùy bạn, quyền của bạn, nhưng hãy bình tĩnh đọc tiếp…

Trung Quốc là một nước lớn, một trong những cái nôi văn hóa của loài người, một cường quốc kinh tế trên thế giới và người dân ở đấy rất thích ăn thịt chó. Thế nhưng ngay tại Olympic 2008, những người đứng đầu Bắc Kinh đã yêu cầu loại thịt chó ra khỏi thực đơn của 112 nhà hàng được lựa chọn để phục vụ thế vận hội nhằm tránh sự tức giận của du khách nước ngoài.

Hàn Quốc, món thịt chó cũng có thể được xem là “quốc hồn, quốc túy” của họ. Nhưng Hàn Quốc là một quốc gia hiện đại văn minh, và sự văn minh được họ thể hiện như thế nào? Người viết đã từng đọc một bản tin “Cho Jindo của Hàn Quốc chứng tỏ sự ưu tú trên trường quốc tế” của KBS, một đơn vị truyền thông quốc doanh của xứ sở kim chi, bản tin có đoạn Một tập đoàn của Hàn Quốc đã cam kết tài trợ cho cuộc thi này trong 20 năm liên tiếp nhằm cải thiện hình ảnh đất nước Hàn Quốc đối với cộng đồng quốc tế, bởi trước đó Hàn Quốc đã bị mang tiếng xấu là nước ‘ăn thịt chó'. Đây là cuộc thi Crufts Show ở Anh, có thể được xem là “Olympic” dành cho loài động vật 4 chân đáng yêu này. Người viết rất thích cái cụm từ “mang tiếng” và “cải thiện” trong bản tin này và cho đó chính là biểu hiện văn minh của người Hàn.

Hai ví dụ trên nhằm đề cập đến xu thế thời đại, xu thế văn minh phương Tây, và thực tế lịch sử nhân loại cận đại đã chứng minh cái xu thế đó là khó chống lại, khó chống đỡ nổi, chỉ có thể thích nghi, góp sức và thụ hưởng những thành quả của nền văn minh ấy. Bài học Thoát Á của Nhật Bản là một minh chứng, một tư duy biết nhìn xa trông rộng, và cũng chỉ với niềm tin ở cái xu hướng ấy, các bạn ở “phe phản đối” mới hy vọng cái sự thật “mang tiếng xấu” kia có ngày sẽ được cải thiện.

Hiện tại bây giờ, việc ăn thịt chó ở nước ta là hiện hữu, được chấp nhận, nhưng những hệ lụy tiêu cực liên quan đến nó cần phải được cải thiện theo xu hướng văn minh.

Trước hết, xin đừng “kỳ thị” người ăn thịt chó, đừng gọi là dân này, đạo nọ. Nhiều bà mẹ cực đoạn đến nổi vì “cái con ấy, cái thằng ấy” ăn thịt chó mà bắt buộc “chúng nó” phải lỡ duyên với nhau…

Đừng nhốt chật cứng những chú chó tội nghiệp kia vào chiếc lồng sắt nhỏ, trông thật phản cảm và có cách nào thật nhân đạo khi giết chúng đi, chúng không hề đau đớn. Nhìn cái cảnh bọn trộm chó, đập chó đem bán… thật man rợ.

Cần bàn đến việc quản lý của nhà nước đối với những nhà hàng thịt chó, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn thịt được cung cấp, chất lượng thịt như thế nào… Nếu có thể, một hình thức trang trại “chó công nghiệp”… để nguồn cung cầu được bảo hòa, khi đó giá thành thịt xuống thấp, nạn trộm chó, đập chó để bán sẽ khó có đất sống. Đau lòng nhất là báo chí lại thường xuyên tường thuật cái cảnh cả làng lao ra đập chết người trộm chó, đốt người, đốt xe…

Những hệ lụy tiêu cực liên quan đến thịt chó vẫn còn đấy, chưa bao giờ có lời giải. Nói như vậy, nhưng các bạn ở “phe phản đối” đừng bao giờ mất hy vọng.

Không nên tranh luận với “những người muôn năm cũ” khi biết rằng họ sẽ không bao giờ thay đổi. Hãy nhìn những bạn trẻ năng động ngày hôm nay, nói tiếng Anh như gió, họ tìm đến những tiệm bán thức ăn nhanh, thích thưởng thức cốc-tai, thuần thục dao nĩa trong các nhà hàng Tây sang trọng và khiêu vũ thật đẹp, thật sành điệu.

Và các bạn trẻ ấy sẽ có chân nghị sĩ trong quốc hội tương lai, một ngày đẹp trời họ sẽ đồng thuận bỏ phiếu “cấm giết, bán thịt chó để làm thực phẩm” như Hồng Kông và Đài Loan, đến khi đó các bạn “phe phản đối” sẽ vỗ tay ca khúc khải hoàn, câu chuyện “vi-ta-min-gâu-gâu” sẽ đi về quá khứ.

Tin vậy đi! Hãy tin vậy đi nhé!

Minh Phước (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là một người viết tự do đang sinh sống ở Đà Nẵng

>> Cảm tính thế, các bạn phản đối ăn thịt chó không thuyết phục được tôi đâu!
>> Thịt chó - từ lò giết mổ đến quán nhậu
>> Hỡi các tín đồ của thịt chó, cứ ăn thoải mái đi!
>> Phản ứng dữ dội lễ hội thịt chó

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.