|
Tại Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bắc Ninh, kết quả cuộc thi thiết kế cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành vượt sông Đuống nối hai huyện Tiên Du và Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) được công bố vào tháng 6 vừa qua kèm theo tổng điểm chấm của hội đồng. Theo đó, thiết kế thắng cuộc có tên Lưỡng long tranh châu hoặc Lưỡng long chầu nhật nguyệt. Cây cầu dây văng này do Công ty TNHH đầu tư VTCO và WSP (Phần Lan) thiết kế, tổng chiều dài gần 1.240 m, rộng 22 m với 4 làn xe ô tô. Vị trí cầu cách lăng Kinh Dương Vương khoảng 500 m về phía thượng lưu.
Theo thuyết minh dự thi, cầu được thiết kế dựa trên ý tưởng Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có đền thờ Kinh Dương Vương, thủy tổ của người Việt, là cha của Lạc Long Quân. Nó cũng dựa trên việc phía bắc sông Đuống có chùa Phật Tích, một trong những công trình Phật giáo đầu tiên của VN. Ngoài ra, phương án còn dựa trên việc Bắc Ninh là quê của Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng nhà Lý, gắn với hình ảnh rồng bay lên. Chính vì thế, theo thuyết minh, cầu có 5 vòm chịu lực mang hình tượng cặp rồng thời Lý, thân rồng cuộn hình chữ S mềm mại, uyển chuyển vờn trên sóng nước. Giữa đỉnh vòm là đầu cặp rồng cất cao, đối xứng qua hòn ngọc, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mỗi thân rồng có 12 vây tượng trưng cho 12 tháng mưa thuận gió hòa trong năm. Các trụ cầu khoét lỗ vòm có hình tượng chân rồng 3 móng. Cổng chào được thiết kế cách điệu với hình tượng rồng Lý trên phiến đá đặt hai đầu cầu.
Ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT tỉnh, Chủ tịch Hội đồng giám khảo thi tuyển, cho biết hình tượng kiến trúc của cầu trong thiết kế này vừa mang đậm nét văn hóa, lịch sử, tôn giáo địa phương, đồng thời cũng rất hiện đại.
Bản sao vụng về
|
KTS Trần Huy Ánh, Viện Kiến trúc quốc gia, cho biết các KTS không xa lạ gì với cây cầu Juscelino Kubitschek. Cầu được hoàn thành năm 2002 và là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của Brasilia - thủ đô Brazil. Chính vì thế, thiết kế cầu Lưỡng long tranh châu cùng với việc thêm thắt một số chi tiết đã cho thấy đó là một bản sao vụng về. “Bản thiết kế không sao chép 100% mà chắp thêm 2 nhịp hai bên thành 5 nhịp, nên trông bị nhỡ nhàng, lỗi nhịp”, ông Ánh phân tích.
Đổ tiền bắt chước có đáng không ?
Họa sĩ cũng là người nghiên cứu văn hóa truyền thống Lê Thiết Cương cho biết: “Nhìn là thấy ăn cắp ý tưởng rồi. Thế đã không được rồi, cần gì bàn nữa”. Nhưng có lẽ, câu chuyện của cây cầu này không chỉ dừng lại ở việc bắt chước. Nó còn đặt ra những câu hỏi lớn hơn về việc vì sao thiết kế này được lựa chọn.
“Nếu xem thì sẽ thấy cái trụ cắm xuống phải bổ ra làm nhiều trụ để đỡ thân cầu, vừa đỡ chính nó thay vì chỉ cần đỡ thân cầu. Hai nữa là cái xây đường cong bằng bê tông mà bê tông vượt khẩu độ như thế thì tốn kém vô cùng. Chúng tôi ngồi với người chuyên làm kết cấu thì thấy rằng nó phải tốn kém gấp đôi. Như thế để thấy phương án đó không tối ưu cả về kiến trúc lẫn kết cấu”, ông Trung nói. Ông Trung dẫn chứng cầu Cần Thơ có trụ bổ xuống thẳng thì đỡ được cả thân cầu, như thế kết cấu tốt hơn và chi phí đỡ tốn kém hơn.
KTS Trần Huy Ánh nhắc tới lịch sử của cây cầu gốc Juscelino Kubitschek nổi tiếng. Nó được xây do chủ trương có một thủ đô hiện đại của tổng thống nước này hồi 1955. Nhiều công trình trong đó có cây cầu đã xác lập phong cách kiến trúc đáng ghi nhận đó. Nhưng thủ đô cũng trở thành biểu tượng của sự lãng phí. Sau khi xây dựng, thành phố vắng vẻ và phải gần 20 năm sau dân số mới tăng lên gần 1 triệu người. “Để xây dựng nó, chính phủ đầu tư hàng tỉ USD, vay nợ triền miên, hy sinh phúc lợi xã hội của đất nước, gia tăng phân hóa giàu nghèo”, ông Ánh cho biết.
Ông Trung cũng có những liên tưởng tương tự với câu chuyện của cây cầu Juscelino Kubitschek. Đó là cây cầu nổi tiếng không chỉ vì vẻ đẹp duy mỹ mà còn cả về sự tốn kém khi xây dựng. “Khi xây cầu có tên vị tổng thống này, người ta chỉ tính đến việc sao cho nó thật vĩ đại, thật kinh khủng. Thế bây giờ chúng ta lại đang cần một thứ vĩ đại, thật kinh khủng, thật tốn kém à. Có đáng để tốn kém không? Đổ một đống tiền để bắt chước thì có đáng không?”, ông Trung đặt câu hỏi.
Bình luận (0)