Mừng bạn nhà có thêm cháu ngoại. Ngắm nhìn bé đang say ngủ trong chiếc nôi đong đưa nhè nhẹ, ngạc nhiên nhìn kỹ, hóa ra nôi được ru tự động bằng cái mô tơ điện gắn ở đầu nôi. Đúng là các cháu thời @ có khác, ngày xưa muốn ru nôi, phải đưa bằng tay đến... mệt cả người. Chưa hết, bên cạnh chiếc nôi, còn để cái đầu đĩa, đang phát ra những bản nhạc thiếu nhi vui nhộn. Bạn buông mùng cho cháu, và kéo tay tôi đến ghế ngồi. Câu chuyện bỗng xoay quanh việc chăm sóc trẻ con và ru... con ngủ!
Ngày xưa khi chúng tôi còn bé, mẹ rồi chị, rồi bà... cơ cực vất vả lắm. Ẵm bồng, bú mớm rồi ru cho ngủ. Cái nôi, cái võng kẽo kẹt đong đưa nhờ vào bàn tay của mẹ, lắm khi mỏi tay vẫn không rời tao võng, tao nôi, bởi sợ con bị đánh thức nửa chừng. Bận bịu công việc thì… cột một sợi dây từ võng, vừa làm vừa kéo dây, có khi kẹp vào hai ngón chân để đưa. Nhưng muốn dỗ con, cháu ngủ thì phải hát ru, tức “À ơi ơi à...” hoặc “Ầu ơ, ví dầu...”. Trẻ thơ được thả hồn mình vào lời ru của mẹ, của chị hay của bà mà say sưa ngủ, và khi lớn lên, câu hát ru xưa tự trong tiềm thức bất chợt trở về, khiến ta cứ bồi hồi mãi không thôi...
Bạn và tôi, tôi và bạn đắm chìm vào những câu hát ru xưa ví như “Ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học mẹ đi trường đời...”, có những câu ca tụng lòng yêu nước, chí khí anh hùng của tiền nhân như “À ơi, ơi à... Con ơi con ngủ cho ngoan/Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/Muốn coi lên núi mà coi/Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng...”, nhiều câu là tính nhân nghĩa, thủy chung, hoặc trách cứ nghe nao cả lòng “Chàng ơi phụ thiếp làm chi/Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng…” hay “Ví dầu tình bậu muốn thôi/Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra...”, hoặc như “Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”... Khoan hãy bàn đến tính “giáo dục” của bài ca dao bất chợt người mẹ hát ru con ngủ, nhưng những đêm xa nhà, trằn trọc khó ngủ, nghe tiếng võng nhà ai kẽo kẹt, lời ru con khê nồng trong đêm mới thấy hết “mẫu tử tình thâm”, chợt nhắc ta nhớ mẹ, nhớ nhà đến da diết.
Chợt hỏi con gái của bạn: “Con có thuộc bài hát ru con nào không?”, cháu đỏ mặt cười trừ, tay chỉ vào cái đầu đĩa. Bạn lắc đầu ngồi trầm ngâm. Bỗng nhớ ra lâu thật lâu rồi, tôi không còn nghe ai hát ru con như ngày xưa nữa. Nếu có chỉ là hát... tân nhạc theo các điệu bolero mà ru con. Đâu rồi những câu hát ru hời ngày xưa? Tôi chợt hỏi, lòng chùng lại như sợi dây đàn vừa lỏng phím...
Trần Hoàng Vy
Bình luận (0)