Câu hỏi về giá xăng

07/07/2011 00:52 GMT+7

Giá xăng Ron92 bình quân tháng 6.2011 do Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhập từ Singapore đã giảm gần 8% so với tháng 4.2011, nhưng từ đó đến nay vì sao giá bán lẻ chưa giảm, dù mức thuế nhập khẩu vẫn đang ở mức 0%?

Kể từ đầu năm 2011 đến nay giá bán lẻ xăng Ron 92 tăng 2 lần, gần đây nhất là từ mức 16.400 đồng/lít ngày 24.2 lên 21.300 đồng ngày 29.3 (tương đương 28,4%).

 

Hàng loạt chi phí giảm mạnh, nhưng các DN kinh doanh xăng dầu vẫn chưa chịu giảm giá - Ảnh: Ngọc Thắng 

Chi phí đầu vào giảm rất mạnh

Kể từ giữa tháng 1.2011, để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu tránh bị thua lỗ, nhà nước phải chấp nhận giảm thu ngân sách, đưa thuế nhập khẩu xăng và diesel xuống 0%. Từ 24.2 cũng giảm thuế nhập khẩu 0% đối với dầu mazut và dầu hỏa. Bộ Tài chính cho biết, ngân sách nhà nước đã thất thu 10.000 tỉ đồng, còn người tiêu dùng cũng phải chia sẻ khi giá xăng tăng 2 lần thêm 28,4%.

Thế nhưng, kể từ tháng 4 đến hết tháng 6, theo số liệu của Petrolimex, bình quân 2 tháng qua giá xăng RON 92 nhập khẩu của công ty này đã giảm gần 8% (tháng 5 giảm 1,27%, tháng 6 giảm 6,63%), hàng loạt những chi phí đầu vào của DN giảm rất mạnh như thuế nhập khẩu xăng vẫn được duy trì ở mức 0%, tỷ giá theo Tổng cục Thống kê từ tháng 4 đến tháng 6 giảm hơn gần 2%, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít được Bộ Tài chính loại khỏi chi phí đầu vào... và chỉ có duy nhất một yếu tố kéo chi phí tăng là DN phải trích quỹ 100 đồng/lít xăng. Dù vậy giá xăng bán lẻ vẫn đứng ở mức 21.300 đồng/lít.

''Đây là cách hành xử rất ích kỷ của DN khi mà nhà nước đã không đánh thuế nhập khẩu xăng, còn người dân đã phải gánh chịu 2 lần tăng giá rất mạnh'' - Một chuyên gia

Đặc biệt, tại một cuộc họp vào đầu tháng 6.2011, khi giá nhập khẩu dầu tháng 5 bắt đầu giảm 7,78% so với tháng 4, lãnh đạo của Petrolimex cho biết Petrolimex và một số DN khác bắt đầu có lãi, nhất là mặt hàng dầu lãi khá lớn. Trong tháng này, việc chưa giảm giá dầu do Bộ Tài chính đã ưu tiên việc tăng thuế nhập dầu từ 0% lên mức 5%. Trong tháng 6 này, khi giá xăng nhập khẩu đã giảm tới gần 8%, vẫn chưa thấy DN nào lên tiếng, và kể cả liên Bộ Tài chính - Công thương.

Ngày càng thiếu minh bạch

Trao đổi với Thanh Niên, bà Đàm Thị Huyền - Phó TGĐ Petrolimex cho rằng, đến ngày 6.7, toàn bộ 42 công ty trong hệ thống vẫn còn đang tổng hợp số liệu, đến 31.7 mới biết lỗ hay lãi. Việc tăng hay giảm giá xăng, theo bà Huyền không thuộc quyền của DN kể từ tháng 8.2010 đến nay, vì hoàn toàn do nhà nước điều hành.

Còn khi được hỏi, một lãnh đạo của SaigonPetro úp mở: “Giá xăng dầu thế giới có giảm thật, nhưng chúng tôi vẫn chưa có lãi vì phải trích quỹ 100 đồng/lít. Phải trả hoa hồng đại lý lên tới 800 đồng/lít xăng, 900 đồng/lít dầu, rồi hàng loạt các chi phí khác”. Theo lãnh đạo này, nếu không phải chạy đua hoa hồng quá cao theo các DN khác, thì SaigonPetro cũng có lãi vài trăm đồng/lít xăng.

Một chuyên gia phân tích, khi giá xăng nhập khẩu RON 92 từ Singapore tăng 15,72% thì giá xăng trong nước tăng tới 28,4%. Nhưng khi giá xăng giảm gần 8% thì không thấy DN nào có ý kiến gì dù không bị đánh thuế nhập khẩu, trong khi các nước khác mức thuế này phải lên tới hơn 20-30%. “Đây là cách hành xử rất ích kỷ của DN khi mà nhà nước đã không đánh thuế nhập khẩu xăng, còn người dân đã phải gánh chịu 2 lần tăng giá rất mạnh” - chuyên gia này phê phán.

Thực tế đáng buồn là giá xăng càng ngày càng trở nên thiếu minh bạch hơn trước. Theo anh Hoàng Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), hiện không có bất kỳ DN nào công bố giá cơ sở để người dân được so sánh với mức giá bán lẻ. “Trước kia, Petrolimex có công bố giá cơ sở nhưng kể từ 29.3 tới nay tôi không thấy bất cứ một bản so sánh nào như thế nữa” - anh nói.

Trả lời câu hỏi trên, bà Đàm Thị Huyền cho rằng Petrolimex không có gì mờ ám để không thể công bố giá cơ sở. Lý do Petrolimex dừng công bố từ 29.3 do hệ thống website đang được thiết kế lại phù hợp với lộ trình thay đổi nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, theo bà Huyền, từ tháng 8.2010 đến nay, giá xăng dầu hoàn toàn do nhà nước điều hành chứ không phải DN, nên việc công bố giá cơ sở theo bà Huyền là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về tài chính, nếu DN buộc phải liệt kê chi phí trong mức giá cơ sở: tỷ giá, lợi nhuận định mức, thuế, giá CIF... chẳng khác gì vạch áo cho người xem lưng. Vì căn cứ vào đó, người tiêu dùng có thể biết DN đang lỗ hay lãi bao nhiêu, hiệu quả kinh doanh như thế nào. Nhưng hiện tại vì không DN nào công bố nên rất khó để biết được mức giá bán lẻ hiện tại có hợp lý hay không. Chuyên gia này đề xuất, chừng nào DN chưa cổ phần hóa để bắt buộc phải công bố thông tin trên theo Luật DN, nhà nước nên có cơ chế buộc DN phải công bố vì giá xăng là mặt hàng thiết yếu, có tác động lan tỏa rộng trong xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi của tất cả người dân.

Giảm được giá xăng dầu sẽ có tác động giảm được CPI

Từ đầu năm nay, những biến động mạnh ở khu vực Trung Đông khiến cho giá dầu tăng nhanh. Điều đó tác động đến giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao và Việt Nam là một trong những nước bị tác động nhiều nhất vì nhập siêu lớn và phải nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu. Có thể nói giá xăng dầu đang chiếm tỷ trọng cao trong giá thành các sản phẩm tại Việt Nam.

Nhìn lại đỉnh cao của chỉ số CPI của Việt Nam vào tháng 4 vừa qua trong đó có tác nhân cực lớn chính là do giá xăng dầu được điều chỉnh trước đó. Vì vậy nếu hiện nay giảm được giá xăng dầu sẽ có tác động ngay đến việc làm giảm được CPI theo như mong muốn. Điều quan trọng nhất là cơ chế quản lý xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa "nhịp nhàng" vì khi giá dầu thế giới tăng thì tăng nhanh mà khi giảm thì giá trong nước lại không giảm theo. Vì vậy cần phải điều chỉnh ngay ở cơ chế quản lý này để giá xăng dầu sẽ dần dần tiệm cận với giá thị trường.

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)

(M.Phương - ghi)

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.