TNO

Câu mực đêm trên vịnh Hạ Long

21/06/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Con tàu neo giữa đại dương, vừa hạ chiếc cần câu mực vừa nghe những chuyện bí ẩn...

(iHay) Câu mực đêm trên biển trong những ngày không có trăng sáng, lưỡi câu là những móc ghim giống như hình con tôm, dưới ánh sáng đèn pha, những chú mực tưởng những chiếc móc câu là con tôm và ngoan ngoãn đớp mồi.

>> Khám phá cung đường bao biển đẹp nhất Hạ Long


Câu mực vào những đêm biển không trăng
 

Câu cá không xa lạ với nhiều người, chỉ cần một chiếc cần câu tre và ít vụn mồi, tuy nhiên, câu mực là một trải nghiệm tuyệt vời khác mà nhiều người không muốn bỏ lỡ khi đến vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Sau bữa cơm tối, tất cả hành khách trên chuyến tàu lưu trú đêm trên vịnh háo hức chờ đợi màn câu mực được giới thiệu rất hấp dẫn.

Cần câu mực thì làm bằng tre cứng không cần phải có độ dẻo hoặc uốn cong như cần câu cá. Lưỡi câu mực lại càng khác hơn, nó có hình dáng như một con tôm, giống như một loại mồi giả vậy. Đặc biệt câu mực không cần mồi chỉ cần bật đèn cao áp với ánh sáng trắng để thu hút những chú mực đến mạn tàu.


Lưỡi câu mực được thiết kế đặc biệt, như một chú tôm giả 

Bồng bềnh giữa biển đêm

Chúng tôi đặt lưỡi câu xuống biển, sâu dưới mặt nước từ 30 - 50 cm. Thích thú vô cùng khi quan sát những chiếc lưỡi câu chuyển động dưới mặt nước, chúng giống hệt những con tôm đang bơi lội.

Đó là lý do vì sao câu mực không cần mồi. Những chú mực háu đói sẽ tưởng đó là những con tôm nên xông vào bắt. Người câu cứ thế là nhẹ nhàng nhấc chiếc cần câu lên.


Thả cần câu xuống biển và hồi hộp chờ đợi
 


Trần Văn Doanh, năm nay 28 tuổi, nhà ở Đại Yên (Hạ Long) theo bố mẹ làm nghề chài lưới trên sông Cửa Lục từ năm 7 tuổi nói với chúng tôi, thời gian câu mực tốt nhất là vào những đêm không trăng. Khi có ánh trăng sáng, con mực có thể nhìn thấy đường để đi săn mồi và không tập trung lại những nơi có ánh đèn nữa. Thế thì việc người câu tập trung soi đèn cao áp để bắt chúng chỉ là vô ích.

Anh Doanh cũng nhắc đi nhắc lại với chúng tôi rằng không phải tất cả loại mực đều ham mồi. Những chú mực mà du khách có thể câu được là những chú mực ống. Mực mai hoặc mực sim không thích kiểu “mồi giả tôm”, nên khó mà bắt được.

Mực ống trên vịnh Hạ Long không to vì đây là vùng nước nông. Những con mực chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay chập lại hoặc may mắn lắm với một tay mới đi câu là túm được một vài chú mực to hơn, cỡ ống tre lớn.

 
Con mực thấy ánh sáng từ đèn cao áp thì chạy đến, đớp câu và trúng bẫy, lúc này chỉ việc kéo mực lên

Đêm tĩnh lặng. Mặt biển gió mát lộng. Chúng tôi hồi hộp và reo hò ầm ĩ với những chiến lợi phẩm đầu tiên bắt được. Câu chuyện trong lúc chờ đợi mực cắn câu xoanh quanh việc câu mực của ngư dân chuyên nghiệp.

Hùng, một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm kể chúng tôi nghe về chuyện của những người ngư dân trước đây thường câu mực bằng phương pháp truyền thống là dùng đèn măng xông, vợt lưới và một tấm bóng kính màu đỏ hoặc một chiếc chậu màu đỏ.

Mực thường kiếm ăn theo đàn dưới ánh đèn. Ngư dân chỉ cần bọc đèn bằng chiếc giấy bóng kính màu đỏ hoặc để chiếc chậu nhựa màu đỏ dưới ánh đèn để cho ánh sáng phát ra có màu đỏ. Khi nhìn thấy ánh đèn màu đỏ những con mực sẽ không nhìn thấy gì nữa và đứng yên một chỗ, lúc ấy người đánh mực chỉ cần cầm chiếc vợt lên và xúc mực dễ dàng. Ngư dân chỉ cần lấy vợt và xúc chúng lên. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ.

Ngày nay những chiếc tàu câu mực đều được trang bị thiết bị hiện đại, những bình ắc quy khổng lồ và cả dàn hệ thống đèn cao áp để đánh mực ban đêm. Ánh sáng của những bóng đèn cao áp này sáng gấp nhiều lần so với đèn măng xông và không cần dùng ánh đèn đỏ nữa.

Ngư dân chỉ cần thắp bóng đèn quanh thuyền và giăng lưới. Một khi đã vào trong lưới thì hiếm có con mực nào chạy thoát được.


Thích thú khi một chú mực ống dính câu
 

Thế nhưng với chúng tôi, những du khách nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, mực cắn câu nhiều hay ít chẳng còn quan trọng nữa. Những trải nghiệm trên mặt vịnh vào buổi tối còn thú vị hơn gấp trăm lần.

Gió mát rượi, biển đêm lấp lóa. Con tàu neo giữa đại dương. Vừa hạ chiếc cần câu mực vừa nghe những chuyện bí ẩn của biển mà chỉ những ngư dân sống bao đời ở Quảng Ninh mới có thể chia sẻ.

 

Người câu mực như chúng tôi rèn luyện được cả sự kiên nhẫn. Cầm chắc chiếc cần câu. Mắt nhìn chiếc lưỡi câu dập dờn trên mặt nước. Thế rồi hồi hộp đến thót tim khi thấy một con mực dính lưỡi câu.

Câu mực cũng như câu cá, phải có duyên. Đó là lý do vì sao tôi đợi mãi không được con mực nào trong khi chỉ với một chiếc cần câu, Quang, bạn tôi đã được gần chục con mực tươi roi rói, có chú mực nhấc lên miệng vẫn còn đang phun nước. 

Mực ống hấp, luộc, chiên, xào đều ngon, nếu chúng tươi. Và chúng tôi quyết định chọn cách nướng thành quả của mình trong lò vi sóng. Mực đem đi rửa sạch, cho thêm muối, bột nêm, hạt tiêu và quấn chặt giấy bạc, sau đó đem bỏ vào lò vi sóng.

Mấy anh bạn nước ngoài đi cùng chúng tôi muốn trải nghiệm khẩu vị lạ. Họ rửa mực sạch, cắt con mực ra thành từng thớ. Sau đó vắt chanh vào rồi ăn với xì dầu trộn mù tạc. Vị giòn, ngọt lừ của mực tươi cộng với vị cay nồng xộc lên tận mũi của xì dầu cho người ăn cảm giác không thể nào quên về món mực tươi vừa câu từ mặt biển.

Có ai đó nói với tôi, “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Tôi chẳng biết gọi tên cảm xúc gì của mình với Hạ Long, thành phố tôi đã được sinh ra và lớn lên.

Mỗi ngày tôi khám phá ra người tình duyên dáng này còn có một bí ẩn khác, nằm ngoài hang động, nằm ngoài những con tàu sơn trắng, những đàn cá bơi dưới làn nước xanh, những chú mực lấp lánh trong một đêm biển không trăng. Yêu một vùng đất nào đó bằng cả tâm hồn, chắc bạn sẽ thấy nó đẹp, kể cả trong dông bão.

 Thúy Hằng


>> Đến Hạ Long xem carnaval
>> Đặc sản' cá lưới cước ở Hạ Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.