Theo lời kể của các cụ già trong làng (xóm Chay), trước đây trong làng có tất cả 6 cây, thường trổ hoa vào mùa hè, nhưng nay chỉ còn lại một cây này. Trước đình làng xây dựng từ 300 năm trước cũng có hai cây, nhưng sau đã bị chiến tranh tàn phá. Cây mai trắng này có hoa thơm thoang thoảng, cánh mai dày có màu trắng sữa, nhụy xanh tím sau một tuần lại chuyển qua trắng và kéo dài cả tháng. Khi trổ hoa, do cây ít lá nên từ xa trông như một đám mây bềnh bồng. Nhiều gia đình từng nhặt hạt về ươm, hoặc nhặt một đoạn rễ về giâm, nhưng rất khó ra hoa. Hiện cây mai cao khoảng 5 mét, đường kính chỗ lớn nhất ở gốc gần 20 cm, dáng đẹp thanh thoát.
Ông Nguyễn Hữu Khanh, người am hiểu nhiều chuyện xưa ở địa phương cho biết, theo lời kể của những cụ già cách đây hơn 30 năm (tức nay nếu còn sống họ đã trên 100 tuổi) thì lúc các cụ ấy còn nhỏ cây mai đã có độ cao và thân gốc như vậy rồi. Ông Khanh căn cứ vào lời kể đó cho rằng: như vậy cây mai này ít nhất cũng có tuổi thọ gần vài thế kỷ! Một điều đặc biệt là có những năm cây mai này trổ hai lần hoa. Lần thứ hai vào mùa thu. Những năm nào mai ra hoa hai lần như vậy thì năm đó thế nào cũng có thiên tai. Các năm 1964, 1999, 2000 rồi 2006 vừa qua có mưa bão lớn ở Quảng Nam và những năm ấy cây mai này đều ra hoa 2 lần.
Được biết ở Việt Nam hiện nay có loài mai trắng. Hoa mai trắng có tên khoa học là Prunus mume sieb et zuce cùng họ với mận và đào. Mai trắng còn được gọi là "chi mai". Do cùng họ với đào nên về cơ bản mai trắng giống đào từ khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai, cho đến đặc tính sinh trưởng và thời gian ra hoa. Hoa mai trắng nhỏ, cây nhỏ, hoa nhỏ. Hoa lúc đầu mới nở có màu đỏ hồng, sau đó chuyển sang màu trắng, có mùi thơm nhưng khó nhận thấy. Tuy không được phổ biến như đào nhưng hoa mai trắng lại mang ý nghĩa cao quý hơn hoa đào, nó là một trong 4 loài cây đại diện cho sự tôn nghiêm, thanh cao của nghệ thuật. Tuy nhiên cây mai trắng như chúng tôi tận mắt nhìn thấy ở xã Điện Thắng Trung có những điểm khác biệt với mô tả trên đây, trong đó quan trọng nhất là nó không có ở những làng chung quanh và có sự "tương ứng" khá độc đáo với thời tiết như những lời kể lại. Do vậy, rất cần được các nhà chuyên môn đến nghiên cứu để xác định tính độc đáo của nó và có phương án bảo tồn.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Sa
Bình luận (0)