Có những quy định hết sức vô lý và không cần thiết về đồng phục từ quần áo đến cặp sách, bút, mực... ai cũng thấy nhưng rồi năm này qua năm khác vẫn tiếp tục.
Vậy điều gì khiến những bất hợp lý này vẫn tồn tại suốt nhiều năm qua ở học đường?
Ai cũng biết đồng phục học sinh chỉ yêu cầu giản dị, sạch sẽ nên cần quy định một vài màu, kiểu dáng phổ biến và phụ huynh có thể mua ở bất kỳ cửa hàng nào - như nhiều nước khác vẫn làm. Ai cũng hiểu chỉ cần học sinh có đủ dụng cụ học tập chứ đâu nhất thiết phải bút này, tập nọ giống nhau cả trường, cả lớp thì mới học tốt.
Cũng tương tự như vậy, nhiều phụ huynh thấy bữa ăn của con ở trường hoàn toàn không đúng với giá trị số tiền mình phải đóng nhưng đành xem “coi như bỏ bữa ăn trưa” để con có chỗ học bán trú. Phụ huynh cũng biết cần phải từ chối với vô số các khóa học, chương trình, sản phẩm... của các đơn vị mà nhà trường giới thiệu nhưng lại ngần ngại. Thế nhưng, phụ huynh không được quyền quyết định. Lãnh đạo các trường là người quyết định nhưng lại bị chi phối vì những lợi ích khác nên nhiều khi không đặt quyền lợi của học sinh lên trên.
Nguyên hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM nói với Thanh Niên rằng các khoản thu từ đồng phục, văn phòng phẩm... đều là sự thỏa thuận giữa ban giám hiệu và nhà cung cấp. “Hoa hồng, chiết khấu là chuyện đương nhiên và việc sử dụng khoản thu này như thế nào là tùy từng trường”, vị này nhìn nhận. Những khoản “hoa hồng” này, nói một cách sòng phẳng là rút từ học sinh - người lẽ ra cần phải được nhà trường xem là “trung tâm” như mục tiêu nền giáo dục hướng tới. Vì nếu quan tâm đến học sinh, chắc chắn lãnh đạo các trường sẽ biết nói không với những quy định vô lý về các loại đồng phục hoặc các khoản khác. Nói công bằng thì vẫn có lãnh đạo nhiều trường biết nghĩ đến người học, ngại ngùng khi phải thu thêm khoản này, khoản khác. Nhưng những trường hợp như vậy không nhiều để lấn át câu chuyện “hoa hồng” đã trở nên quá phổ biến.
Mấy hôm nay dư luận đã cay đắng như thế nào trước thông tin liên quan đến vụ án buôn thuốc ung thư giả cũng chỉ vì “hoa hồng”. Trong môi trường giáo dục, chuyện chiết khấu, “hoa hồng” cũng đã không còn xa lạ. Ở đâu thì còn châm chước chứ y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực liên quan mật thiết đến con người và vì con người nhất thì khó lòng chấp nhận cái suy nghĩ vì đồng tiền mà bỏ qua lợi ích của bệnh nhân hay người học. Chưa kể, trong mối tương quan giữa bác sĩ/giáo viên và bệnh nhân/học sinh thì đối tượng sau thuộc vào loại “yếu thế”. Họ cần được yêu thương, bảo vệ, chở che hơn là bị lợi dụng để tận thu.
Bình luận (0)