Cây bị bọng gốc, mục rễ
Mặc dù từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP.HCM chăm sóc, tỉa cành, chặt nhánh nhằm tránh việc cây ngã, gãy gây thiệt hại cho người dân trong mưa bão, tuy nhiên, cơn gió mạnh vào chiều 30.7 vừa qua làm hàng loạt cây đại thụ trên địa bàn TP đã bật gốc. Qua quan sát và ghi nhận của PV Thanh Niên cũng như phản ánh của người dân thì trong số nhiều cây đại thụ bị ngã trong chiều 30.7, một số cây có dấu hiệu bị bọng gốc, mục rễ.
|
Trả lời câu hỏi, ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cây xanh TP.HCM (gọi tắt là công ty cây xanh), cho biết: “Chuyện cây đổ, gãy cành, tét nhánh trong gió lốc, mưa bão là chuyện bình thường. Không ai có thể ngăn cản được điều này”. Còn các cây đại thụ vì sao bật gốc, dù đã được kiểm tra, chăm sóc thường xuyên? Theo ông Hà, cơn gió giật chiều ngày 30.7 là quá mạnh, sự bật gốc của các cây đại thụ là do sức gió chứ không phải do cây hay công tác chăm sóc cây có vấn đề.
Hiểm họa lơ lửng
Đã có 120 cây xanh bị gãy, đổ trên địa bàn TP.HCM vào chiều 30.7, trong đó, một nửa bị trốc gốc với nhiều cây đại thụ, số còn lại bị tước nhánh, gãy cành. Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng đã có thiệt hại về tài sản của người dân. Đây là đợt gãy đổ cây xanh nặng nề nhất từ đầu năm đến nay. |
Theo ông Trần Thiện Hà thì quy trình, thủ tục cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn TP phải tuân thủ các quy định của TP và T.Ư. Có điều, kế hoạch trồng cây gì, loại cây gì, số lượng bao nhiêu, khu vực nào và kể cả chi phí... là do Sở GTVT TP và các khu quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT - gồm 4 khu) quyết định. Công ty cây xanh chỉ là đơn vị thừa hành và thực hiện. Có nhiều trường hợp, khu QLGTĐT này yêu cầu trồng cây kiểu này, các khu khác thì yêu cầu trồng kiểu khác, không có sự nhất quán. Trong khi đó, theo Quyết định 199, cây xanh trồng trên đường phố phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: cây tiểu mộc có chiều cao tối thiểu từ 1,5m trở lên, đường kính cổ rễ từ 5 cm trở lên; đối với cây trung mộc và đại mộc có chiều cao tối thiểu 3m trở lên, đường kính cổ rễ từ 6 cm trở lên. Cây đưa ra trồng nơi khác có chiều cao từ 2m trở lên, đường kính cổ rễ từ 3 cm trở lên.
Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 15m. Các tuyến đường hẹp có vỉa hè rộng từ 3-5m chỉ được trồng các loại cây khi trưởng thành có độ cao tối đa khoảng 12m. Tùy theo chủng loại, khoảng cách các cây trồng trên đường phố có thể từ 7m đến 10m.
Về quy trình thủ tục, ông Hà cho rằng để đốn hạ một cây xanh trong trường hợp cây bị thối rễ, mục thân, rễ yếu không phải là chuyện đơn giản. Trước hết công ty cây xanh phải có văn bản gửi khu QLGTĐT để xin ý kiến. Sau đó, khu này cùng công ty cây xanh tiến hành xác minh, xử lý theo thủ tục. Thậm chí, trong trường hợp khẩn cấp, cây xanh đã gãy đổ cũng chưa có quy định rõ ràng về việc giao cho đơn vị nào chịu trách nhiệm giải quyết.
Trả lời câu hỏi tại sao không phát hiện được cây cần phải đốn hạ, để không gây ảnh hưởng đến tính mạng người dân, ông Hà cho rằng hiện chúng ta chưa có kỹ thuật hiện đại để phát hiện cây bị mục, bị thối rễ… mà chủ yếu qua quan sát bằng mắt thường cộng với kinh nghiệm của nhân viên.
“Khi phát hiện cây xanh gãy đổ, gây hại, người dân nên nhanh chóng gọi đến đường dây nóng của công ty cây xanh số điện thoại 08.39 55 77 55 hoặc 08 39 351 351 để báo. Hiện nay chưa có quy định cụ thể phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cơ quan nào. Công ty cây xanh không có trách nhiệm bồi thường, nhưng cũng có thể xem xét tùy thuộc vào mức thiệt hại và khả năng mà công ty sẽ có hướng hỗ trợ cho người dân” - ông Trần Thiện Hà - Giám đốc Công ty TNHH MTV cây xanh - nói.
Nói như vậy, mùa mưa năm nay, nỗi lo từ hiểm họa cây xanh gãy đổ vẫn còn treo lơ lửng trên đầu người dân TP. Và nếu cây gãy đổ gây thiệt hại về vật chất, thậm chí là tính mạng thì người dân vẫn phải tự lo.
Thanh Đông - Hải Nam
Bình luận (0)