Cây mãng cầu gai hiệu quả trên đất Long Mỹ

Quang Minh Nhật
Quang Minh Nhật
28/04/2023 09:26 GMT+7

H.Long Mỹ (Hậu Giang) bị ảnh hưởng bởi phèn, mặn, song ở nơi vùng đất khó này cây mãng cầu gai đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.

Huyện Long Mỹ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 22.806 ha, trong đó diện tích trồng cây (khóm, mãng cầu gai, bưởi…) khoảng 4.045 ha.

Cây – hiệu quả trên đất Long Mỹ - Ảnh 1.

Ông Trần Chí Hùng (thứ 2 từ trái qua) tham quan mô hình cây mãng cầu gai

Ảnh: Đoàn Thái

10 năm trước cây mãng cầu gai (mãng cầu xiêm) đã được trồng ở H.Long Mỹ, tuy nhiên diện tích chỉ nhỏ lẻ. Mãng cầu gai được trồng chủ yếu là cây ghép (ghép trên gốc bình bát) để tận dụng các đặc tính tốt (chịu phèn, mặn, ngập, khô hạn) của cây gốc ghép.

Cây mãng cầu gai không ngừng tăng lên về diện tích, cụ thể năm 2023 đã đạt hơn 176,2 ha, tăng 97,6 ha so với năm 2016. Với năng suất cao (20 - 30 tấn/ha) nông dân trồng mãng cầu gai thu lợi nhuận từ 167 - 256 triệu đồng/ha/năm (gấp 3,3 đến 5,1 lần lợi nhuận so với trồng lúa 2 vụ/năm). Song song với việc định hướng cho nông dân chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu gai, cơ quan chức năng ở H.Long Mỹ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển cây mãng cầu gai theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị. Cụ thể, năm 2017, Hợp tác xã mãng cầu gai Thuận Hòa (ấp 2, xã Thuận Hòa) được thành lập để hình thành liên kết sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa lớn. Năm 2021, HĐND H.Long Mỹ ban hành Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 12/3/2021 về đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu H.Long Mỹ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó mãng cầu gai được xem là 1 trong 4 cây trồng chủ lực.

Theo Phòng NN-PTNT H.Long Mỹ, hằng năm bằng các nguồn (vốn sự nghiệp, vốn từ các chương trình, đề án, dự án khác) H.Long Mỹ đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân sản xuất mãng cầu gai có thu nhập cao, ổn định. Riêng giai đoạn 2021 - 2022, H.Long Mỹ đã thực hiện mô hình trồng mãng cầu gai thuộc dự án "Xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé". Nông dân tham gia được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới, nhà kho chứa vật tư nông nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác; huấn luyện, đào tạo sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mô hình này đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, lợi nhuận đạt 342 triệu đồng/ha, tăng cao hơn 49,5 triệu đồng/ha so với cách trồng theo tập quán cũ. Diện tích thực hiện mô hình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Cây – hiệu quả trên đất Long Mỹ - Ảnh 2.

Trái mãng cầu xiêm xuất xứ từ H.Long Mỹ

Ảnh: Quang Minh Nhật

Ông Trần Chí Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, cho biết huyện định hướng tiếp tục phát triển cây mãng cầu gai đến năm 2030 theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường với diện tích vùng nguyên liệu đạt 300 ha và kết hợp với chế biến, chế biến sâu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ mãng cầu gai, nâng cao thu nhập cho nông dân. Biến đổi khí hậu tác động ngày càng nghiêm trọng hơn đối với H.Long Mỹ, song với sức sống mãnh liệt của cây mãng cầu gai tháp trên gốc cây bình bát, chắc chắn sẽ giúp người nông dân có cuộc sống tốt hơn. Song song đó, H.Long Mỹ cũng sẽ tiếp tục tăng cường kết nối công ty, doanh nghiệp liên kết nhằm giúp tiêu thụ ổn định và bền vững cho người nông dân trồng cây mãng cầu gai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.