Cây lộc vừng 300 tuổi trổ hoa nghịch mùa, người miền Tây rủ nhau hái lộc

22/07/2017 10:03 GMT+7

Hơn tuần qua, nhiều người đổ xô đến xem cây lộc vừng cổ thụ hơn 300 tuổi ở miền Tây trổ hoa nghịch mùa rất độc đáo. Nhiều người còn hái hoa, lá xem như mang lộc may mắn về nhà.

Cây lộc vừng “khủng” có một không hai ở miền Tây này tọa lạc tại ấp Long Hòa B (xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), trên phần đất của ông Lê Văn Út và một phần nhánh lan sang đất nhà ông Lê Bé Ba giáp ranh.

Người dân địa phương cho rằng cây lộc vừng cổ thụ này có hàng trăm năm gắn liền với sự hình thành từ thời khẩn hoang của vùng đất Nam bộ. Ông Cao Văn Sự (người đang trông coi, bảo tồn cây lộc vừng) cho biết: “Từ nhỏ tôi đã thấy cây lộc vừng này sừng sững ở ngoài vườn. Tôi nghe những cao niên kể lại cây này có mặt từ lâu lắm, nhưng không ai biết được chính xác từ khi nào”.

Trong khi đó, các ngành chức năng đã lấy mẫu và xác định cây lộc vừng này có tuổi hơn 300 năm. Hiện nay ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã làm hồ sơ để công nhận cây di sản Việt Nam.
Cây lộc vừng có gốc rất to Ảnh: Nguyên Đạt

Với người dân địa phương, cây lộc vừng này được xem là một cây thiêng với nhiều giai thoại huyền bí gắn với thời khai hoang lập ấp nên cư dân địa phương đã lập miếu thờ cạnh gốc. Hằng năm, người dân địa phương tổ chức cúng viếng vào ngày 16.3 âm lịch, có múa, hát đàn ca tài tử mang đậm nét văn hóa của người dân Nam Bộ.

Ngôi miếu được xây dựng khang trang là nơi tổ chức cúng viếng gần cây lộc vừng hơn 300 tuổi Ảnh: Nguyên Đạt
Để bảo vệ cây, người ta dùng những trụ bê tông lớn đỡ nhánh cây Ảnh: Nguyên Đạt

Thời chiến tranh, cây lộc vừng bị trúng bom ngay giữa thân nên gốc đã bị thủng một lỗ rất to. Từ đó, thân cây cái mục, rồi mưa dông làm gãy, tuy nhiên vẫn còn 2 nhánh lớn ngày càng vươn rộng. Hiện nay, cây lộc vừng cổ thụ có chiều cao khoảng 22 m, chu vi gốc 8 m và tán rộng gần 100 m2.

Thân cây cái mục chỉ còn một cái bọng rỗng lớn Ảnh: Nguyên Đạt

Theo các bậc cao niên, hằng năm cây trổ bông vào khoảng nửa cuối tháng 7 âm lịch nhưng năm nay cuối tháng 5 đầu tháng 6 cây đã trổ hoa đỏ rực, sớm hơn cả tháng Việc cây trổ bông làm cư dân địa phương rất phấn khởi, bởi theo họ đó là dấu hiệu làm ăn được, trúng mùa, cuộc sống sẽ khấm khá.

Chị Nguyễn Thị Phương (sống gần cây lộc vừng) cho biết: “Năm rồi cây không trổ bông, mùa vụ thất bát. Năm nay cây ra hoa, chúng tôi hy vọng sẽ có lộc thông qua mùa màng thắng lợi, cuộc sống sung túc”.

Bông rụng đỏ một vùng quanh gốc cây Ảnh: Nguyên Đạt
Một số người hái lá, bông mang về để cầu may mắn, bình an  Ảnh: Nguyên Đạt
Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã quy hoạch một khu đất rộng hơn 3.000 mét vuông để bảo tồn cây quý này. Ngôi miếu tạm bợ cạnh gốc cây đã được di dời ra gần đó và xây dựng khang trang thờ Bà Chúa Xứ và Phật Quan âm.
Ngoài ra trong khuôn viên còn có một số chòi để khách đến tham quan cây quý dừng nghỉ chân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.