Như Thanh Niên thông tin, hôm 7.8, những mảng bê tông bịt kín 30 gốc cây xanh trên đường Trường Sơn (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM) đoạn gần sân bay Tân Sơn Nhất đã được đập bỏ để trả lại không gian sinh trưởng cho cây.
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết đây là bê tông thấm nước (hay còn gọi bê tông rỗng). Theo quan sát, các mảng bê tông quanh gốc cây sau khi bị đập bỏ được trám vữa theo hình chữ nhật, chừa khoảng đất cách gốc cây khoảng 10 - 20 cm. Đáng chú ý, nhiều cây sau khi đập bỏ bê tông bịt kín gốc đã để lộ phần gốc biến dạng.
Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết lớp bê tông bịt kín gốc cây nằm trong dự án mở rộng đường Trường Sơn. Đây là dự án đầu tiên thành phố triển khai bó vỉa cây xanh bằng bê tông tự thấm. Sau này, qua đấu thầu, công ty cây xanh mới tiếp nhận duy tu cây xanh trên đường Trường Sơn, khi đó lớp bê tông này đã hiện hữu.
Đại diện công ty cây xanh cho hay qua kiểm tra, công nhân phát hiện có một số cây sinh trưởng, gốc cây to ra đã vượt qua phần khoảng trống được chừa lại nên gốc ở khoảng không trên phình ra. Ngoài vị trí 30 gốc cây giáng hương ngay dưới cầu vượt vào ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, trên đường Trường Sơn cũng có nhiều gốc cây khác bị lát đá granite hoặc trám xi măng. Nhiều gốc cây trong số đó cũng còn dấu vết vừa đập lớp đá lót bó vỉa kín gốc cây, những bao đá vẫn còn chưa được thu dọn hết.
Đập bê tông giải cứu 30 cây giáng hương gần sân bay Tân Sơn Nhất
Bít gốc cây là phản tự nhiên
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên không đồng tình với việc dùng bê tông bịt kín các gốc cây như thế này. "Thấm nước thấm gì thì cũng phải chừa diện tích cho gốc rễ phát triển chứ? Không lẽ cái cây cứ giữ nguyên kích cỡ như vậy hoài? Bê tông này thấm được bao nhiêu nước? Phải tăng cường xử lý việc cây xanh bị bức tử", BĐ Andy Quách bức xúc.
Cùng quan điểm, BĐ Trung Phong cho rằng: "Cây xanh mà đi đổ bê tông bít gốc thì làm sao nó phát triển. Đây là hậu quả của việc chăm sóc cây thiếu khoa học, chỉ biết chú trọng vào số lượng, trồng một loạt mà không quan tâm đến việc cây xanh phát triển thế nào. Cây xanh là "lá phổi" của thành phố, nhưng nếu để tình trạng cây chết dần như vậy thì vừa tốn kém, vừa gây lãng phí, vừa làm giảm sức che, hiệu quả của cây xanh".
"Ngoài phần thân trên thì bộ rễ của cây cũng cần phát triển và "thở". Nhưng nếu trồng cây như những trường hợp này thì khác nào cản phá sự phát triển của bộ rễ, làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Chưa kể dùng loại bê tông này vào việc bít gốc cây là phản tự nhiên, làm cây không thể phát triển phần gốc, từ đó có thể ảnh hưởng đến phần ngọn... Hy vọng cơ quan có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra và có hướng trồng cây, xử lý phù hợp hơn", BĐ Quốc Huy phân tích.
Còn BĐ Xuân Hưng viết: "Nhìn chung vấn đề này là do những tác động của con người gây nên. Làm gì phải nghĩ đến chuyện phát triển lâu dài chứ trồng cây xanh như vậy vừa phí nguồn tài nguyên, vừa tốn công sức để trồng cây mới".
Xử lý triệt để nhằm cứu cây xanh
Không chỉ trên đường Trường Sơn, mà tình trạng cây xanh bị đổ bê tông thấm nước quanh gốc còn xảy ra ở một số tuyến đường khác. BĐ mong các ban ngành kiểm tra và xử lý triệt để nhằm kịp thời cứu các hàng cây xanh.
"Phương pháp này không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến cây xanh trong quá trình trao đổi chất. Chúng ta đủ kiến thức để có thể hiểu và cần có những biện pháp trồng cây hiệu quả hơn, để bảo vệ những lá phổi xanh của thành phố. Hiện nay không chỉ cây xanh trên tuyến đường Trường Sơn mà nhiều tuyến đường khác cũng có tình trạng tương tự. Mong các cơ quan quản lý nhanh chóng kiểm tra và xử lý để cứu các cây xanh kịp thời", BĐ Huy Quân góp ý.
Tương tự, BĐ Minh Phương ý kiến: "Đây là hậu quả của việc trồng cây không đúng cách, vừa uổng phí nguồn tài nguyên, vừa gây nguy hiểm vì tình trạng đổ ngã cây rất dễ xảy ra. Thiết nghĩ phải kiểm tra toàn diện và có biện pháp xử lý để cứu các cây xanh này".
"Nhiều cây xanh chết dần chết mòn vì việc trồng cây thiếu khoa học, gây tốn kém lại không hiệu quả. Trồng cây xanh là việc làm cần thiết, nhưng bên cạnh đó việc bảo vệ nó cũng là vấn đề cần được quan tâm", BĐ Hà My thẳng thắn.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 8.8
* Gốc và rễ của cây xanh rất cần những khoảng không tự nhiên để "thở", bít bằng bê tông thế này thì phát triển sao được.
Anh Tuấn
* Thấm nước là một chuyện nhưng ngoài việc thấm nước thì chúng ta phải chừa khoảng trống đủ để cây còn phát triển chứ.
Đoàn Vĩnh
* Tình trạng cây xanh bị phủ kín gốc bằng bê tông xảy ra nhiều nơi do một số người dân tự ý thực hiện để phục vụ mục đích kinh doanh của họ. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mong cơ quan chức năng kiểm tra xử lý nghiêm hành vi này, đồng thời có giải pháp cứu các cây xanh đang ngày đêm bị "bức tử" bằng cách này hay cách khác.
Hoàng Tiến
Bình luận (0)