CEO Đỗ Minh Toàn: Thuyền trưởng đưa ACB ‘vượt sóng’ thành công

12/02/2018 14:15 GMT+7

Chân dung của anh là sự kết hợp giữa nhiều nét khác nhau: đủ để trò chuyện chia sẻ với nhân viên, nghiêm khắc xử lý kỷ luật hàng loạt lãnh đạo giỏi nhưng không tuân thủ các quy định an toàn hoạt động của ACB.

Đó là lời chia sẻ của anh Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB). Trong 5 năm qua, với kiến thức vững vàng, kinh nghiệm dày dạn đi cùng ý chí mạnh mẽ và đặc biệt là một niềm tin kiên định, anh đã lãnh đạo hơn 10.000 nhân viên trên một hành trình đầy khó khăn, thử thách để ACB tiếp tục khẳng định vị thế trong tốp các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Chúng tôi đã phỏng vấn anh về ngân hàng, về nhân viên ACB và về vai trò của chính anh trong thành công của ACB.
- Anh nói gì về kết quả kinh doanh rất ấn tượng của ACB năm 2017?
       
CEO Đỗ Minh Toàn: Tôi tự hào về thành quả của chúng tôi, về những con người đang làm việc tại ACB. Những năm qua, các ngân hàng khác làm một thì chúng tôi phải nỗ lực gấp 3-4 lần và không ngừng nghỉ. So với năm 2016, tổng tài sản năm 2017 của ACB tăng 22%, tổng huy động tăng gần 17%, tín dụng tăng 20% và lợi nhuận đạt hơn 2,656 tỉ đồng. Quan trọng hơn, ACB đã hoàn toàn xử lý xong các khoản nợ xấu vốn là nguyên nhân khiến ACB “đi chậm” trong các năm qua, tỷ lệ kiểm soát nợ xấu còn khoảng 0,72%.
- Như vậy, có thể nói năm 2018 sẽ là năm của ACB?
Các thành quả năm 2017 là bệ phóng cho ACB bứt phá trong năm nay, năm cuối cùng của lộ trình chiến lược 2014 - 2018. Đây cũng là năm ACB bước vào tuổi 25, đánh dấu một phần tư thế kỷ phát triển và đóng góp không nhỏ cho ngành ngân hàng Việt Nam.
Chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào thế mạnh là ngân hàng bán lẻ với hai phân khúc khách hàng trọng yếu là khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình và trung bình khá (mass và upper mass) và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, ACB phát triển mở rộng hơn phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình và trung bình thấp.
- Trong bất kỳ giai đoạn nào của ACB, yếu tố con người có phải là quan trọng nhất?
Đúng vậy. Một tổ chức muốn phát triển lớn mạnh, bền vững cần xem trọng yếu tố con người.
Khó nhất với một ngân hàng là quản trị rủi ro. Rủi ro của mọi rủi ro chính là con người. Để quản trị rủi ro từ con người, ACB thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, nhắc nhở về đạo đức kinh doanh bên cạnh hoạt động của Ủy ban rủi ro, khối quản lý rủi ro… Các trường hợp sai phạm đều nghiêm túc xử lý triệt để nhằm bảo đảm tính minh bạch và an toàn cho hệ thống.
- Đó là cách của ACB. Còn anh, chắc hẳn phải có bí quyết riêng của mình để truyền năng lượng tích cực đến nhân viên, biến chiến lược thành hiện thực?
Tôi sẵn sàng trao quyền chủ động cho người có năng lực để họ phát huy khả năng. Với người năng lực thấp hơn, tôi đưa ra các hướng dẫn rõ ràng để họ “bám” theo và tạo ra kết quả như mình muốn. Đây cũng chính là cơ hội để mình đánh giá đội ngũ kế thừa.
- Theo anh, nhân viên ACB đang có những gì để đồng hành với sự phát triển của tổ chức?
Tôi thấy rõ nhất họ có niềm tin, ý chí và kiến thức.
Tại ACB, chúng tôi chú trọng tạo ra nền tảng kiến thức cho nhân viên bằng hoạt động đào tạo, cập nhật liên tục. Nhờ vậy, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và tiến nhanh hơn trên con đường sự nghiệp.
- ACB có chiến lược bán hàng khá tốt khi không chỉ cho ra mắt những sản phẩm, dịch vụ được “đo ni đóng giày” theo từng nhóm đối tượng, mà còn ở lực lượng bán hàng. ACB đã làm gì để xây dựng một đội ngũ bán hàng mạnh như vậy?
Chiến lược bán hàng chính là xương sống xuyên suốt, có tầm nhìn từ 3-5 năm, xa hơn là 10 năm, nhưng mỗi năm phải cập nhật, điều chỉnh phù hợp, để không từ bỏ mục tiêu dài hạn, nhưng về chiến thuật, về giải pháp phải điều chỉnh để phù hợp thị trường.
- Nghe anh nói rất nhiều về ngân hàng, về nhân viên, vậy anh tự đặt mình ở đâu trong ACB ?
Với cái nhìn của một cá nhân trong tập thể ACB, tôi lại thấy mình như một gạch nối có công năng liên kết giữa thế hệ lớp chúng tôi với thế hệ kỳ cựu đi trước cũng như với thế hệ những người trẻ hiện nay của ACB.
- Con đường anh đi sẽ có thêm những người trẻ tiếp bước, anh chia sẻ điều gì để giúp họ có thể mở ra những cánh cửa mới?
Nếu các bạn chọn ACB thì tôi muốn ACB không chỉ đơn thuần là nơi làm việc tốt mà còn trở thành ngôi nhà thứ hai của bạn, nơi mỗi người sẽ nhìn thấy được tương lai của chính mình, nơi mang đến các cơ hội thăng tiến cho bất cứ chức danh nào. Vấn đề là bạn có đủ trưởng thành, đủ trách nhiệm, đủ nghiêm túc, nỗ lực… để thực hiện ước mơ hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.