Ám ảnh từ những vụ đuối nước nên 2 tuổi đã dạy con bơi lội
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành (40 tuổi), Phó đội trưởng đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ PC07 (Công an TP.HCM) được nhiều người biết đến. Anh từng tham gia cứu hộ ở những vụ khó nhất, nguy hiểm nhất. Nhưng ngoài công việc, anh còn là một người cha đã "truyền lửa" để hai cô con gái gặt hái không ít thành tích khi còn rất nhỏ.
Bản thân là một người lính, anh cho biết công việc thường xuyên của anh là cứu nạn cứu hộ những vụ tai nạn đuối nước. Từng phải tận mắt chứng kiến, tận tay cứu vớt không ít trẻ em độ tuổi học sinh bị chết vì đuối nước nên anh rất ám ảnh.
Con lên hai, lên ba khi nhiều người cho con học múa, học hát, học đàn ca… thì anh quyết định cho con học bơi trước tiên. “Mỗi phụ huynh có một quan niệm, còn tôi làm trong nghề này nên nghĩ rằng kỹ năng sống và sinh tồn vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt với trẻ em. Vì chỉ cần sơ sẩy một chút, trẻ có thể mất mạng”, anh giải thích.
Bé lớn Thanh Ngọc với hàng loạt huy chương vàng bơi lội, trong đó có 2 lần đều giành huy chương vàng khi tham gia giải bơi toàn quốc |
NGUYỄN LOAN |
Ở cơ quan sẵn có hồ bơi nên khi con gái đầu Nguyễn Thanh Ngọc mới hơn 3 tuổi, anh đã bắt đầu cho con tập bơi. Còn con gái sau Nguyễn Thanh Thảo lúc đó mới hơn 2 tuổi nhưng đã dạn nước nên anh cũng cho con học theo chị...
Cứ thế, dù chỉ mới 2 - 3 tuổi nhưng được 8 - 10 buổi, cả hai đã bắt đầu biết lội nước, đạp và đứng nước… Mất khoảng 6 tháng thì cả 2 biết bơi cùng lúc 4 kiểu (bơi sải, bơi ngửa, bơi bướm, bơi ếch), anh dành thêm nửa năm nữa để rèn con nâng cao kỹ thuật và tốc độ.
Hai cô bé 'vàng' trong làng bơi lội, Thanh Ngọc và Thanh Thảo |
NVCC |
Hai chị cùng lúc giành tới 10 huy chương vàng
“Lúc đầu cho con học bơi tôi chỉ nghĩ đơn giản là để bé có kỹ năng sinh tồn dưới nước chứ không nghĩ tới và cũng không muốn con đi theo con đường này, vì với con gái thì rất vất vả”, anh Thành nói.
Thế nhưng càng bơi hai cô con gái nhỏ càng mê thích, cứ chiều đi học về lại đòi cha dẫn đi bơi bằng được. Việc bơi lội trở thành thói quen hàng ngày của bé. Mãi đến khi con lớn vào lớp 2, con nhỏ vào lớp 1, khi đó trường của bé là đơn vị tổ chức giải bơi lội dành cho học thiếu nhi cấp quận. Được thầy cô khuyến khích, anh cho con thi thử.
Thi chung với những bạn chuyên nghiệp nhưng bé lớn Thanh Ngọc vẫn giành được huy chương đồng. Đó là huy chương đầu tiên của Ngọc, khi cô bé 7 tuổi. Cũng từ cuộc thi này cả hai chị em Thanh Ngọc, Thanh Thảo lọt vào “mắt xanh” của các thầy cô trong câu lạc bộ bơi lội Lam Sơn (Q.5, TP.HCM) với ngỏ ý cho bé tham gia để được rèn giũa tốt hơn.
“Lúc đó, tôi băn khoăn lắm, vì nếu vào câu lạc bộ những bé khác vào từ lúc 3 tuổi. Dù lúc đó bơi lội đã là đam mê của con nhưng nếu tham gia vào các giải đấu chuyên nghiệp tôi sợ con mình phải tập luyện vất vả”, anh Thanh trăn trở.
Đem câu chuyện về nói với hai con nhỏ, lắng nghe nguyện vọng thấy con mong mỏi được đi bơi cùng các bạn nên vợ chồng anh gật đầu. Được các thầy cô trong câu lạc bộ rèn giũa, lại có cha hỗ trợ phía sau hết mình nên cũng từ đó hai cô gái tiến bộ vượt bậc, ngoài việc bơi thành thục cả 4 kiểu bơi, thì cả 2 đặc biệt xuất sắc trong bơi sải…
Sinh hoạt trong câu lạc bộ bơi Lam Sơn khoảng 6 tháng, cả hai tham gia kỳ thi bơi lội nhi đồng thành phố năm đầu tiên 2018, hai chị em cùng lúc giành tới 10 huy chương vàng. Đặc biệt bé nhỏ Thanh Thảo còn được giải toàn năng (thành tích tốt nhất trong cả 4 kiểu bơi), thi 5 nội dung thì giành cả 5 huy chương vàng. Điều này không chỉ khiến anh Thành mà cả những thầy cô huấn luyện trực tiếp cũng không khỏi bất ngờ…
“Lúc đó nhóm thi của con toàn những bé giỏi nhất thành phố, con mình thì trước đó chủ yếu là do cha dạy nên tôi không nghĩ con theo được các bạn”, anh tự hào nói.
Năm 2019, bé lớn Thanh Ngọc được tham gia giải bơi lội học sinh toàn quốc và tiếp tục giành hai huy chương vàng, một huy chương bạc toàn quốc (bơi 50 - 100 m tự do). Năm 2020, bé nhỏ cũng đã đủ tuổi và được đi thi toàn quốc, hai chị em lại thu về 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc…
Mới đây nhất, chị Thanh Ngọc lại khiến thầy cô “mắt tròn mắt dẹt” khi giành tới 5 huy chương vàng ở tất cả thể loại bơi trong giải bơi lội trẻ TP.HCM, trong đó có giải thi hỗn hợp 200 m tự do. Một góc nhà của anh Thành được anh bắc sào, gắn móc chỉn chu đã treo chi chít huy chương, có lúc nhiều quá hai bé phải gắn thành từng chùm…
“Lúc đầu dạy bơi, ngày nào ba cha con cũng phải đi xa, từ nhà lên cơ quan. Bao nhiêu thời gian tôi dành cho con hết, chẳng còn thời gian dành cho cha. Không còn thời gian cà phê, bạn bè… thậm chí không còn thời gian uống ly bia với đồng nghiệp. Rồi người ta nói huấn luyện thường “bụt chùa nhà không thiêng”, việc cha huấn luyện con không hề đơn giản vì rất nhiều lúc bé không hợp tác, mè nheo đủ kiểu… Nhưng bây giờ nhìn thành quả như vậy, tôi rớt nước mắt”, người cha xúc động nói.
Ba cha con anh Nguyễn Chí Thành trong một lần đi tham gia giải bơi lội toàn quốc. |
NVCC |
‘Cha bỏ nhậu, bỏ chơi dạy tụi con bơi không sót ngày nào’
Đó là chia sẻ của bé Nguyễn Thanh Ngọc (11 tuổi, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5). Cô bé cho biết: “Con thích bơi lắm, mỗi ngày con chỉ mong đến giờ chiều để được cha dẫn đi bơi. Con bơi không biết mệt luôn”.
Ngọc kể, thời gian dịch hai chị em cũng không thể sinh hoạt ở câu lạc bộ bơi Lam Sơn nên cả ba cha con gần như “đóng đô” ở cơ quan của cha. Cứ chiều, khi cha xong việc hai cô bé lại tíu tít kéo ba xuống hồ bơi, ba cha con cứ thế vừa bơi vừa sửa kỹ thuật, tập sức bền và tăng tốc độ… Ngày nào cũng vậy, hết vài tiếng cả hai mới chịu lên.
“Được bao nhiêu thời gian rảnh là cha dạy tụi con bơi nên cha bảo không còn thời gian đi nhậu, đi chơi với bạn bè nên tụi con thương cha lắm”, cô gái ngây thơ nói.
11 tuổi, hiện Nguyễn Thanh Ngọc đã được một trung tâm dưới nước ở TP.HCM mời ký hợp đồng để bồi huấn (bồi dưỡng, huấn luyện) với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đây là trung tâm chuyên nghiệp, bé sẽ được huấn luyện bài bản để tham gia các giải đấu. Dù vậy anh Thành cho biết vẫn đang suy nghĩ.
Dù tham gia các giải đấu chuyên nghiệp nhưng anh Thành cho biết cả hai bé vẫn đặt việc học ở trường lên hàng đầu, không nghỉ học buổi nào. Và cả hai chỉ được đi bơi khi đã hoàn thành bài học của mình. Thành tích học của hai cô bé cũng không thua kém bạn bè trên lớp.
“Nhiều khi tôi hỏi hai đứa, giờ hai con lớn rồi bơi nhiều thì da đen xấu mất, các con có muốn bơi nữa hay thôi. Nghe đứa nào cũng nhất quyết đòi bơi nên tôi cứ để con theo đuổi. Tới khi nào con cảm thấy hết thích thú, đam mê thì con dừng, tôi không ép con hay đặt nặng thành tích, vì con mình là con gái, tôi vẫn cứ sợ con bơi nhiều mai mốt lớn thì… da đen mất”, người cha trăn trở.
Thiếu tá Nguyễn Chí Thành đã công tác trong ngành cứu hộ trên 21 năm. Anh từng tham gia cứu nạn cứu hộ ở nhiều vụ lớn, từ cứu người, mò tìm thi thể người đuối nước, tai nạn đường thủy, chìm tàu, những vụ án giết người vứt xuống sông, lặn mò tang vật gây án… Anh có mặt trong những vụ cứu hộ khó nhất như sập hầm công trình hầm thủy điện Đạ Dâng tại Lâm Đồng, cứu nạn dưới hang sâu 280 ở Hà Giang, vụ vớt thi thể hai mẹ con đuối nước ôm nhau…
“Làm nghề này có thể đánh đổi mạng sống của mình, làm trong môi trường khắc nghiệt, độc hại, lạnh, nước chảy xiết, sông ô nhiễm… Nhưng công việc có ý nghĩa nên tôi vẫn theo đuổi. Cũng như trong việc dạy con, tôi luôn kiên trì và truyền được động lực, ý chí còn lại tự con sẽ cố gắng và có lập trường của mình”, anh Thành nói.
Bình luận (0)