Thần đồng tỉnh Sơn Tây
Có nhiều tư liệu không thống nhất về ngày sinh của Tản Đà: trang web của Hội Nhà văn VN viết ông sinh ngày 8.5.1888 (tức ngày 29.4 năm Mậu Tý), nhưng nhiều tư liệu lại nói ông sinh ngày 20.4 (âm lịch) năm 1889 và mất cũng đúng vào ngày 20.4 năm 1939 (có lẽ vì sự trùng hợp này nên nhiều người nghiêng về chi tiết sau hơn).
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh trưởng tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (bây giờ là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Danh Kế, đỗ cử nhân làm đến chức án sát và từng giữ chức ngự sử dưới triều Tự Đức. Do xuất thân trong một gia đình quan lại dưới chế độ phong kiến nên cậu Hiếu cũng được tập ấm theo phẩm ngạch của người cha. Người đương thời gọi ông là “Ấm Hiếu”. Tuy nhiên mẹ của ông lại xuất thân là một ca nương nổi tiếng hương sắc. Bà là vợ thứ ba và sinh cho quan ngự sử 4 người con mà con út là Ấm Hiếu. Mới 3 tuổi thì Nguyễn Khắc Hiếu mồ côi cha. Mẹ ông vì bất hòa với “đại gia đình” bên chồng nên trở về với nghề cũ. Tản Đà và các anh chị ruột được người anh cùng cha khác mẹ là Phó bảng Nguyễn Tài Tích đưa về nuôi dưỡng. Ông Nguyễn Tài Tích khi đó làm đốc học nên nhiệm sở luôn dịch chuyển: Yên Mô (Ninh Bình), Vụ Bản (Nam Định), Quảng Oai (Sơn Tây), Vĩnh Tường (Vĩnh Yên)... Nguyễn Khắc Hiếu phải nương thân theo anh nhưng không hề bị gián đoạn sức học.
Thời thơ ấu, Tản Đà đã hấp thụ nền Nho giáo, 5 tuổi thuộc Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi...; 6 tuổi học Luận ngữ và chữ Quốc ngữ; 10 tuổi biết làm câu đối; 11 tuổi làm thơ văn... Được ông anh đốc học hết lòng tài bồi nên năm 14 tuổi, khi đang học trường Quy Thức (trường thực nghiệm cải cách do Pháp mở ở phố Gia Ngư - Hà Nội), Tản Đà viết bài u Á nhị châu hiện thế được đăng trên một tờ báo ở Hồng Kông. 15 tuổi, Tản Đà đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây.
Vụ án con hạc
Tư chất thông minh của Tản Đà chắc chắn là do thừa hưởng từ huyết thống của một dòng họ danh gia vọng tộc, mà chính thân phụ ông cũng đã nổi tiếng là người thông minh, giỏi ứng đối. Trong tập sách Uống rượu với Tản Đà của nhà văn Trương Tửu (được coi là cuốn sách đầu tiên viết về Tản Đà khi ông còn sống - Đại Đồng thư xã xuất bản đầu năm 1939), Trương Tửu thuật lại câu chuyện do chính Tản Đà kể với mình: “Cụ (Tản Đà - NV) vốn dòng dõi quyền quý, tổ tiên xưa kia vẫn làm quan dưới triều Lê. Đến lúc nhà Nguyễn thế chân triều Lê, các cụ thề với nhau quyết không bao giờ ra làm quan nữa. Đến đời thân sinh của thi sĩ, lời thề ấy bị phụ. Vì gia đình bần bách, thân sinh cụ (ông Nguyễn Danh Kế) phải đi đánh quay đất để nuôi mẹ già. Nghĩ khổ cực quá, tiên sinh đành lỗi ước với tổ tiên, ra thi và chịu ấn phong của Nguyễn triều. Tiên sinh làm đến chức ngự sử trong kinh, giữ việc án lý. Tục truyền văn án tiên sinh hay lắm, những lý lẽ tiên sinh dùng để gỡ tội cho bị cáo bao giờ cũng đanh thép, nhiều lần vua Tự Đức đã phải khen... Dạo ấy, trong cung vua Tự Đức có nuôi một con hạc rất đẹp. Vua yêu nó lắm, đã phong tước vương cho nó. Ở cổ hạc lủng lẳng một cái bài ngà. Một buổi chiều kia, hạc ta ngất nghểu ngao du ra ngoài cửa thành và bị cắn chết bởi một con chó của người chủ quán bán hàng cơm gần đấy. Tức thời, chủ quán bị bắt giam và truy tố. Tiên sinh, ở vào địa vị ngự sử, làm trạng sư cãi cho bị cáo. Bàn cãi rất hùng hồn và nhiễm một tính cách trào phúng rất sâu sắc, trong đó có 4 câu thơ dưới đây lý thú nhất: “Hạc hữu kim bài/Khuyển bất thức tự/Súc vật tương thương/Hà phương nhân sự”. (Tạm dịch: Hạc đeo kim bài/Chó không biết chữ/Loài vật sát tử/Can chi đến người - thực ra ở nguyên bản ông Trương Tửu đã “dịch nghĩa”, nhưng người viết mạo muội được “dịch thơ” cho dễ đọc!). Vua Tự Đức mến phục tài tiên sinh liền truyền tha bổng người chủ quán...”.
Theo truyền thống gia đình và được ông anh Nguyễn Tài Tích hướng đạo, Nguyễn Khắc Hiếu cũng lấy con đường khoa bảng, hoạn lộ để lập thân, tiến thủ nhưng năm 1909, ông trượt khoa thi Hương ở Nam Định. Đi thi Hậu bổ khoa Nhâm Tý (1912), lại hỏng. Mùa thu năm ấy, ông lại đi thi Hương và cũng thất bại. Phẫn chí, ông làm bài thơ Tự trào: “Vùng đất Sơn Tây nảy một ông/Tuổi chửa bao nhiêu, văn rất hùng/Sông Đà núi Tản ai hun đúc/Bút thánh câu thần sớm vãi vung/Bởi ông hay quá, ông không đỗ/Không đỗ ông càng tốt bộ ngông”. Hỏng mấy khóa thi này cũng là nguyên nhân để khi trở về Hà Nội, cậu Ấm Hiếu chứng kiến cảnh người yêu đi lấy chồng. Ông chán nản bỏ về Hòa Bình tìm quên, rồi cùng bạn là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi lên chùa ngày đêm uống rượu, làm thơ, đọc sách và thưởng trăng, sống theo lối yếm thế... May mắn cho Tản Đà là ông còn có người anh rể là Nguyễn Thiện Kế, từng làm tri huyện xứ Đoài và cũng là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng đương thời, dìu dắt vào con đường văn chương. Tản Đà tỏ ra rất kính phục tài văn chương của quan huyện Nguyễn Thiện Kế, gọi ông là “đại thi hào”. Sau này, ông từng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của người anh rể: “Cái sinh nhai quốc văn của mình có hay hơn mười năm nay, thực từ lúc thanh niên, có quan huyện Nguyễn Thiện Kế phát đoan, dẫn đạo...”.
Năm 1913, người anh cả Nguyễn Tài Tích qua đời, Tản Đà về Vĩnh Phú cộng tác với tờ Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, phụ trách mục “Một lối văn Nôm”. Năm 1915, ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tùng, con gái một tri huyện ở Hà Đông. Cũng trong năm này, những tác phẩm của Tản Đà lần đầu tiên xuất hiện trên Đông Dương tạp chí và tạo được tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, Nguyễn Khắc Hiếu lấy bút hiệu Tản Đà (tên ghép của núi Tản, sông Đà quê hương) và chính thức bước vào con đường viết văn, làm báo chuyên nghiệp...
Hà Đình Nguyên
Bình luận (0)