'Tiếng lành đồn xa', các anh trai làng quanh vùng muốn tìm hiểu hay muốn thổ lộ tâm tình với các cô 'hàng xóm' mà các chàng đã phải lòng hay thất vọng vì người yêu quay lưng, đều tìm đến nhờ 'cậu Bính nghĩ hộ cho bức thư tình'.
Nguyễn Bính (bìa trái) cùng gia đình nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết tại Hà Tiên (1944) - Ảnh: Tư liệu gia đình |
Cha tôi không từ chối một ai vì ông nghĩ rằng việc mình làm là bắc nhịp cầu nhân duyên giúp cho đôi lứa yêu nhau nên vợ nên chồng. Có một chàng trai đi Hội Phủ Giầy đang trong tình trạng thất tình nghe tiếng cha tôi cũng tìm đến nhờ ông làm hộ bài thơ, có lẽ nhờ thế mà cha tôi có Bài thơ tình làm hộ sau này.
Thay... Tiên làm thơ
Cha tôi, lúc ấy mới mười ba tuổi, còn hay cùng với bác Xứng hay bày trò Phụ đồng Tiên.
Ở trong làng có đôi trai gái yêu nhau, nhưng nhà gái tham giàu định gả cô gái cho một nhà khá giả làng bên. Họ tìm đến “cậu” Bính xin cầu Tiên. Cha tôi bảo bày mâm cỗ hương hoa, có cả đồng tiền mâm gạo để cậu khấn Tiên về cho chữ. Bài thơ tiên được cha tôi đọc cho nhà gái nọ nghe: Nay Tiên góp ý cho nàng/Việc trăm năm chọn anh chàng nào đây?/Em ơi. Của dẫu nhiều nhưng vẫn chẳng nên/Phù vân giả dối chẳng lâu bền/Tình em đâu phải trao thiên hạ/Dành để trai làng mới đẹp duyên. “Tiên” đã phán vậy nên nhà gái nọ không dám cãi lời. Thế là nhờ bài thơ tiên của cha tôi mà cô gái nọ được toại nguyện nên duyên cùng người mình yêu.
“Há rằng uổng một đời trai”
Sớm mồ côi mẹ, ở “tuổi ăn tuổi chơi” cha tôi phải lên rừng xuống biển, ra bắc vào nam tha phương cầu thực. Đi nhiều, thấy, nghe, hiểu biết nhiều cảnh, nhiều tình, nhiều việc trải nghiệm để mà thấu hiểu trong cái khổ đau của đồng bào dân tộc còn có nỗi đau của riêng mình, vì vậy mà cha tôi có những vần thơ chan chứa mọi nỗi yêu thương, xót xa trên bước đường tha hương kiếm sống: Đường rừng, Trời mưa ở Huế, Xóm Ngự Viên, Lửa đò, Oan nghiệt, Hành phương Nam...
Nghiệp thơ và kiếp tha nhân gắn liền với cha tôi như một định số. Cảm giác làm người vong quốc ngay chính trên đất nước mình, bế tắc chơ vơ không định hướng. Bài thơ Hành phương Nam là một trong những bài thơ của cha tôi ra đời trong tâm trạng đó: Giày cỏ gươm cùn ta đi đây/Ta đi nhưng biết về đâu chứ?/Đã dấy phong yên lộng bốn trời/Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ/Uống say mà gọi thế nhân ơi!
Vào năm 22 tuổi, cha tôi đã có mặt ở phương Nam và làm nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Tháng 9.1943, ở tuổi 26, ông “hành phương Nam” lần thứ ba và cũng là lần sau cuối. Thuận theo lời mời của ông Hoàng Tấn (người bạn cố tri của ông) hăm hở bay vào Sài Gòn để cùng làm báo Hạnh Phúc (bộ mới) do ông Lê Tràng Kiều làm chủ bút, ông Võ Tuấn Khanh làm chủ nhiệm. Cha tôi vào đến Sài Gòn được cả Ban biên tập báo mừng rỡ mở tiệc đón tiếp long trọng mà theo như lời ông Hoàng Tấn nói với nghi thức Quốc trưởng. Những tưởng mọi việc trơn tru, bộ mới tờ Hạnh Phúc sẽ được ra mắt sốt dẻo nhưng không ngờ trong công việc bàn giao gặp trục trặc mãi lâu vẫn chưa xong, bộ sậu biên tập tòa soạn báo cứ ngồi chờ.
Bài thơ Nam Kỳ cũng gió cũng mưa là bài thơ đầu tiên cha tôi cho ra mắt độc giả Sài Gòn được đăng trên tờ Dân Báo có những câu: ... Há rằng uổng một đời trai/chẳng ban áo gấm cũng mài trăng khuya hay/Hỡi người đi gió về mưa/có xây dựng nổi cơ đồ gì không?... Vẫn còn trong tâm trạng bế tắc buồn chán nhưng hơi thở cuộc sống của thời cuộc, chí khí của người trai thời loạn đã ít nhiều bộc lộ.
Bảo vệ tiếng mẹ đẻ
Lúc mới vào Sài Gòn, cha tôi tá túc nhà ông chủ tiệm giày Gà Nam ở Tân Định. Theo như trong hồi ký Nguyễn Bính một vì sao sáng của ông Hoàng Tấn thì ông chủ tiệm giày Gà Nam có họ hàng gì đó với cha tôi, điều này tôi không được rõ lắm.
Thấy cha tôi sống ở nhà ông Gà Nam có nhiều điều bất tiện, ông Hoàng Tấn mời cha tôi về sống với ông ở Nancy (gần đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM ngày nay), cha tôi rất thích chỗ ở mới này nên đã thi vị hóa gọi đó là “Lan Chi Viên”, gọi “trại” tiếng Nancy mà ra, bởi ở đây có mảnh vườn con con trồng một vài cây ăn quả. Bạn bè thi hữu, những người ái mộ ông lui tới luận bàn thế cuộc, đàm luận văn chương ngâm vịnh xướng ca… khiến vườn nhỏ Lan Chi không khác gì câu lạc bộ thơ ca. Chính nơi đây, nhiều bài thơ nổi tiếng của cha tôi ra đời: Xuân vẫn tha hương, Sao chẳng về đây, Mắt nhung, Đi giữa kinh thành, Trải bao nhiêu núi sông rồi… Giai đoạn này cha tôi còn viết những vở kịch thơ, truyện thơ… Tập thơ Tỳ bà truyện dài 1.550 câu đạt giải nhất văn học Nam Xuyên - Sài Gòn (1944), truyện ngắn Không đất cắm dùi giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tờ Thanh niên Đông pháp.
Tại buổi lễ trao giải truyện ngắn Không đất cắm dùi trước đông đảo khách ta, Tây lẽ ra cha tôi phải đọc đáp từ bằng tiếng Pháp theo như thông lệ, dù ở nhà ông đã chuẩn bị công phu bài đáp từ, nhưng đến đó không hiểu sao cha tôi lại đăng đàn nói bằng tiếng ta trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sáng hôm sau, các nhật báo ở Sài Gòn không chỉ đưa tin giải nhất của cha tôi mà còn ca ngợi hành động kiên cường bảo vệ tiếng mẹ đẻ của ông...
Bình luận (0)