Chấm dứt 'chạy học bạ' được không?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/02/2023 06:06 GMT+7

Gần đây, một trong những nội dung được cử tri nhiều tỉnh kiến nghị với Bộ GD-ĐT là cần có biện pháp để chấm dứt bệnh thành tích, "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm", làm giảm chất lượng giáo dục ở các nhà trường.

Trong bối cảnh một số địa phương quyết định bỏ thi, chỉ xét học bạ để tuyển sinh lớp 10; một số địa phương thì công bố phương án tổ chức thi quá căng thẳng, mong muốn chấm dứt tình trạng "chạy điểm" càng trở nên bức thiết hơn.

Tình trạng "chạy học bạ" không mới nhưng có lý do để cử tri sốt ruột. Năm 2022, kết quả đối sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương do Bộ GD-ĐT tiến hành đã cho thấy những bất thường không thể làm ngơ giữa điểm thi và điểm học bạ. Ở tất cả các môn, dù mức độ khác nhau nhưng điểm thi đều thấp hơn so với điểm học bạ. Với một số môn, địa phương dẫn đầu về điểm học bạ lại gần "đội sổ" ở điểm thi hoặc ngược lại. Đơn cử như môn tiếng Anh, không chỉ là môn có số điểm liệt nhiều nhất, điểm trung bình thấp nhất mà còn sự chênh lệch quá lớn giữa điểm thi và điểm học bạ. Ở môn này, mốc điểm học bạ trung bình có nhiều học sinh (HS) đạt được nhất là 8,0 điểm nhưng điểm thi nhiều HS đạt nhất chỉ 3,8, chênh tới 4,2 điểm, một mức chênh khó có thể lý giải khi từ mức điểm giỏi ở học bạ xuống mức dưới trung bình ở điểm thi.

Với kỳ thi vào lớp 10 vốn đã căng thẳng vì tính cạnh tranh, cô trò còn gánh thêm áp lực bởi căn bệnh chữa mãi không khỏi của giáo dục: bệnh thành tích. Năm 2022, dư luận dậy sóng bởi thông tin một số trường ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) có hiện tượng "ép" HS lớp 9 có học lực chưa cao phải chuyển trường hoặc không đăng ký thi vào lớp 10 để không ảnh hưởng tới thi đua về tỷ lệ đỗ THPT công lập của các trường THCS. Bộ GD-ĐT vào cuộc khá sớm nhưng sau đó cũng không có giải pháp nào quyết liệt được đưa ra ngoài lời hứa hẹn: "Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục ban hành các văn bản, đặc biệt sẽ triển khai nghiêm túc việc chống bệnh thành tích trong giáo dục, chỉ đạo các tỉnh, TP quản lý chặt chẽ, tổ chức thực chất các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, xét tuyển vào THCS, THPT cũng như thi tốt nghiệp".

Trả lời của Bộ GD-ĐT về các kiến nghị của cử tri về bệnh thành tích, "chạy điểm", "chạy học bạ" nêu trên cũng chỉ rất chung chung như: sẽ tổ chức các phong trào thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên và HS phổ thông; qua đó chất lượng giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo đã có những chuyển biến tích cực. Và, "dù điểm học bạ có được sử dụng cho việc xét tuyển hay không, trách nhiệm của các nhà trường là phải có biện pháp bảo đảm tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả học tập của người học".

Nếu không có giải pháp khả thi, dễ nhìn thấy hơn để chấm dứt được bệnh thành tích, "chạy điểm", "chạy học bạ" thì việc tuyển sinh đầu cấp năm nào cũng vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn không có hồi kết: muốn chấm dứt thi cử nặng nề nhưng xét tuyển bằng học bạ thì lại không thể yên tâm về những điểm số "đẹp như mơ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.