Đủ cả tham nhũng đến chiêu trò PR của lãnh đạo
Đức, nhân vật chính trong phim truyền hình chính luận Lựa chọn cuối cùng không có vẻ hiểm ác. Nhân vật con trai lãnh đạo do Chí Nhân thủ vai này đẹp trai, và chịu chơi đúng chất một cậu ấm con quan. Ở một cảnh quay, Đức nói với người cha là lãnh đạo tỉnh của mình: “Bố ạ, một ông quan cả đời không động đến tiền, không động đến lợi lộc của đối tác chỉ có ở trên lý thuyết thôi. Vấn đề là khi ngồi trên ghế nóng ông ta có làm được gì tốt cho dân hay không thôi”. Hay: “Chẳng nhẽ bố chưa bao giờ nhận tiền… Còn con đôi khi con nhận tiền không phải vì con thiếu tiền. Con tham gia những cuộc nhậu nhẹt không phải vì con thèm muốn mà vì luật chơi nó phải như vậy”.
Trong suốt 38 tập phim Lựa chọn cuối cùng, những “châm ngôn tham nhũng” như thế lặp đi lặp lại rất nhiều. Không chỉ Đức, cả mẹ cậu cũng hơn một lần phát ngôn về cái lý của tham nhũng: “Vấn đề không phải là nhận để làm gì, hay là thiếu gì mới nhận. Mà là nó là quyền lợi và thể hiện vị thế của người nhận, ông hiểu chưa?”.
Trong phim người ta sẽ gặp những câu chuyện về đập thủy điện hại dân, rửa tiền, phe phái hay sự thiếu vắng văn hóa từ chức. Có cả những chiêu trò PR đánh bóng hình ảnh của lãnh đạo mà người dân vẫn bàn tán với nhau gần đây. “Tôi xin lỗi các đồng chí, bảo dân đánh giá cao ở đâu tôi chưa nghe được, nhưng tôi đã thấy họ xì xào nói với nhau là đã là người đứng đầu của tỉnh thì phải đưa ra được chiến lược và các chủ trương lớn để phía dưới thực hiện thành công… chứ cái cách khổ nhục kế lặn lội đi đến tận vùng lũ, báo chí truyền hình xúm vào quay phim chụp ảnh đưa tin chỉ nhằm gây dựng hình ảnh cá nhân, là chiêu PR hình ảnh lãnh đạo, nên dân người ta không nể phục”, thoại của một nhân vật trong phim.
|
tin liên quan
Phim truyền hình Việt đang chếtPhim cứ làm, đài cứ phát, và người xem cứ thờ ơ, đây là thực trạng đáng báo động đối với phim truyền hình Việt.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim truyện VN, cho biết hãng đã bắt tay vào kịch bản này cách đây hơn 3 năm rồi. Những chi tiết trùng với thời sự về bổ nhiệm con ông cháu cha, hay PR lãnh đạo đều do tưởng tượng từ ngày đó. Trong phim, đến biển số xe, tên tỉnh cũng là bịa. “Chúng tôi tìm câu chuyện mới cho một đề tài quan chức. Khi đó, chúng tôi tìm kiếm những hiện tượng mới le lói. Văn học nghệ thuật gọi đó là dự báo ấy. Chúng tôi thấy và khai thác. Cuối cùng rất may vào thời điểm này nó trở nên một vấn đề rất mang tính thời sự”, ông Hải chia sẻ.
“Khi xem phim, có những chuyện sẽ thấy rất giống trong thời sự đâu đó. Phim như một xã hội hiện tại thu nhỏ. Có những điều khi làm sai người ta vẫn nghĩ thế là đúng. Thời chúng tôi cầm tiền của ai là không được phép thì bây giờ người ta nghĩ nó là đương nhiên”, đạo diễn Hồng Sơn nói.
Câu chuyện của phim vì thế, lớn hơn một khoản tiền tham nhũng, một vị trí tốt mà lãnh đạo gửi gắm con vào. Đó là câu chuyện nhận diện lại giá trị của nhiều cá nhân, nhận diện lại giá trị của xã hội. “Tôi muốn người ta nhìn lại về giá trị. Tức là cái gì sai nó phải được nhìn là sai, đúng thì là đúng chứ không như bây giờ”, ông Sơn chia sẻ.
|
Chạm vào vấn đề xã hội đang bức xúc - tham nhũng, địa vị của con quan chức, theo ông Sơn, bộ phim muốn cái đúng cái sai phải được đặt đúng chỗ. “Mọi người cùng tốt, vì muốn tốt không thể chỉ một hai người tốt được. Chúng ta phải đồng lòng tốt cơ”, ông Sơn nói. Có lẽ chính vì vậy, bộ phim đã chọn cái kết hướng thiện nhất có thể, bằng cả những trừng phạt với các nhân vật chính trong phim.
“Những vấn đề của phim đặt ra nó mang tính thời sự cực kỳ mạnh. Đó là vụ việc, nhưng đằng sau đó, nó thể hiện khát vọng của những người sáng tác. Đó cũng là khát vọng của khán giả bây giờ, hay nói cách khác là người dân, họ đang kỳ vọng vào hình ảnh của người lãnh đạo”, ông Đỗ Thanh Hải nói.
Lựa chọn cuối cùng dự kiến phát trên VTV1 vào thứ 5, thứ 6 lúc 20 giờ 40 từ 8.7.
|
Bình luận (0)