Sau rất nhiều năm chuẩn bị, nhiều cuộc họp thượng đỉnh, công phu, rốt cuộc thì hai giải đấu thường niên quan trọng nhất thế giới đã được khai sinh gần như cùng lúc vào năm 1992.
Đó là Premier League (Ngoại hạng Anh) của nước Anh và Champions League của UEFA. Giới nghiên cứu lịch sử bóng đá thống nhất nhận định: đấy chính là cột mốc mở ra kỷ nguyên hiện đại của bóng đá đỉnh cao, tính đến nay thì đã tròn 30 năm.
M.U (trái) dự Champions League (dịch đúng nghĩa đen là “giải đấu của những nhà vô địch”) và lọt vào vòng 1/16 dù không phải là nhà vô địch Anh |
AFP |
Tất nhiên, cả Premier League lẫn Champions League đều chỉ dựa trên những nền tảng cũ là giải Vô địch hạng nhất của Anh và Cúp các đội VĐQG châu Âu của UEFA (gọi tắt là cúp C1). Nhưng phương thức điều hành và giá trị thương mại mới dẫn đến hàng loạt nét mới về chuyên môn, kèm theo đó là nhiều hệ lụy quan trọng. Các CLB thuộc đẳng cấp cao nhất của bóng đá Anh đi đầu trong việc tách khỏi LĐBĐ, tự điều hành giải đấu riêng theo mô hình công ty cổ phần, và những giải đấu lớn xung quanh đồng loạt rập khuôn mô hình ấy. Với Champions League, nét mới là vòng đấu bảng và cơ cấu về số đội dự giải - các nước khác nhau có số đại diện khác nhau. Tóm lại, thứ bóng đá đỉnh cao mà chúng ta đang theo dõi ngày nay khác hẳn bóng đá đỉnh cao của thời kỳ hơn 30 năm trước.
Vì sao Chelsea và Liverpool khó cản Manchester City vô địch Ngoại hạng Anh? |
Ví dụ về sự khác biệt: trong lần cuối cùng đoạt cúp C1 châu Âu trước kỷ nguyên Champions League, Real Madrid năm 1966 đăng quang sau khi vượt qua Kilmarnock (Scotland), Anderlecht (Bỉ), Inter (Ý), Partizan (Nam Tư). Đó là chiếc cúp C1 thứ 6 của Real trong 11 năm. Nhưng phải đợi đến 32 năm, Real mới lại được bước lên bục vinh quang lần nữa (vô địch Champions League 1998).
Còn Barcelona là đội cuối cùng đoạt cúp C1 (năm 1992) trước khi Champions League ra đời trong mùa bóng 1992 - 1993. Trước đó, Barcelona chỉ vô địch Tây Ban Nha 2 lần trong 30 năm (1961, 1990). Không VĐQG thì không được dự cúp C1, lấy đâu ra cơ hội đăng quang!
Ngày xưa, đoạt cúp C1 rất dễ (hãy xem hành trình vừa nêu của Real), nhưng để được dự giải thì rất khó. Còn có vấn đề danh dự đi kèm, khi người ta nhìn vào các đội thi đấu ở cúp C1 sẽ biết ngay rằng đó là những nhà vô địch ở nước của họ. Giờ thì ngược lại: dự Champions League rất dễ, nhưng vô địch lại rất khó. Vấn đề danh dự đã nhẹ hẳn, còn giá trị kinh tế lại tăng cao. Bạn còn nhớ chiến tích “ăn 3” của M.U hồi năm 1999? Vâng, M.U vô địch Champions League (dịch đúng nghĩa đen là: giải đấu của những nhà vô địch). Nhưng M.U đâu phải là nhà vô địch Premier League ở mùa bóng trước đó để được dự giải, như cơ cấu cũ!
Tóm lại, bây giờ người ta dự giải VĐQG mà không nhất thiết là để tranh ngôi vô địch. Ở Premier League thì vào “top 4” là được, vì Premier League có 4 suất dự Champions League trong mùa bóng tiếp theo. Mà đã có vé dự Champions League thì dở đến mấy cũng được đảm bảo thi đấu 6 trận, cùng số tiền chia rất lớn. Cho nên nhiều đội chỉ cần có suất dự Champions League, chứ không nhất thiết phải tính chuyện đăng quang.
Hệ quả lớn nhất là bây giờ ưu tiên một của các đội bóng lớn đổ dồn vào việc đảm bảo chỗ đứng trong “top 4” hoặc “top 3” (tùy nước), từ đó luôn có mặt ở Champions League. Lực lượng và lối chơi đều hướng đến chỗ thích hợp với thể thức “marathon” của giải VĐQG. Các CLB bây giờ mạnh hơn rất nhiều so với đội tuyển quốc gia (ngày xưa thì ngược lại). HLV giỏi bây giờ cũng chỉ làm việc cho các CLB lớn. Đấu trường của các đội tuyển quốc gia cũng xuống cấp theo: chúng ta vừa chứng kiến một kỳ EURO… dở nhất lịch sử. Ngày xưa, một trận giao hữu giữa hai đội tuyển quốc gia lớn đã mang danh “thượng đỉnh” rồi. Bây giờ, đấy chỉ còn là cữ tập! Và bóng đá đỉnh cao mãi mãi khác xa…
Bình luận (0)