Hôm nay (12.1), tại TP.HCM, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, giao thông của Việt Nam đã có buổi hội thảo "Cơ sở khoa học và các giải pháp khả thi để xác định các hố ngầm và công trình ngầm trên địa bàn TP.HCM".
Nhiều “hố tử thần” còn tiềm ẩn
Theo thống kê của ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, từ tháng 7 đến hết tháng 12.2010, đã xảy ra 64 vụ lún sụp tạo nên những "hố tử thần" trên nền đường TP.HCM.
Trong đó, có 21 vụ do cống thoát nước cũ bị sụp, bể, hở mối nối; 13 vụ ống cấp nước cũ bị xì, bể, hở mối nối; 11 vụ do công trình hạ tầng kỹ thuật bị hư bể; 13 vụ do thi công không đúng quy định (thi công làm vỡ mối nối, thi công làm hư cáp ngầm bưu điện, điện lực, lái xe không tuân thủ biển báo, đi vào đường cấm) và 3 vụ do địa chất công trình và nước ngầm.
Đường xá TP.HCM hiện nay như một bệnh nhân không có bệnh án, hễ lên cái nhọt nào là chữa cái nhọt ấy | ||
TS Vũ Đức Thắng, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM | ||
Cho đến nay, với vấn đề “hố tử thần”, TP.HCM đang ở trong tình trạng “giải quyết sự việc đã rồi”, là nhận định của TS Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm Địa vật lý, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam.
|
Theo ý kiến TS Vũ Đức Thắng, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM, không thể để hố sụp mới sửa mà vấn đề là cần quản lý và dự báo "hố tử thần", đây mới là điều mọi người đang trông đợi.
Như vậy, theo các nhà khoa học, TP.HCM cần tập trung tìm kiếm các "hố tử thần" tiềm ẩn này để có biện pháp tránh xảy ra sụp lún gây nguy hiểm đến giao thông và an toàn của người dân.
Rà "hố tử thần" như rà ổ mối
Các nhà khoa học đã thống nhất cao với phương pháp dùng rađa xuyên đất (Ground Penetrating Radar) để rà tìm các “hố tử thần” trên địa bàn TP.HCM.
PGS - TS Nguyễn Thành Vấn, ĐH Khoa học Tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM), giải thích ra-đa xuyên đất là phương pháp vật lý hiện đại để nghiên cứu cấu trúc và đặc tính của vật chất tầng nông bên dưới mặt đất. Ra-đa xuyên đất có thể phát hiện lỗ hổng và khe nứt tự nhiên, xác định các vùng đất bị lún, lập bản đồ công trình ngầm đô thị…
Nói thêm về giải pháp này, PGS - TS Nguyễn Văn Giảng cho rằng ra-đa xuyên đất đã từng chứng minh hiệu quả trong việc rà tìm các tổ mối trong hệ thống đê sông Hồng và sông Đuống. Việc dò tìm các "hố tử thần" tại TP.HCM cũng tương tự như thế.
Nhiều mặt đường tại TP.HCM bị sụp lún - Ảnh: Ngọc Thọ |
Bên cạnh đó, PGS - TS Lê Hoài Quốc, Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM cho biết, trước khi giải pháp được đưa vào áp dụng, sẽ trắc nghiệm trước độ chính xác của thiết bị và giải đoán của chuyên gia. Việc này được thực hiện ở những khu vực có công trình ngầm mà cơ quan chức năng có bản đồ chính xác để đối chứng.
Song song đó, các nhà khoa học đề nghị TP cần lập cơ sở dữ liệu cầu đường và có chương trình quản lý hệ thống giao thông cầu đường trên địa bàn TP.HCM.
"Đường xá TP.HCM hiện nay như một bệnh nhân không có bệnh án, hễ lên cái nhọt nào là chữa cái nhọt ấy", TS Vũ Đức Thắng, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP.HCM, ví von.
Vì vậy, theo ông Thắng, TP cần có lý lịch điện tử cho từng con đường, hệ thống đường; có hệ thống phần mềm để xử lý, tổng hợp thông tin, số liệu cầu đường để quản lý hệ thống đường xá giao thông đô thị.
Nguyên Mi - Trần Duy
Bình luận (0)