Chấn chỉnh cái “na ná” của lễ hội

23/07/2012 03:00 GMT+7

Dù bị đánh giá chưa tốt, nhưng lễ hội mới vẫn không bị “sờ gáy” trong dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc.

Nhiều sự kiện mang danh lễ hội

Chưa từng xem trọn vẹn một tường thuật lễ hội phát trên truyền hình nào là chia sẻ của TS Nguyễn Hữu Thức, Ban Tuyên giáo T.Ư, về các lễ hội phi dân gian. Lý do ông đưa ra vô cùng đơn giản: chúng quá giống nhau, công thức và tẻ nhạt. Thậm chí, có người còn cho rằng việc tổ chức lễ hội nói chung thời gian qua tràn lan, gây lãng phí tiền của, công sức, thời gian của nhà nước và nhân dân.

Ông Thức cho rằng các lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài đều do cộng đồng dân lo toan tổ chức. Chúng chủ yếu có quy mô làng xã, số rất ít có quy mô vùng miền. Với cơ chế tự quản, người dân biết cách điều chỉnh hài hòa các lợi ích xuất phát từ chính cộng đồng mình. Do đó, nếu xét từ nhu cầu văn hóa, 3 loại lễ hội trên tuy còn một số việc cần chấn chỉnh nhưng khó có thể tạo nên những bức xúc lớn trong dân chúng về cái gọi là lễ hội tràn lan.

 Chấn chỉnh cái “na ná” của lễ hội
Biểu diễn nghệ thuật trong Ngày văn hóa các dân tộc - một lễ hội mới ra đời vài năm gần đây - Ảnh: Trinh Nguyễn

“Còn lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội văn hóa du lịch chủ yếu do nhà nước đứng ra tổ chức. Theo tôi, điều dư luận xã hội hiện nay quan tâm nhiều nhất và có nhiều bức xúc nhất chính là hai loại lễ hội này. Bởi, những năm gần đây, số lượng lễ hội lịch sử cách mạng tăng lên đột biến, có xu hướng mở rộng quy mô, gây tốn kém”, ông Thức nói.

 

Các chương trình nghệ thuật được gọi là lễ hội ở các tỉnh na ná nhau. Chúng thường được dàn dựng hoành tráng, huy động hàng vạn người, nhưng nếu đạo diễn là nghệ sĩ sân khấu thì sân khấu chiếm vai trò chủ đạo, còn đạo diễn là biên đạo múa thì chương trình lại chủ yếu là múa minh họa.

TS Trần Hữu Sơn, Sở VH-TT-DL Lào Cai

TS Trần Hữu Sơn, Sở VH-TT-DL Lào Cai, phân tích: “Các chương trình nghệ thuật được gọi là lễ hội ở các tỉnh na ná nhau. Chúng thường được dàn dựng hoành tráng, huy động hàng vạn người, nhưng nếu đạo diễn là nghệ sĩ sân khấu thì sân khấu chiếm vai trò chủ đạo, còn đạo diễn là biên đạo múa thì chương trình lại chủ yếu là múa minh họa”. Đấy là chưa kể, một số địa phương không có tiềm năng, lợi thế về du lịch mà vẫn tổ chức sự kiện gọi là “lễ hội du lịch” hoặc là tổ chức theo kiểu “lễ sinh nhật” của địa phương, tiêu tốn hàng chục tỉ đồng. Cả hai ông Thức và Sơn đều đồng tình ở điểm: hầu hết các sự kiện này đều đặt người dân ra ngoài việc tổ chức nhưng vẫn mang danh lễ hội. 

Đang cân nhắc

Mặc dù vậy, dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc mới chỉ giới hạn phạm vi ở các lễ hội dân gian. Giải thích điều này, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trần Minh Chính cho rằng chưa đưa các lễ hội mới vào quy hoạch vì nó quá đa dạng và cần xem xét cái gì là lễ hội, cái gì không. “Chẳng hạn, festival gạo hay festival dừa, chúng là lễ hội hay là sự kiện xúc tiến thương mại. Và nếu chúng thúc đẩy kinh tế thì cũng không nên cứng nhắc trong quy hoạch”, ông Chính nói.

PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, cho rằng: “Các liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch không nằm trong phạm trù lễ hội mà nên gọi là festival với nghĩa là liên hoan, như festival Huế, festival biển - Khánh Hòa. Các liên hoan này không gắn liền với các niềm tin tín ngưỡng, không gắn với một nhân vật thờ phụng nào cả, có kịch bản và đạo diễn hẳn hoi”. Vì thế, các festival sẽ có quy định riêng. Văn bản này hiện Cục Văn hóa cơ sở đang soạn thảo.

Còn về lễ hội lịch sử cách mạng, TS Thức đề nghị nên xác định tiêu chí đánh giá, phân loại, phân cấp để tổ chức hợp lý, hợp tình các sự kiện lịch sử cách mạng cần được tổ chức trong năm. Nhà nước và chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ tổ chức các sự kiện lịch sử - cách mạng có giá trị đại diện tiêu biểu cho quốc gia, cho địa phương và theo chu kỳ chẵn 10 năm/lần.

Về vấn đề quy hoạch lễ hội, TS Bùi Hoài Sơn, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, lưu ý: “Dù quy mô các lễ hội có thể khác nhau, nhưng các vấn đề như nhân lực tổ chức tham gia lễ hội, tuyên truyền, tìm kiếm tài trợ, hậu cần, an ninh… vẫn cần có sự quan tâm quản lý từ các cấp, ngành”.

Trinh Nguyễn

>> Ngày 19.4 hằng năm là Ngày văn hóa các dân tộc
>> Lễ hội đường phố Võ cổ truyền Việt Nam
>> Lễ hội khinh khí cầu quốc tế tại Bình Thuận
>> Độc đáo Lễ hội Chanh 100
>> Lễ hội thế giới về tranh vẽ trên cơ thể người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.