|
Nắm người có tóc
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng tròn Việt, cho rằng nguyên nhân tình trạng lộn xộn trong du lịch mà Thanh Niên phản ánh nhiều số báo vừa qua là do quản lý không theo kịp sự phát triển của kinh doanh du lịch. “Quản lý nhà nước yếu kém, cộng với chế tài không nghiêm khắc khiến môi trường kinh doanh vốn đã phức tạp càng nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn chuyện công ty du lịch bỏ rơi 700 khách ở Thái Lan nhưng tính chung các khoản phạt cho 8 lỗi sai phạm chỉ chừng 80 triệu đồng là không đủ tính răn đe. Nguồn lợi mà công ty này thu được từ việc bán tour cho 700 khách thừa sức bù khoản công ty này tiền bị phạt”, ông này nói.
Giám đốc một công ty du lịch chuyên làm tour quốc tế (đề nghị không nêu tên) cho biết để làm được tour quốc tế, công ty của ông phải đóng tiền “thế chân” 250 triệu đồng, “nuôi” ít nhất 3 hướng dẫn viên quốc tế và nhiều điều kiện khác nữa. Trong khi các công ty “ma” chẳng mất những khoản chi phí này, chưa kể có thể trốn thuế… “Cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể “nắm tóc” được các công ty có đăng ký hoạt động lữ hành với Sở VH-TT-DL, còn những công ty “ma” thì không thể nào biết được họ ở đâu. Không thể có công bằng trong môi trường như vậy. Chúng tôi ở ngoài sáng, cơ quan chức năng quản lý được. Còn các công ty “ma” trong bóng tối làm loạn thì lấy ai quản lý?”, vị giám đốc này bức xúc.
Phạt nghiêm đơn vị vi phạm
TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng để tình hình kinh doanh lữ hành lộn xộn, Sở KH-ĐT phải có trách nhiệm trước tiên vì thiếu hậu kiểm. Tuy nhiên, chịu trách nhiệm chính vẫn là ngành du lịch, ở đây cụ thể là Tổng cục Du lịch (TCDL) và Sở VH-TT-DL địa phương. Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của các công ty du lịch do TCDL cấp, nên trách nhiệm phải của TCDL. Bên cạnh đó, việc để các công ty du lịch “ma”, chui hoạt động trên địa bàn, lỗi là của chính Sở VH-TT-DL.
Cũng theo TS Lương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó quan trọng nhất là TCDL từ khi nhập vào Bộ VH-TT-DL không có thanh tra chuyên ngành, do đó hiệu lực quản lý không cao; công tác thanh tra, kiểm soát hạn chế. Nhưng đó là lý do khách quan, còn về mặt chủ quan là công tác quản lý trong thời gian qua bị buông lỏng và đội ngũ quản lý yếu kém… Vì thế, việc tách du lịch ra khỏi văn hóa, thể thao là cần thiết. Trước mắt, TCDL có thể chủ động làm việc với các địa phương trọng điểm về du lịch để tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ quyền lợi du khách. Về lâu dài, TCDL cần có chiến lược để tiến tới kiểm soát được hoạt động kinh doanh lữ hành.
Còn theo vị giám đốc công ty chuyên làm tour quốc tế nói trên, cần xử nghiêm các công ty vi phạm. “Lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi liên quan đến tính mạng con người. Hồng Kông, Malaysia, Singapore... đều quản lý theo cách nếu ai không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mà đưa khách đi nước ngoài hoặc đón khách nước ngoài có thể sẽ bị phạt tù; 5 năm không được phép kinh doanh lữ hành. Trong khi ở VN mức xử phạt không có tính răn đe, nên tình trạng nói trên diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa được cải thiện”, ông giám đốc này nói.
Siết tiêu chí cấp phép lữ hành Theo TS Phạm Từ, nguyên Phó tổng cục trưởng TCDL, để chấn chỉnh hoạt động outbound (đưa khách ra nước ngoài), ngành cần có định hướng quản lý thị trường; tìm được những hãng lữ hành nước ngoài có nghề, có chất lượng để du khách nhận được những tiện ích xứng với đồng tiền bỏ ra khi mua tour. Đối với inbound (đưa khách nước ngoài vào VN), ngành nên xem xét rà lại các tiêu chí cấp phép lữ hành quốc tế, không nên cấp tràn lan. Bên cạnh đó, phải rà soát lại luật Du lịch, cần thiết phải bổ sung một số điểm nhằm tăng cường công tác quản lý cũng như điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. |
N.Trần Tâm
>> Phạt công ty bỏ rơi khách Việt ở Thái Lan 80 triệu đồng
>> Bộ VH-TT-DL làm việc với công ty bỏ rơi khách ở Thái
>> Công ty Travel Life thiếu nợ nên bỏ rơi khách ở Thái Lan
Bình luận (0)