Chân dung “Hai Lúa” thời nay

01/04/2009 23:02 GMT+7

Gần đây, trong một số bộ phim, vở kịch, nhân vật nông dân trong bối cảnh đô thị hóa nông thôn hiện lên không mấy tốt đẹp. Nào bán đất, ăn chơi, cạnh tranh mua sắm với hàng xóm, đầu tư chứng khoán bị thua lỗ... Họ được khắc họa như những kẻ dại dột, xa hoa lãng phí, học làm sang, tạo nên tiếng cười cho khán giả. Và cũng từ đó, khán giả có cái nhìn tiêu cực hơn về bộ phận nông dân này.

Nhưng thật ra nông dân có phải như thế hay không? Những nhân vật “Hai Lúa” ấy có thật sự đại diện cho đa số nông dân chúng ta? Đã đành các bộ phim, vở kịch này chỉ nêu lên những nhân vật cá biệt, nhưng chính những “Hai Lúa” rất “đại chúng” ấy đã khiến người ta khái quát tất cả nông dân Việt Nam. Và bất chợt thấy thương cho họ. Bên cạnh những cái đáng cười đúng như kịch bản đã thể hiện, vẫn còn những cái khác đáng thương hơn, đáng ưu tư hơn, sao không thấy ai nói giùm người nông dân. Chẳng hạn sân golf, khu công nghiệp đã “chiếm đất” của họ, đẩy họ vào cảnh thất nghiệp. Những tay “cò đất” lợi dụng bí mật quy hoạch để mua đất với giá rẻ mạt, coi như cướp trắng trợn những mảnh đất cha ông họ để lại. Rồi giá nông sản, giá phân bón, thuốc trừ sâu, giá cá, tôm nay lên mai xuống đã làm họ nợ nần chồng chất. Rồi con cái thất học phải nghỉ nửa chừng, đứa lên Sài Gòn bán quán, ở đợ, đứa lại lấy chồng Đài Loan để trang trải cho gia đình. Nhiều ông bố, bà mẹ cũng bỏ nhà lên thành phố làm thuê, nuôi bệnh thuê trong bệnh viện, gửi tiền về cho con... Bao nhiêu khó khăn đang bao vây những gia đình nông dân truyền thống.

Và cũng có những tấm gương nông dân ngời sáng: hiến đất xây trường học, xây cầu cho dân đi, nấu cơm từ thiện cho bệnh viện... Một bộ phận nông dân còn biết tạo kỹ thuật mới, tạo thương hiệu cho sản phẩm của làng xã mình xuất khẩu ra thế giới, hoặc chế tạo những máy móc cải tiến công việc nhẹ nhàng hơn, chất lượng hơn. Sao chúng ta không làm phim, làm kịch về những chân dung đó?

Thư Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.