Chân trần, chí thép

11/04/2011 00:16 GMT+7

Những câu chuyện về cuộc chiến tại Việt Nam của cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ James G.Zumwalt - con trai của vị Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R. Zumwalt.

(Sách của cựu trung tá thủy quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt - con trai Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam Elmo R.Zumwalt).

Năm 1968, ông Elmo R.Zumwalt Jr., lúc bấy giờ mang hàm phó đô đốc, đến đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam - Comnavforv. Ngay lập tức, ông đã cho triển khai chiến dịch rải hóa chất làm rụng lá xuống các vùng sông nước ở Việt Nam để bảo vệ hoạt động của Hải quân Mỹ.

Đúng 20 năm sau, người con trai Elmo R.Zumwalt III của ông đã qua đời vì bệnh ung thư, hậu quả của phơi nhiễm chất độc da cam thời tham chiến tại Việt Nam.


Tác giả James G.Zumwalt (trái) và người cha - Tư lệnh Elmo Zumwalt trên tàu USS Manitowoc ngoài khơi Việt Nam năm 1971 - Ảnh: tác giả cung cấp

Cựu trung tá thủy quân lục chiến James G. Zumwalt - con trai của Tư lệnh Zumwalt Jr. và là em trai của Zumwalt III - bản thân từng tham chiến tại Việt Nam, Panama và vùng Vịnh, đã có chuyến trở lại Việt Nam vào năm 1994. Chuyến đi giúp ông khai mở những hiểu biết về con người Việt Nam, kẻ thù một thuở của nước Mỹ và của chính gia đình ông. James Zumwalt đã trở lại Việt Nam nhiều lần nữa và kết quả là cuốn Bare Feet, Iron Will được xuất bản vào năm 2010 tại Mỹ. Cuốn sách được Công ty First News và NXB tổng hợp TP.HCM ấn hành tại Việt Nam tháng 4.2011 dưới nhan đề Chân trần, chí thép. Thanh Niên xin giới thiệu một số chương đặc sắc.

Trở lại Việt Nam

Dòng họ tôi có một truyền thống binh nghiệp đáng tự hào: hầu như mỗi cuộc chiến mà nước Mỹ tham gia kể từ Cách mạng Mỹ đến nay đều có ít nhất một người mang họ Zumwalt phục vụ. Từ năm 1968 đến 1970 - người cha giờ đã quá cố của tôi, Elmo R.Zumwalt, Jr. - là Phó đô đốc chỉ huy lực lượng hải quân tại Việt Nam.

Ngay khi cha tôi đến Việt Nam, thượng cấp trực tiếp của ông, tướng Creighton Abrams, đã bày tỏ sự phật lòng về vai trò lúc đó của hải quân trong chiến đấu. Ông muốn hải quân phải quyết liệt hơn nữa. Trên cơ sở đó, cha tôi đã vạch ra một chiến lược hung hãn hơn, với mục đích biến hệ thống kênh rạch miền nam Việt Nam, vốn lâu nay bị Việt cộng sử dụng làm đường chuyển quân, thành bãi chiến trường.

Chiến lược mới của cha tôi đã tạo ra những sự xáo trộn lớn cho Việt cộng khi việc sử dụng hệ thống sông ngòi để tiếp vận và xâm nhập (từ phía Campuchia) sụt giảm nghiêm trọng. Tiếp tế của Việt cộng suy giảm, thương vong của Lục quân Mỹ ở đồng bằng Mê Kông (thường gọi là “Đồng bằng”) giảm theo.

Nhưng thành công của chiến lược này cũng phải trả giá. Trong khi thương vong của lục quân Mỹ giảm, thì phía hải quân tổn thất gia tăng nghiêm trọng với lực lượng đường sông chiếm tới sáu phần trăm trong tổng thương vong hằng tháng.

Hải quân chịu thương vong lớn là do đặc trưng của địa hình nơi họ chiến đấu - sông nhỏ hẹp với cây cối um tùm hai bên. Đối với Việt cộng, đó là môi trường lý tưởng cho các cuộc phục kích nhằm vào tàu tuần tra; đối với người Mỹ, đó là một địa hình ác mộng cho khả năng phòng thủ.

Khi cân nhắc các lựa chọn khả thi để giảm thương vong cho quân Mỹ, cha tôi nhận thấy rằng chỉ có một cách là triệt tiêu lợi thế bất ngờ của Việt cộng - bằng cách triệt phá vùng bụi cây rậm rạp ven sông. Năm 1965, lục quân Mỹ sử dụng một loại hóa chất diệt cỏ để làm rụng lá các vùng rừng gần Sài Gòn. Các nhà sản xuất chất diệt cỏ đã cam đoan với Chính phủ Mỹ rằng sản phẩm của họ không gây hại cho người. Tin vào lời cam đoan đó, cha tôi đã ra lệnh rải thuốc dọc các bờ sông nơi quân của ông thường tuần tra.

Hiệu quả thấy được ngay tức thì - thương vong của hải quân Mỹ giảm hơn năm lần - chỉ còn chưa đầy một phần trăm mỗi tháng. Dưới góc độ quân sự, quyết định sử dụng chất diệt cỏ là đúng đắn. Nhưng phải rất nhiều năm sau thì những người này mới phát hiện ra rằng cuộc chiến sinh tồn của họ còn lâu mới kết thúc. Họ đã trở về nhà với một quả bom hóa học nổ chậm trong người. Chất diệt cỏ mà họ bị phơi nhiễm, chất độc da cam, trái với cam đoan của các nhà sản xuất, là chất gây ung thư. Anh trai tôi (Elmo R.Zumwalt III, từng là lính hải quân tham chiến tại Việt Nam) nằm trong số những nạn nhân bị ung thư liên quan tới chất độc da cam... Vào ngày 13 tháng 8 năm 1988, ở tuổi 42, anh Elmo qua đời.

Sau cái chết của Elmo, cha tôi bắt đầu một sự nghiệp mới - thuyết phục Chính phủ Mỹ thừa nhận ảnh hưởng của chất độc da cam lên sức khỏe con người và bồi thường tài chính cho các cựu chiến binh.

Sự tham gia của cha tôi vào các hoạt động liên quan tới chất độc da cam đã đưa ông trở lại Việt Nam vào tháng 9.1994, trở thành vị tư lệnh cấp cao nhất của thời chiến tranh quay lại đây. Tôi tháp tùng ông trong chuyến đi ấy.

***

Giữa lúc nỗi đau trước cái chết của người anh trai do hậu quả chiến tranh Việt Nam vẫn còn đày đọa, việc trở lại đất nước nơi đã gieo mầm cho cái chết đó quả là một thử thách lớn. Khi máy bay hướng về Hà Nội, tôi tiếp tục suy nghĩ về cái chết của anh trai và hàng ngàn người đồng xứ khác...

Một vài ngày sau, tôi gặp những kẻ thù cũ, các cựu quân nhân từng phục vụ quân đội Bắc Việt (NVA) và Việt cộng. Tôi nhớ ban đầu mình cảm thấy rất khó chịu. Nỗi giận dữ của tôi về việc những nhân vật này từng là thủ phạm gây ra cái chết của rất nhiều đồng đội người Mỹ không hề nguôi. Trong đầu tôi luôn có một niềm tin xác quyết, rằng trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng phi nghĩa đã chiến thắng phe chính nghĩa. Thế rồi, nhận thức của tôi, nỗi giận dữ của tôi đã thay đổi nhanh chóng.

Tôi nhớ rất rõ cái khoảnh khắc của đổi thay ấy. Đó là ngày thứ ba của chuyến viếng thăm. Chúng tôi gặp tướng Nguyễn Huy Phan, một người phục vụ trong ngành quân y và nói tiếng Anh trôi chảy...

Ông Phan chia buồn về cái chết của Elmo. Chúng tôi cùng nói chuyện về cuộc chiến và tác động của nó lên cuộc sống những người sống sót. Bác sĩ Phan có vẻ bị tác động bởi cuộc nói chuyện. Dù tỏ ra trầm ngâm, nhưng ánh mắt đã cáo giác nỗi thống khổ nội tâm của ông. Sau này, tôi đã biết được nỗi đau lớn của bác sĩ Phan - ông đã mất đi người cha trước mũi súng của quân Pháp hồi chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và mất đi người em trai trong cuộc chiến lần hai. Nỗi đau mất người em trai đã giày vò trong nhiều năm bởi gia đình không thể tìm thấy hài cốt - em trai của ông đơn giản chỉ là một cái tên trong danh sách rất dài những người lính Việt Nam mất tích khi đang tại ngũ. Phải mất tới mười bảy năm thì Phan và gia đình mới tìm ra hài cốt của người em trai và đưa về quê hương.

Tôi xúc động trước câu chuyện của bác sĩ Phan. Khi suy ngẫm về nó, tôi chợt thấy mình bắt đầu nhìn về cuộc chiến tranh với một nhận thức hoàn toàn mới. Tôi nhận thấy rằng nỗi đau mất đi người thân không hề liên quan tới việc một người đứng ở phía nào của chiến tuyến. Nỗi đau mất em trai của ông Phan không hề nhẹ hơn nỗi đau mất anh trai của chính tôi. Lần đầu tiên, tôi không còn nhìn cuộc chiến này theo góc độ “trắng và đen” hay “thiện và ác”. Lần đầu tiên, tôi thấy trái tim mình cùng hòa nhịp với một kẻ thù mà tôi từng rất căm hận, khi nhận thấy rằng ông ta cũng chịu mất mát từ cuộc chiến đó...

Đỗ Hùng
(dịch và giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.