Thực trạng nhức nhối này kéo dài đằng đẵng, cho tới kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13, hơn 90% vị đại biểu đã bấm nút để Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát tối cao việc chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu giai đoạn 2006-2012. Sau hơn 1 năm triển khai giám sát, hôm nay Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ báo cáo trước 500 đại biểu và hàng triệu người dân cả nước về vấn đề này. Ngay sau đó sẽ là phiên thảo luận trực tiếp tại hội trường.
Muốn chống lãng phí, thất thoát thì phải chống, phải ngăn chặn ngay từ phần gốc rễ, từ chủ trương đầu tư thiếu trách nhiệm. Bởi đầu tư sai một dự án, công trình, chọn sai một vị trí, địa điểm kéo theo hàng loạt hệ lụy, hậu quả mà thiệt hại của nó so với hành vi xà xẻo, rút ruột dự án khó mà đong đếm được.
Đơn cử dự án Khu tái định cư thủy điện Sơn La, chỉ vì khâu khảo sát không kỹ lưỡng, ra quyết định đầu tư sai địa điểm, hơn 60 tỉ đồng bỏ ra xây dựng, nhưng chỉ có một vài hộ dân đến ở. Hay tại Vĩnh Long, các đại biểu lên tiếng về việc đầu tư không theo quy hoạch, cùng một chỗ tới 2 bệnh viện, để rồi hết vốn lại dang dở, kéo dài, vô cùng lãng phí.
Đâu chỉ dự án nhỏ, câu chuyện siêu dự án bauxite với cảng Kê Gà cũng là ví dụ còn nóng hổi. Bởi dự án xây cảng này phải bỏ dở giữa chừng, phải đền bù giải phóng mặt bằng, đền bù cho các nhà đầu tư hàng trăm tỉ đồng do chọn nhầm địa chỉ, tính sai nhu cầu vận chuyển. Hay như phong trào đầu tư các nhà máy xi măng ồ ạt, khiến hàng loạt nhà máy hiện nay như Đồng Bành, Hạ Long... thua lỗ, nợ nần.
Muốn ngăn chặn lãng phí, thất thoát trong xây dựng cơ bản phải từ khâu chủ trương đầu tư, xét duyệt kế hoạch ngân sách, tức ngăn chặn từ gốc là cơ quan sử dụng đồng tiền đó. Người dân mong muốn những cái tên, địa chỉ sẽ được nêu trong báo cáo giám sát lần này, và kỳ vọng hơn nữa vào sự nghiêm minh của luật pháp để xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, cơ quan có liên quan, nhằm siết chặt kỷ luật chi tiêu ngân sách, vì quốc kế dân sinh, lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Anh Vũ
Bình luận (0)