THỬ THÁCH MỚI DỰA TRÊN NHỮNG GIÁ TRỊ CŨ
Thầy trò HLV Mai Đức Chung đã tái hội quân, chuẩn bị cho ASIAD 19 vào tháng 9.2023. Môn bóng đá nữ tại Á vận hội có 17 đội tuyển, chia thành 5 bảng (3 bảng 3 đội và 2 bảng 4 đội). Chúng ta ở bảng D cùng Nhật Bản, Nepal và Bangladesh.
Các đội sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng tại mỗi bảng. Đội xếp nhất tại mỗi bảng và 3 đội xếp nhì có thành tích tốt nhất trong 5 bảng sẽ giành quyền vào tứ kết.
Nhiệm vụ là không dễ dàng khi chúng ta cần hạn chế tối đa bàn thua khi gặp Nhật Bản và giành số điểm tối đa - ghi thật nhiều bàn thắng vào lưới Nepal và Bangladesh. Trong khi lực lượng của đội tuyển nữ VN lại không có nhiều sự bổ sung thực sự chất lượng. Những gương mặt mới chỉ là những nhân tố trẻ được đôn lên tập luyện, rèn giũa, đào tạo cho giai đoạn tiếp theo. Không có nhiều hy vọng bổ sung sức mạnh cho đội hình chính. Không những thế, việc Thùy Trang từ giã đội tuyển cũng là một tổn thất không nhỏ khi cựu binh này là một mẫu tiền vệ có tính chiến đấu rất cao, bản lĩnh thi đấu kiên cường và yếu tố chuyên môn khá toàn diện cả công lẫn thủ. Và rất có thể chúng ta không có cả sự phục vụ của tiền đạo Huỳnh Như, một trong những mảnh ghép khó thay thế nhất trong cách vận hành chiến thuật của HLV Mai Đức Chung.
HLV Mai Đức Chung: 'Tôi sẽ xây dựng lứa trẻ tốt rồi bàn giao cho người mới'
QUÁ NHIỀU THỨ CẦN HOÀN THIỆN
Trong thời gian ngắn này, khối lượng mà ban huấn luyện đội tuyển nữ VN cần làm thực sự khổng lồ, trong đó quan trọng nhất là cân bằng tâm lý, lên giáo áo về khối lượng vận động và thể lực. Bởi sau một hành trình rất dài để vươn tới đỉnh cao World Cup, chúng ta đã bị hao mòn quá nhiều về thể lực, thể chất và cả khả năng chịu đựng của yếu tố tâm lý. Đội tuyển cần củng cố, xây dựng lại nền tảng thể lực một cách an toàn, chắc chắn để tránh những chấn thương không cần thiết trong bối cảnh lực lượng của chúng ta đang quá mỏng và yếu.
Yếu tố kỹ thuật cá nhân, khả năng xử lý bóng của các tuyển thủ cũng cần được cải thiện với các bài tập phù hợp. World Cup đã cho thấy chúng ta yếu thế nào khi phải đối mặt với những đội bóng ở đẳng cấp cao. Chúng ta không thể kiểm soát bóng, không thể thực hiện những pha phối hợp với khoảng 4 - 5 đường chuyền.
Ngoài ra, những phương án tác chiến, cách tiếp cận của từng trận đấu sẽ phải nghiên cứu, xây dựng và tập luyện một cách vô cùng kỹ lưỡng, tỉ mỉ, khoa học. Chẳng hạn đối phó với Nhật Bản nhanh nhẹn và kỹ thuật, đa dạng trong kiểm soát bóng tấn công thì chúng ta sẽ bố trí đội hình theo sơ đồ chiến thuật gì, chủ động phòng ngự thế nào, những phương án phản công ra sao? Để đối phó với những ngôi sao như Yui Hasegawa, Hinata, Mina Tanaka, sẽ cử ai kèm, cách phong tỏa, kiểm soát ra sao? Với những đối thủ như Nepal, Bangladesh, đội VN sẽ đẩy lên cao quây ép hay pressing ở thời điểm nào, khu vực pressing ra sao? Những mảng miếng tấn công cũng cần đa dạng, sắc sảo và hiệu quả hơn nhiều nếu chúng ta mong muốn cải thiện khả năng ghi bàn.
Mục tiêu của bóng đá nữ VN vẫn là tham dự World Cup 2027, nhưng để hoàn thành mục tiêu đó chúng ta cần nghiêm túc cho những kế hoạch chuẩn bị, những bước đi chi tiết chuẩn chỉ cho từng giai đoạn. Đặt mục tiêu và hoàn thành nó trong từng chu kỳ, giải đấu. Thành công của tương lai luôn bắt đầu từ những bài học trong quá khứ và những hành động của hôm nay. World Cup 2023 đã cho chúng ta nhiều bài học quý giá, vậy thì bây giờ… hành động thôi.
HLV Mai Đức Chung: 'Nếu Huỳnh Như vắng mặt ASID, chúng tôi luôn có phương án thay thế'
Bình luận (0)