Chàng khiếm thị hát giống hệt Đàm Vĩnh Hưng bán rong khắp TP.HCM
Mỗi lần chàng khiếm thị bán hàng rong cất giọng hát, nhiều người còn hỏi đùa nhau xem anh có hát nhép không vì… quá giống Đàm Vĩnh Hưng. Tiểu thương ở các chợ đặt cho anh biệt danh “Đàm Vĩnh Hưng 2”.
Tự động phát
Có đợt đi ngang chợ Tân Định mỗi sáng, thấy anh chàng khiếm thị đẩy loa kẹo kéo cùng vài món đồ lặt vặt hát giống hệt Đàm Vĩnh Hưng, tôi cũng đặt nhiều hoài nghi. Sau vài lần vô tình gặp, vẫn là giọng hát ấy. Tôi dừng lại ở chợ để hỏi thăm những khán giả hằng ngày của anh, đó là các tiểu thương buôn bán dọc chợ. Ai cũng trầm trồ: “Hát giống Đàm Vĩnh Hưng thiệt”.
Rong ruổi mưu sinh
9 giờ sáng, trời Sài Gòn nóng oi ả. Anh Phạm Bá Hồng (36 tuổi, quê Thanh Hóa) cùng chiếc loa kẹo kéo đi lại nhiều vòng quanh khu hàng ăn. Chiếc áo sơ mi cũ ướt sũng mồ hôi, anh Hồng vẫn vừa kéo loa đi vừa hát dọc đường Nguyễn Hữu Cầu bên hông chợ Tân Định (Q.1).
Anh Hồng hơn chục năm đi hát rong ở các chợ để bán hàng |
Vũ Phượng |
Là chất giọng khàn khàn cùng những bài hát nổi tiếng của Mr.Đàm như: Nước mắt đàn ông, Xin lỗi tình yêu, Chờ đông,… vang lên. Dòng xe qua lại vẫn hối hả, nhiều ánh mắt hướng về phía chàng ca sĩ. Vài người dừng lại hỏi mua hộp tăm bông, cái móc khóa hoặc không mua gì cả, chỉ gửi anh ít bạc lẻ dặn anh mua nước uống.
Ít phút sau, thấy mưa lắc rắc, anh hát: “Em ơi có phải ngoài trời đang mưa…”, mấy cô bán hàng ăn nhìn anh cười. Nhưng họ cũng không còn xa lạ gì, bởi chừng 10 ngày, nửa tháng anh lại đến chợ Tân Định hát bán hàng.
Anh Hồng bán tăm bông, bút, dao cạo râu, móc khóa,... |
Vũ Phượng |
Khi đã thấm mệt, anh “định vị” quán quen bước vào, chị chủ quán cười: “Nhầm quán rồi, đi lên xíu nữa nha”. Cách đó vài sạp, bà chủ sạp súp cua Hạnh gọi: “Đây nha”. Bà Hạnh súp cua quen biết anh Hồng hơn chục năm, vậy nên cứ tới chợ Tân Định, anh Hồng lại ghé đây để sắp xếp các món hàng của mình trước khi đi bán và lúc chuẩn bị về.
Anh Hồng vừa ngồi, chủ quán đưa ly trà tắc, chiếc khăn lạnh nói: “Nè lau mặt đi, mồ hôi ướt hết rồi”. Trời cũng bắt đầu đổ mưa to, bà chủ quán súp cua vội đứng lên bùng dù, đẩy loa kẹo kéo của anh Hồng vào chỗ khô ráo nhất.
Chất giọng khàn, anh thường chọn những bài hát của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vì phù hợp và yêu thích |
Vũ Phượng |
Nhíu mày nghe tiếng mưa rả rích, anh Hồng bắt đầu kể về cuộc đời mình. Sau đợt bị sởi năm 3 tuổi, cả hai mắt anh không còn thấy đường. 16 tuổi, anh bắt đầu học chữ nổi, massage bấm huyệt và học đàn. Từ đây anh quen biết nhiều bạn cùng khiếm thị ở Sài Gòn, qua các cuộc điện thoại chia sẻ về cuộc sống mưu sinh ở miền Nam, anh quyết tâm vào Sài Gòn để kiếm việc làm tự lo cho bản thân mình.
Thời gian đầu, anh Hồng đi bán vé số nhưng thường bị giật, đổi số cũ mất hết vốn nên anh đổi sang đi bán tăm bông. Cơ duyên này cũng giúp anh gặp được người bạn đời đồng cảnh ngộ.
Suốt thời gian đi bán từ 6 giờ 30 sáng đến 12 giờ 30 phút, anh hát liên tục |
Vũ Phượng |
Có lần tình cờ anh lên hát trong một đám cưới, làm quen được với người chơi đàn và một ca sĩ. Hai người nhận xét anh có giọng hát khàn giống Mr.Đàm nên đã chia sẻ thêm với anh những kiến thức về âm nhạc. Anh bắt đầu sắm loa kẹo kéo, ngồi hát ở ngã tư hoặc cùng em rể đi bán khắp các tuyến đường.
Bà Hạnh (bán súp cua chợ Tân Định) nhận xét, tính anh Hồng thật thà, ở chợ này ai cũng thương. “Giọng hát Hồng hay như Đàm Vĩnh Hưng vậy đó. Không thấy đường mà nắng nôi vậy cũng đi hát thấy tội nghiệp lắm. Trời mưa tôi phải lôi xe nó vô liền cho đỡ ướt đồ chứ không tiền đâu mà sửa”, bà Hạnh nói.
Mới 9 giờ, nắng đã chói chang, anh Hồng mồ hôi ướt cả áo |
Vũ Phượng |
Bà Phan Thị Loan (56 tuổi, chủ quán phở chợ Tân Định) cùng nhiều người ngồi xung quanh cũng trầm trồ khi tôi hỏi về giọng hát của anh Hồng: “Hát y Đàm Vĩnh Hưng”.
Ước mơ dang dở của cha
Nhắc đến con trai, bà Trịnh Thị Toan (64 tuổi, mẹ anh Hồng) lại rơm rớm nước mắt kể, ngày trước, bà và chồng từng hứa mỗi người sẽ cho con 1 mắt để con có đôi mắt sáng nhìn cuộc sống này.
Gia đình làm nông quanh năm chỉ biết ruộng đồng, nên để có tiền phẫu thuật ghép giác mạc, chồng bà Toan đã vào Sài Gòn làm thợ hồ, ban đêm đi nhặt thêm ve chai. Nhưng không may ông đã đi mãi sau một vụ tai nạn giao thông gần làng đại học. Số tiền tích cóp phẫu thuật được dùng để lo hậu sự, đưa ông về quê.
Anh kiểm hàng, sắp xếp đồ đạc gọn gàng trong lúc chờ xe ôm đến chở về |
Vũ Phượng |
Bà Toan nghẹn lời: “Tôi 65 tuổi nhưng mắt còn sáng lắm, tặng cho con 2 con mắt tôi cũng mừng, nhưng không có tiền để phẫu thuật. Giờ vì lo cho tương lai của con mà hai vợ chồng nó phải mỗi đứa một nơi”.
Nhắc tới người cha quá cố, anh Hồng khựng lại: “Người gây tai nạn bỏ chạy, vào bệnh viện bố tôi vẫn viết lên giấy dòng chữ “Lấy mắt của tôi cho con” rồi vài phút sau thì ông lịm đi. Bố đã nằm xuống rồi, tôi không thể nhận được”.
Bà Hạnh chủ quán súp cua tặng anh ly nước mát trong lúc trú mưa |
Vũ Phượng |
Căn nhà trọ 1,4 triệu đồng/tháng ở Thủ Đức anh vừa chuyển tới |
Vũ Phượng |
Sau một chương trình truyền hình, anh Hồng được tài trợ gần 40 triệu, vợ chồng anh đã về Tiền Giang (quê vợ) mở tiệm massage nhỏ chỉ có 2 giường. Được vài tháng, dịch Covid-19 ập đến, không gồng nổi tiền mặt bằng, cả hai đành ngậm ngùi tạm gác lại ước mơ. Cũng từ cơ duyên này, năm 2021, anh được mẹ nuôi ở Đức về Việt Nam đưa đi phẫu thuật 1 bên mắt. Nhìn thấy ánh sáng lờ mờ khoảng 20 - 30%, anh Hồng nói đó như những tia sáng của niềm tin và hy vọng sau hơn 30 năm sống trong bóng tối.
Mỗi ngày đi hát ở chợ, anh Hồng kiếm được từ 100.000 – 300.000 đồng, có ngày may mắn được bà con ủng hộ thì được nhiều hơn một chút. Trừ tiền xe ôm đi, lại, anh còn vừa đủ để xoay xở cuộc sống.
“Có những hôm đang hát gặp mưa thì xem như lỗ vốn, nhiều hôm tôi cũng phải vay bạn bè để bù khoản này khoản kia. Người thường kiếm 100.000 đồng đã khó rồi, huống gì tôi khiếm thị. Nhưng tôi không nản chí, tôi sẽ cố gắng kiếm tiền để mình không là gánh nặng cho gia đình, xã hội; sau đó nữa là thực hiện ước mơ mở tiệm massage ở Sài Gòn để đón vợ con lên đoàn tụ”, anh Hồng tâm sự về ước mơ của mình.
Bình luận (0)