|
Từ tỉnh lộ ĐT 604, băng qua cây cầu treo là đến với làng văn hóa-du lịch Bhờ Hôồng. Làng có 63 hộ, với hơn 360 nhân khẩu, đa phần là người C’tu sống ở nơi đây rất lâu đời. Với đặc trưng này, một công ty du lịch đầu tư xây dựng cầu treo, xây dựng những khu nhà Gươl (nhà ở), nhà Moong (nhà người dân trong làng dùng để sinh hoạt chung) để phục vụ du khách đến nơi đây sống cùng người dân. Những sinh hoạt văn hóa, ăn uống... đều do chính người dân trong làng đảm nhận, để cải thiện đời sống của người dân. Thế nhưng, không phải điều gì mang đến nguồn lợi kinh tế cũng được người dân trong làng chấp nhận. Vì vậy, giữa người dân và du khách cần có chiếc cầu nối để thấu hiểu nhau. Và A Ting Pai chính là chiếc cầu nối ấy.
Tốt nghiệp ngành du lịch ở một trường cao đẳng ở Đà Nẵng, Ating Pai không tham gia dự tuyển làm việc tại Đà Nẵng, mà quyết định về lại buôn làng mình bắt đầu kế hoạch quảng bá du lịch cho văn hóa C’tu. “Nhưng thực sự để làm mới thấy không dễ dàng, vì trong tay không có kinh phí, kinh nghiệm còn chưa nhiều! Vì vậy, khi thấy một doanh nghiệp tuyển người quản lý ở khu du lịch Bhờ Hôồng, mình đã dự tuyển, để có thời gian tích lũy kinh nghiệm cho mình!” Ating Pai chia sẻ. Nói là để tích lũy kinh nghiệm, nhưng những du khách đến nơi đây đều thú vị với chàng trai C’tu có nhiều kiến thức về văn hóa, đời sống của người dân trong vùng. Những câu chuyện của Ating Pai kể luôn cuốn hút họ trong suốt hành trình khám phá. Không chỉ vậy, Ating Pai rất thông thạo những đường sông, suối, núi rừng ở khu vực này, nên những chuyến trekking (du lịch leo núi, đi rừng...) du khách luôn thích thú, hài lòng. Và hài lòng nhất vẫn là việc Ating Pai có thể giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát, tiếng C’tu và tiếng Việt thì rất chuẩn, nên khách Việt, khách Tây đều rất thích Pai hướng dẫn.
“Mỗi khi có những đoàn khách lớn đến với làng, mình phải chạy đi liên lạc. Không phải có gì cũng suôn sẻ, có không ít khó khăn!” Pai kể. Trong những khó khăn, đó là việc những đoàn khách từ xa đến muốn tận mắt xem những điệu múa C’tu, cảnh người C’tu dệt vải, sinh hoạt văn hóa... nhưng không may đến đúng thời điểm làng có tang. Theo truyền thống làng không được tổ chức vui chơi, ăn uống trong suốt cả tuần. “Trong những tình huống ấy phải vận dụng sự linh hoạt, phải thuyết phục người dân, lẫn nhờ đến mọi mối quan hệ thân thuộc để giúp người dân hiểu được, sự quảng bá văn hóa đến du khách là quan trọng đến như thế nào, để có được sự chấp thuận!” Pai giải thích. Những hủ tục của người C’tu không phải đã được xóa sổ hoàn toàn. Những hủ tục như nam nữ không phải vợ chồng vào ngủ trong làng, sẽ bị làng xử phạt vì làm ô uế, và nếu sau đó trong làng có chuyện gì xui xẻo thì sẽ bị đổ lỗi. Sau nhiều lần thương lượng, người trong làng mới chấp thuận việc du khách đến ngủ trong nhà Gươl là không liên quan đến luật tục này.
Hỏi Ating Pai, có thấy cuộc sống ở đây khiến bạn cảm thấy thiếu thốn như cuộc sống ở phố nơi mà Ating Pai từng sống và học tập hay không? Ating cười hiền: “Nói không là nói dối. Nhiều bạn bè có công việc tốt cũng rủ mình xuống làm, nhưng mình đã đặt quyết tâm rồi, từ khi mình chọn ngành học là du lịch. Việc quảng bá du lịch của quê hương mình đến với mọi người càng nhiều, đó chính là niềm vui lớn nhất của mình rồi. Khó khăn thì từ từ khắc phục. Đây chính là xuất phát điểm mà mình cần trải qua...”. Sau công việc, Ating Pai giải trí bằng việc trau dồi thêm vốn liếng tiếng Anh, hoặc gặp gỡ với những người dân trong vùng để kết thân.
Ngồi ăn cùng Ating Pai bữa cơm đạm bạc do chính tay cậu nấu đãi khách, rất nhiều người trong làng đi ngang qua, gọi tên Ating Pai đầy trìu mến. Có lẽ, cùng với quyết tâm quảng bá văn hóa buôn làng đến với mọi người, thì những tình cảm của người dân hồn hậu nơi đây, cũng là một lý do níu kéo Ating Pai ở lại với công việc vốn không dễ dàng này ở vùng sơn cước xa xôi...
Diệu Hiền
Bình luận (0)